Bạn trẻ tranh luận về "hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới"
(Dân trí) - Chủ đề “Hôn nhân đồng giới liệu có ảnh hưởng đến vấn đề duy trì nòi giống?” được các bạn trẻ và diễn giả trao đổi thẳng thắn, cởi mởi với nhau trong một buổi toạ đàm.
Tọa đàm: “Hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới” được Diễn đàn Mô phỏng nghị viện trẻ Việt Nam (Viet Nam Youth Parliament – VNYP) tổ chức với sự tham gia của gần 100 bạn trẻ và các vị diễn giả có uy tín là: PGS. TS. Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng bộ môn Luật hôn nhân và gia đình, Đại Học Luật Hà Nội; ông Lương Thế Huy - Giám đốc chương trình quyền LGBT, Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE); ông Nguyễn Bá Trường Giang - Sáng lập viên IVY League Việt Nam.
VNYP là dự án giáo dục được tổ chức bởi các bạn du học sinh Việt nhằm mục đích nâng cao nhận thức, vai trò và năng lực của thế hệ trẻ trong quy trình hoạch định chính sách. Năm 2016, dự án này chiến thắng cuộc thi Quỹ tài trợ quy mô nhỏ dành cho cựu sinh viên trao đổi của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội.
Diễn Đàn Mô Phỏng Nghị Viện Trẻ Việt Nam đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm với chủ đề khác nhau trong thời gian qua để giúp bạn trẻ hiểu thêm về luật pháp, chính sách của Nhà nước và các vấn đề xã hội nóng hổi.
Tại buổi tọa đàm về chủ để “hôn nhân đồng giới”, bạn Đặng Thúy Hường, sinh viên Học viện Ngoại giao Việt Nam, một trong những “nghị sĩ trẻ” tham gia chương trình, cho rằng: “Việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới để trao quyền cho các cặp đôi đồng tính không có nghĩa là sẽ tước đoạt đi các quyền của cặp đôi dị tính khác. Ở đây là sự mở rộng cơ hội bình đẳng. Chúng ta không thể đổ lỗi cho các cặp đôi đồng tính gây ra tan vỡ hôn nhân của các cặp đôi dị tính.
Người đồng tính hay song tính chiếm một phần nhỏ dân số nên nói rằng kết hôn đồng giới làm giảm dân số là không chính xác. Đấy là chưa nói tới việc những cặp đôi này có thể có con bằng phương pháp mang thai hộ với mục đích nhân đạo, sinh con với sự trợ giúp của sinh học hay nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi.
Hôn nhân đồng giới không những không làm xói mòn giá trị hôn nhân truyền thống hay mất chức năng xã hội cơ bản của gia đình mà còn có thể giúp làm giảm gánh nặng xã hội khi nhân nuôi các em bé bị bỏ rơi”.
Nhiều bạn sinh viên cũng đưa ra ý kiến đồng tình rằng nên quan tâm nhiều hơn đến những người đồng tính, việc kì thị họ cần được dần xóa bỏ. Không có bằng chứng nào chứng minh rằng những đứa trẻ trong gia đình có ba mẹ là các cặp đôi dị giới sẽ hạnh phúc hơn những đứa trẻ trong gia đình có ba mẹ là các cặp đôi đồng giới. Những người có khả năng nuôi dạy con trẻ, dù họ là nam hay nữ, đồng tính hay dị tính, đều là những bậc cha mẹ tốt và có thể nuôi dạy con cái của mình.
PGS. TS Nguyễn Thị Lan chia sẻ: “Những người làm truyền thông phải có cái nhìn rất bình đẳng về các nhóm người trong xã hội, như vậy chúng ta mới thay đổi được nhận thức và đi vào lòng người. Nếu như mỗi chúng ta đều có thể gặp gỡ, kết nối và chia sẻ thì nhận thức của xã hội sẽ thay đổi rất nhanh”.
Là một người hoạt động lâu năm trong việc đấu tranh quyền lợi cho người đồng tính, anh Lương Thế Huy tâm sự: “Nếu bạn có thể bay thì hãy bay, nếu bạn có thể chạy thì hãy chạy, nếu bạn có thể bò thì hãy bò, quan trọng là bạn phải tiến lên, cho dù là một bước nhỏ nhất.
Cái đích cuối cùng đó là sự bình đẳng, nó không có nghĩa là mình tạo ra quyền gì mới cho người đồng tính hết, mà là các bạn có khả năng làm cái gì, các bạn mong muốn người khác đối xử với mình như thế nào thì hãy để những người đồng tính cũng có những điều như vậy.”
Thông điệp mà tất cả các bạn trẻ tham gia tọa đàm mong muốn truyền tải là: “Những người ngoài cộng đồng LGBT mới là nguồn tuyên truyền mạnh mẽ và lớn nhất. Nếu một lời đồng ý của bạn có thể thay đổi cuộc đời của rất nhiều người, vậy bạn có đồng ý hay không?”.
Hà Duy