Bạn trẻ túc trực cầu Long Biên giúp người dân thả cá Táo quân
(Dân trí) - Vừa giúp mọi người đỡ vất vả, các bạn trẻ vừa "cứu" lấy những chú cá chép khỏi cảnh bị ném từ trên cầu xuống, ngăn người dân thả rác xuống sông Hồng.
Thả cá chép vào ngày ông Công ông Táo vốn là một nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến. Nhưng khoảng vài năm trở lại đây, hoạt động này đang có phần xấu đi khi làm góp phần làm ô nhiễm thêm những hồ, sông ở Hà Nội bởi khi thả cá người dân thường hiện nay ném luôn các loại rác thải như là túi ni-lông xuống dòng nước.
Do vậy, bắt đầu từng sáng nay 1/2 (tức 23 tháng Chạp âm lịch), nhiều bạn trẻ thuộc các tổ chức tình nguyện vì môi trường đã tập trung trên cầu Long Biên cùng nhau cầm tấm biển với khẩu hiệu “Thả cá xin đừng thả túi ni-lông”.
Hơn 100 bạn trẻ túc trực ở khu vực cầu Long Biên, là nơi người dân Hà Nội thường tới để thả cá xuống sông Hồng để tuyên truyền thả cá đừng thả túi ni-lông và giúp đỡ người dân thả cá. Hầu hết các bạn trẻ là học sinh, sinh viên đang sống và học tập tại Hà Nội, tình nguyện tham gia chương trình này để bảo vệ môi trường.
Nhóm Cá chép - tên của một nhóm các bạn trẻ kêu gọi không thả túi ni-lông đã thực hiện chiến dịch từ 3-4 tháng trước khi đến dịp ông Công ông Táo. Đó là thời gian để các bạn chuẩn bị các điều kiện cho hoạt động. Đến khoảng 29/1, các bạn bắt đầu các hoạt động tuyên truyền thực tế, bao gồm: đạp xe khắp các phố Hà Nội để vận động người dân, dán poster ở bảng thông báo các tổ dân phố, hay trong những quán cà phê.
Nhóm tình nguyện này cũng chốt tại các vị trí cầm biển tuyên truyền trực tiếp tại những điểm như hồ Thiền Quang, cầu Long Biên... và trực tiếp xin rác của những người đang thả cá. Để tránh những trường hợp thả cá vừa thả thêm túi ni-lông, các bạn trẻ này đã chuẩn bị sẵn xô chậu, giúp người dân thả cá xuống sông, hồ.
Ở cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, các bạn dùng dây buộc vào thùng nước rồi từ từ thả cá xuống sát mặt nước để cá không bị thương tổn, có điều kiện tiếp tục sinh trưởng. Còn với những loại đồ cúng khác, các bạn trẻ này cũng tập kết tại một điểm trên cầu trước và thực hiện phân loại trước rồi mới đưa xuống dưới chân cầu.
Tại điểm dưới chân cầu, một nhóm khác đã cắm chốt trước tiếp tục phân loại thêm một lần nữa. Những loại đồ như chân hương sẽ được thả xuống sông, còn túi ni-lông, đồ hóa vàng sẽ được phân ra riêng để hóa ở một điểm khác.
Bạn Nguyễn Phương Mai (sinh viên năm 2 – học viện nông nghiệp Việt Nam) chia sẻ: “Mình tham gia hoạt động này để góp phần nào đó tuyên truyền cho người dân thêm ý thức bảo vệ môi trường. Mình đã tham gia hoạt động này được 2 mùa”. Chiến dịch tuyên truyền thả cá đừng thả túi ni-lông 2016 đã tập hợp được khoảng 100 bạn trẻ từ nhiều câu lạc bộ khác nhau cùng tham gia. Chiến dịch đã thực hiện 3 năm.
Mai Châm