Bạn trẻ săn hàng đặc sản chơi Xuân

Những ngày Tết sắp cận kề, nhiều người không ngần ngại bỏ công sức, hàng trăm triệu đồng để “săn” được chậu lan quý Trần mộng Sa Pa “khủng”, được ví là “vua” của các loại lan hoặc lùng những quả “chú” gà Đông Tảo chân đẹp về chơi, biếu tết ... Để “chơi” được hàng độc cũng không dễ.

Săn gà quý tiến vua

Những ngày nay, ở xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) nhiều người đổ xô săn lùng giống gà quý. Bắt chú gà trống Đông Tảo lên ô tô, anh Lê Ngọc Anh ở Hà Nội cho biết, “vừa mua chú gà với giá 6 triệu đồng để cúng trong đêm Giao thừa, hi vọng sang năm làm ăn phát đạt”.

Anh Giang Tuấn Vũ, chủ trại gà Đông Tảo ở xóm Trung Đình (Đông Tảo) cho biết, thời điểm này năm ngoái, gia đình anh chưa có nhiều khách hàng đặt mua. Nhưng năm nay anh đã bán được trên 40 con gà làm quà biếu Tết . Người mua không chỉ ở các tỉnh phía Bắc mà có những khách ở Sài Gòn ra đặt mua.

“Gà Đông Tảo đẹp phải hòa hợp mọi yếu tố từ đầu, tai, mặt, cánh, mào và chân. Trước tiên, đầu phải to củ tre, có mào sít hay húng chanh, tai tích cân đối với phom dáng cao to. Đặc biệt, 2 cánh trai gọn, to và vai nở, gà đẹp sẽ sở hữu cặp chân to, tròn, ngắn ngón và sắc đỏ, xù xì”, anh Vũ nói.

Năm 2014, anh Vũ đã bán cho một khách hàng 1 cặp gà trị giá 51 triệu đồng. Tết này, Vũ nuôi giống một chú gà trống, được các đại gia trả giá 60 triệu đồng nhưng anh chưa bán.


Anh Lê Quang Thắng đang bế con gà Đông Tảo trị giá hơn 10 triệu đồng.

Anh Lê Quang Thắng đang bế con gà Đông Tảo trị giá hơn 10 triệu đồng.

Anh Lê Quang Thắng (xóm Đoàn Kết, xã Đông Tảo) cho biết, gà Đông Tảo là giống gà quý từng được tiến vua. Giống gà quý thuần chủng này bán được giá đắt là tùy độ lớn và đẹp của đôi chân. Một con gà nặng chỉ 2 đến 3 kg nhưng nếu chân to, đẹp thì có thể bán với giá vài triệu đồng.

Hiện tại, gà Đông Tảo có 3 mức giá: Gà thịt thương phẩm phổ thông từ 220.000 đến 250.000 đồng/kg, gà biếu loại hai từ 2 đến 4 triệu đồng/con, gà biếu đặc biệt từ 5 đến 10 triệu đồng/con,  thậm chí có nhiều con có thể có giá cả vài chục triệu đồng. Để phân biệt gà Đông Tảo với các giống gà khác không khó. Trước hết, cặp chân gà Đông Tảo to và xù xì hơn hẳn các giống gà khác, ngón chân mập và ngắn hơn, đầu to hơn. Thịt gà Đông Tảo thường đỏ chứ không trắng như các giống gà khác.

Cầu kỳ thú chơi địa lan

Những ngày cuối năm, các vườn lan ở thị trấn Sa Pa ô tô vào ra tấp nập. Anh Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng Kinh tế UBND huyện Sa Pa cho biết, so với năm ngoái địa lan Sa Pa năm nay tiêu thụ mạnh hơn. Thời điểm này nhiều hộ trồng lan trong vùng đã bán sạch không còn giỏ lan nào, vì trước Tết dương lịch nhiều người đã lên mua, đặt hoa trước chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán.

“Toàn huyện Sa Pa có trên 70.000 chậu địa lan. Lan phục vụ Tết Nguyên đán năm ngoái 6.000-7.000 chậu, nhiều khách hàng có nhu cầu mua lan nhưng hết hàng. Vì vậy, năm nay tăng các hộ dân trồng tăng lên khoảng hơn 10.000 chậu để phục vụ nhu cầu chơi lan Tết”, anh Thành nói.

“Khách hàng muốn chơi hoa địa lan Sa Pa tết cần tránh để hoa bị “sốc nhiệt”. Cần hiểu rõ gốc địa lan mình mua đã thích nghi được với khí hậu ấm hơn chưa? Và có quy trình chăm sóc hoa đúng kỹ thuật giúp địa lan thích nghi dần với khí hậu địa phương. Chăm sóc địa lan đúng quy trình hoa nó có thể trổ bông đẹp sau 2 - 3 tháng mới tàn, hương thơm độc đáo”.

Kỹ sư Lê Văn Vy

Chậu lan đẹp giá hiện nay dao động từ 200.000 - 600.000 đồng/cành tùy theo số nụ hoa nhiều hay ít trên một cành. Những chậu địa lan càng có nhiều cành hoa đẹp giá bán sẽ càng cao hơn.

Ông Thiên ở thị trấn Sa Pa là một hộ sản xuất, kinh doanh hoa địa lan cho biết: Năm nay, thời tiết không xuất hiện mưa tuyết và sương muối nên những hộ trồng lan “trúng” hơn.

Theo những hộ trồng lan ở Sa Pa, ngoài số lượng nhánh hoa lan trên một gốc thì tiêu chí để phân biệt độ đẹp, xấu của hoa lan còn: Hoa nở đều không, màu sắc cánh hoa, độ xanh của lá, lan nguyên khóm hay bị ghép.

Theo kỹ sư trẻ Lê Văn Vy, chủ hai vườn địa lan lớn nhất ở thị trấn Sa Pa: Giống địa lan Trần mộng là giống hoa quý của núi rừng ở Sa Pa. Nhiều người chơi lan ở Hà Nội và các tỉnh phía bắc lên Sa Pa mua hoa chơi Tết nhưng thất vọng khi về vùng xuôi hoa hỏng không chơi được.

“Hoa địa lan hỏng là do nhiệt độ Sa Pa và Hà Nội, các tỉnh khác phía Bắc lệch nhau 6 - 8 độ. Địa lan ở Sa Pa chuyển về vùng xuôi chưa thích nghi được với khí hậu thay đổi đột ngột nên bị “sốc nhiệt” dẫn tới lượng nước từ đất dẫn lên không kịp cho cây, cành hoa non chưa trưởng thành nước không dẫn được tới các mao mạch nên chịu nhiều rủi ro. Địa lan lúc này sẽ bị héo và nhanh tàn”, anh Vy nói.

Theo anh Vy, để tránh tình trạng hoa địa lan “sốc nhiệt”, anh và nhiều chủ vườn địa lan tại Sa Pa phải đem lan xuống khu vực xã Cốc San (huyện Bát Xát), xã Cam Đường (thành phố Lào Cai). Đây là những nơi khí hậu ấm áp, để “sưởi ấm” cho lan từ khoảng 1 - 2 tháng trước Tết. Giúp lan dần thích nghi với môi trường ấm hơn và ép hoa trổ bông đúng dịp.

Theo Quang Lộc

Tiền phong