Bạn gái "đo" tình yêu bằng… quà đắt tiền

(Dân trí) - Đánh giá tình cảm của người khác qua quà tặng, cho rằng bạn trai tặng quà càng đắt tiền càng… yêu mình, không ít bạn gái tích cực vòi vĩnh quà từ người yêu trong những ngày lễ đặc biệt. Họ không biết đang tự đánh mất giá trị bản thân.

Chờ ngày đòi quà

Thấy cô bạn thân thường xuyên được anh chàng đang theo đuổi tặng quà đắt tiền, Ngọc Diệp, học lớp 12 ở TP.HCM lại thấy ấm ức vì bạn trai mình thường chỉ tặng các mòn quà đơn giản.
 
Diệp cũng so đo khi nghĩ những ngày lễ khác, quà mình được nhận cũng quá khiêm tốn so với bạn bè. Cho rằng bạn trai chưa hết lòng vì mình và muốn chàng phải thể hiện tình yêu chân thật, thời gian gần đây đến các ngày lễ là Diệp bắn rất nhiều tín hiệu về món quà mình yêu thích đến bạn trai.

Valentine cô vòi bạn trai tặng vòng đeo tay bằng vàng trắng hơn 3 triệu đồng, Diệp đi khoe khắp nơi. Dịp này, trước ngày lễ 8/3, mỗi khi gặp người yêu, lập tức cô dẫn anh chàng lượn lờ các trung tâm thương mại, rồi chỉ trỏ vào những món quà đắt tiền như đồng hồ, trang sức, mỹ phẩm…
 
Thấy bạn trai xem một cách hồn nhiên, vô thức chẳng để ý gì, Diệp nói luôn rằng bạn bè mình toàn nhận được quà đắt tiền từ người yêu trong, anh phải tặng cô thứ gì cho đáng để cô có thể tin tưởng vào tìm cảm của anh.
 
Bạn gái đo tình yêu bằng… vật chất
Không ít bạn gái "đo" tình cảm của bạn trai qua những giá trị tiền bạc của những món quà tặng. (Ảnh minh họa)
 
Từ ngày quen nhau hơn một năm nay, Nhật Anh, sinh viên năm thứ nhất nhận được không ít món quà có giá trị vật chất từ bạn trai hỗ trợ cô trong việc ăn học khi xa nhà như tủ lạnh, bếp ga, máy tính…
 
Nhưng thay vì hạnh phúc với sự quan tâm, chia sẻ này của người yêu, Nhật Anh lại không ngừng tăng “mức độ” đòi hỏi quà cáp vì cho rằng những thứ trên thuộc về "trách nhiệm" chứ chưa phải là thể hiện tình yêu. 
 
Yên tâm với việc bạn trai đã đi làm, thu nhập cao, cô không ngại gửi cho anh một số đường link giới thiệu về những quà tặng cao cấp trị giá cả chục triệu trong những ngày lễ.
 
Khi người yêu tỏ ý không bằng lòng, cho rằng như vậy là quá xa xỉ, không cần thiết, Nhật Anh tỏ ra giận dỗi, cho rằng người yêu mình keo kiệt và tuyên bố sẽ không gặp mặt anh. Nhiều lần anh chàng chiều cô nhưng cũng không ít phen họ cãi nhau nảy lửa “phi vụ quà cáp” này. 

Trên thực tế không ít bạn gái trẻ ngày nay coi trọng giá trị vật chất của món quà tặng trong dịp lễ. Có người còn quy món quà ra… tiền để khoe với với mọi người như một lời khẳng định về tình yêu của người kia dành cho mình.

“Cứ sau các ngày lễ, các bạn gái thường hay “mổ xẻ” các món quà, kể cả đó là quà rất quan trọng như ngày tình nhân, sinh nhật… của nửa kia ra để so đo với nhau. Thế nên nhiều bạn không ngại vòi vĩnh người yêu tặng quà càng đắt càng tốt”, Nguyễn Minh Thảo, học sinh THPT cho hay.

Tình tan vì thích phô trương

Đức Minh, 25 tuổi, nhân viên kinh doanh tại một siêu thị điện máy ở Q.10, TPHCM bày tỏ trước đây cậu không để ý và cũng không muốn đôi co với bạn gái khi nhiều lần cô gợi ý về chuyện quà cáp.
 
Thế nhưng đến lúc này thì cậu hết chịu nổi khi bạn gái “đề xuất” một cách lộ liễu rằng quà 8/3 sắp tới cho mình phải là dây chuyền, và còn phải có quà cho có giá trị để tặng cả mẹ và chị gái sau khi cô chê ỏng chê eo các mòn quà nặng yếu tố lãng mạn, thể hiện tình cảm của anh vào các ngày lễ khác trước đây.
 
Vòi quà cáp từ người khác là một cách đánh mất giá trị của bản thân nhanh nhất.
Vòi quà cáp từ người khác là một cách đánh mất giá trị của bản thân nhanh nhất.

Minh là người lãng mạn nhưng đâu phải không bao giờ cậu tặng quà có giá trị sử dụng cho người yêu. Không cần phải chờ dịp đặc biệt nào, mỗi khi nhận lương hay có thưởng, cậu vẫn mua cho người yêu một số thứ như mỹ phẩm, ví, quần áo…

Minh nói: “Thu nhập của mình không đến nỗi, quà tặng vật chất thì khó gì, quà thể hiện được tình cảm mới quan trọng. Mình sẽ không đáp ứng theo yêu cầu của cô ấy vì nếu làm theo, mình gượng ép và khó chịu. Bây giờ mình nhận ra hai đứa khác nhau nhiều quá, có lẽ nên dừng lại càng sớm càng tốt”.

Nhiều bạn gái vì thói “vòi vĩnh” làm thay đổi cái nhìn về mình trong mắt người khác phải gánh hậu quả không lường. Lê Thu Giang, SV một trường ĐH có tiếng ở TPHCM từng đánh mất mối tình đầu của mình vì thích vòi quà người yêu.  Ít quan tâm đến cảm xúc của bạn trai, cứ ngày lễ y như rằng Giang đòi thứ này đến thứ nọ…vì cho rằng anh nói yêu mình thì không nên tiếc thức gì với mình. 

Mỗi lần bạn trai góp ý là Giang giận dỗi, cho rằng người yêu mình con nhà giàu mà tính toán. Giang vẫn rất đắc thắng vì sau đó thấy bạn trai vẫn chiều theo ý cô, cô nhận được nhiều món quà giá trị. Chỉ đến khi cô thấy người yêu thờ ơ, không quan tâm đến mình thì mới hay, anh đã có người khác.

Đến lúc này Giang bày tỏ, mình thích quà đắt tiền chỉ vì nhõng nhẽo, thích thể hiện chứ không phải vì tham lam nhưng không níu kéo được tình cảm. 

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, hiện nay các bạn trẻ thường hay đánh giá theo giá trị vật chất, cho rằng tình cảm thể hiện qua những món quà nên có khi “sa đà” trong việc vòi vĩnh quà cáp từ người khác. Ít người biết rằng, điều đó đồng nghĩa với việc người khác sẽ có cái nhìn không hay về mình.
 
Chưa kể, điều này có thể làm tổn thương bạn trai vì họ thấy tình cảm chân thành của mình không được trân trọng. Có thể, họ nghĩ cô ấy yêu mình chỉ vì quà cáp, vì tiền bạc và không tìm thấy được sự chia sẻ, cảm thông từ đối phương. Khi đó, tình cảm sẽ rất dễ sứt mẻ, đổ vỡ. 

 

Những món quà vật chất như sợi dây chuyền bạch kim, xe tô tô… có thể làm “choáng” một số cô gái nhưng đấy chỉ là nhất thời hoặc là cả đời nếu đó là các cô gái ham mê vật chất. Còn tình yêu thật sự không cần phô trương bởi người yêu bạn thật sự sẽ rất đau lòng khi thấy bạn phải chịu bao tốn kém vì mình.

 

Vào những ngày lễ, tặng nhau một món quà để thêm gia vị tình yêu, thể hiện sự quan tâm là điều nên làm. Nhưng hãy để đối phương chủ động, đừng đòi quà hay bắt ép đối phương phải làm điều gì đó tốn kém cho mình.

 

Đừng bắt đối phương chứng minh tình yêu bằng vật chất. Nếu không, chúng ta chỉ là “một kẻ làm tiền tình yêu” trong mắt ai kia. Đòi hỏi những món đồ có giá trị là cách nhanh nhất để đánh mất giá trị của mình.

 

ThS tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, ĐH Sư phạm TPHCM

 

 
Lê Đăng Đạt