Bạn trẻ tranh luận: Có nên đưa lương cho bố mẹ hàng tháng?

Văn Hiền

(Dân trí) - "10 năm đi làm mình chẳng đưa lương cho bố mẹ bao giờ vì ở chung mà", "hàng tháng mình gửi lương để bố mẹ yên tâm và tỏ lòng hiếu thảo"...

"Bạn có đưa lương hàng tháng cho bố mẹ?", mỗi người lại có một quan điểm khác nhau về chủ đề này. Hãy cùng lắng nghe chia sẻ từ các bạn trẻ:

Lương đưa bố mẹ không sinh lời

Hoàng Anh (29 tuổi, Đống Đa) đã đi làm được 10 năm nhưng chưa bao giờ có khái niệm đưa lương cho bố mẹ, luôn giữ từng đồng lương và cho rằng ở chung thì không phải đưa.

"Bố mẹ mình là công chức về hưu, sống cùng bố mẹ thì cũng chẳng phải lo nghĩ gì. Vậy tại sao phải đưa tiền lương ? Tiền lương mình có thể tự chi tiêu cho các sinh hoạt cá nhân, đầu tư sinh lời, du lịch… Lương mà gửi bố mẹ thì sẽ không sinh lời", Hoàng Anh khẳng định.

Chàng trai 29 tuổi quan niệm rằng: "Không phải cứ đưa lương hàng tháng là tỏ lòng biết ơn đến bố mẹ. Mình có thể đưa bố mẹ đi du lịch nghỉ dưỡng cả tuần, hoặc chỉ cần bố mẹ nói thích một thứ gì đó mình sẵn sàng mua cho họ".

Dù không ở chung với bố mẹ, lại sống xa nhà và tự lập ngay từ thời sinh viên. Mai Anh (26 tuổi, Quảng Ninh) cũng không thể đưa lương hàng tháng cho bố mẹ, do lương không đủ trang trải cuộc sống.

Mai Anh cho hay: "Lương nhân viên văn phòng một tháng chỉ được khoảng 9-10 triệu đồng, trừ các chi phí sinh hoạt và tiền nhà cũng chẳng có bao nhiêu. Nếu mà gửi về cho bố mẹ thì thật sự mình sẽ không đủ tiền chi tiêu cho cả tháng".

"Ai cũng muốn có lương dư hàng tháng rồi gửi bố mẹ, nhưng với mức lương như vậy thì quả thật là quá khó khăn, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19, ngành du lịch của mình bị ảnh hưởng nặng nề. Gần 3 tháng nay mình còn phải xin tiền từ bố mẹ để có thể vượt qua thời gian khó khăn này", Mai Anh tâm sự.

Mai Anh cũng chung quan điểm với Hoàng Anh rằng: "Tiền lương đưa bố mẹ sẽ không sinh lời, thay vào đó thì chúng ta sẽ đi đầu tư để có thêm thu nhập. Bày tỏ lòng biết ơn, công sinh thành bằng nhiều cách chứ không nhất thiết phải đưa lương. Nếu chỉ việc đưa lương hàng tháng mà chẳng quan tâm rồi có thái độ không tốt với bố mẹ thì đó không phải là sự biết ơn nữa rồi".

Bố mẹ an tâm và ngủ ngon khi con cái gửi tiền hàng tháng

Nguyễn Ngọc Sơn (sinh năm 1993, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội) sau khi tốt nghiệp Thủ khoa Học viện Ngoại giao đã nhanh chóng theo đuổi sự nghiệp giảng dạy kỹ năng mềm trong kinh doanh và đời sống, gặt hái nhiều thành quả rực rỡ. 

Bạn trẻ tranh luận: Có nên đưa lương cho bố mẹ hàng tháng? - 1
Ngọc Sơn chia sẻ, anh không giấu giếm bất cứ một khoản thu nhập nào của bản thân với gia đình. 

Giải thích về lý do không tự giữ tiền tiết kiệm mà gửi hết cho ba mẹ, nhà văn 9x cho hay: "Tính Sơn hoang phí lắm, chi tiêu thường dựa theo cảm xúc nữa, bởi vậy, nếu giữ nhiều tiền trong người, khó tránh khỏi việc mất kiểm soát. Vả lại, cứ cho người này mượn, người kia vay, tiền tiết kiệm rồi cũng "tan đàn xẻ nghé" hết. 

Đây là việc hoàn toàn có cơ sở và không phải chưa từng xảy ra với Sơn. Sơn cũng từng giữ lại một khoản tiền để phục vụ những sở thích, mục tiêu riêng của bản thân, nhưng sự thật là... thất thoát hết. Vì thế, Sơn muốn ba mẹ giúp mình giữ tiền, cũng muốn san sẻ gánh nặng về kinh tế cùng ba mẹ".

Bạn trẻ tranh luận: Có nên đưa lương cho bố mẹ hàng tháng? - 2
Nhờ việc gửi tiền tiết kiệm cho ba mẹ giữ, Nguyễn Ngọc Sơn đã tích lũy được nhiều hơn, an tâm hơn, đồng thời cũng khiến ba mẹ vui vẻ hơn.

Không những không cảm thấy áp lực, thầy giáo 9x còn nhận thấy, thói quen này đã trở thành động lực để anh làm việc chăm chỉ hơn, phấn đấu nhiều hơn trong sự nghiệp. Anh tâm sự: "Có lần, mẹ tôi thủ thỉ rằng, việc tôi gửi thu nhập của mình cho bố mẹ, khiến bố mẹ cực kỳ an tâm, ăn ngon miệng hơn, ngủ sâu giấc hơn. 

Con cái trưởng thành, rời xa vòng tay của gia đình, ngày càng ít tâm sự, giãi bày, tiền ai mạnh người nấy tiêu xài, sợi dây gắn kết cứ ngày thêm cách trở. Bố mẹ không phải vì chuyện tôi làm ra nhiều tiền mà tự hào, mà trở nên vui vẻ hơn, mà bởi vì, bố mẹ biết tôi tu chí làm ăn, bớt được nỗi lo canh cánh trong lòng mình. Rồi thì, bố mẹ tôi biết có những khoản tiền tiết kiệm đó mà dựa vào, nó cũng như cái gậy ba-toong của bố mẹ tôi ấy. Mà tuổi già, bố mẹ chỉ cần có vậy thôi".

Cách báo hiếu thực tế nhất với người sinh thành

Phạm Anh Vũ ( 28 tuổi, Hà Nội) bày tỏ: "Với mình việc đi làm có thu nhập dù ít hay nhiều, việc mình trích ra một khoản thu nhập để gửi bố mẹ đó không chỉ là trách nhiệm mà đấy còn là lòng biết ơn của mình dành cho gia đình đặc biệt là bố mẹ".

Bạn trẻ tranh luận: Có nên đưa lương cho bố mẹ hàng tháng? - 3
Anh Vũ cho rằng, việc đưa tiền lương cho bố mẹ chính là một cách thực tế nhất để báo hiếu với đấng sinh thành.

"Việc chăm sóc bố mẹ hay gia đình là đương nhiên vì "trẻ cậy cha già cậy con". Còn chắc chắn là việc phụng dưỡng bố mẹ có rất nhiều cách, và mình thấy việc đó là cách thực tế và dễ nhất để báo hiếu cho người sinh thành ra mình. Mình không rõ những bạn khác ra sao nhưng bố mẹ mình rất vui vì điều này", Anh Vũ bộc bạch.

Bạn trẻ tranh luận: Có nên đưa lương cho bố mẹ hàng tháng? - 4
Dù đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nặng đến ngành du lịch, nhưng Anh Vũ vẫn cố gắng và gửi bố mẹ 30% lương hàng tháng.

Anh Vũ chia sẻ: "Đúng là trong 2 năm vừa rồi du lịch ảnh hưởng rất nhiều và nguồn thu nhập chính từ công việc cũng bị giảm đi đáng kể. Trong giai đoạn dịch mình  vẫn mở thêm một quán chay nhỏ bán và phục vụ mạng xã hội và nền tảng ứng dụng về đồ ăn, cũng thuận lợi nên vẫn có thu nhập.

May mắn hơn một chút là bố mẹ sẵn ở Hà Nội, mức chi tiêu của ông bà không nhiều nên ông bà không có chú trọng đến việc mỗi tháng phải gửi bao nhiêu mà là từ mình mỗi tháng mình gửi tặng bố mẹ bao nhiêu. Là món quà mà nên bao nhiêu lúc đấy cũng không quan trọng nữa rồi.

Với những nguồn thu nhập của mình hiện có, thường sẽ để 30% để đưa bố mẹ và giữ lại 70% để dùng. Trong 70% đó, mình trực tiếp dùng khoảng 40% cho việc sinh hoạt hàng ngày, số còn lại sẽ để tích lũy và đầu tư cho cá nhân hoặc công việc".

Bùi Nhật Lệ ( sinh năm 1997, quê Hưng Yên) công việc chính là kinh doanh online, trước đó em làm tiếp viên hàng không, lại cho rằng: "Đưa lương biếu bố mẹ nên được xem là việc làm bắt buộc và cần thiết, đặc biệt các bạn trẻ chưa có gia đình. 

Với mình báo hiếu luôn là việc đặt lên hàng đầu. Bố mẹ gần 60 tuổi rồi nên thời gian của mình còn nhiều nhưng bố mẹ không. Bố mẹ đã dành cả đời hy sinh lo cho mình cuộc sống tốt, thì giờ mình không thể ích kỷ chỉ nghĩ đến cuộc sống cá nhân. Báo hiếu thì nên dùng hành động thiết thực nhất là quan tâm bằng tài chính. 

Bạn trẻ tranh luận: Có nên đưa lương cho bố mẹ hàng tháng? - 5
Đưa lương cho bố mẹ sẽ giúp bố mẹ tự hào và yên tâm về mình hơn.

Bố mẹ giữ tiền cũng là một cách tiết kiệm tốt. Vì bản thân mình còn trẻ, nhiều khi chưa kiểm soát được chi tiêu theo cảm xúc, có bao nhiêu cũng tiêu hết. Nên cứ đưa bố mẹ, bố mẹ tùy ý  chi tiêu hoặc xem đó như quỹ dự phòng rủi ro. 

Mình cũng mong muốn bố mẹ vui, tự hào và yên tâm về mình. Dù đưa lương có thể bố mẹ còn không tiêu đến nhưng chắc chắn đổi lại bố mẹ sẽ rất tin tưởng và sau này có chuyện gì cũng có thể gọi cho mình cùng giải quyết chứ không phải vì lo lắng mình không có tiền mà giấu".