Bản anh hùng ca Lý Tự Trọng
Điều gì làm nên sức sống mãnh liệt bản anh hùng ca Lý Tự Trọng? Theo TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, điều cốt lõi chính bởi tinh thần yêu nước được phát triển lên thành tư tưởng yêu nước, chủ nghĩa yêu nước.
Đây là cái gốc tạo ra sự trường tồn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thế hệ trẻ Việt Nam!
Người học trò thiếu niên của Bác
Theo TS Nguyễn Trọng Phúc, anh hùng Lý Tự Trọng (tên thật là Lê Văn Trọng) là Việt kiều Thái Lan xuất thân trong một gia đình lao động. Việt kiều ở Thái Lan khi đó chủ yếu có gốc từ các tỉnh Trung bộ như Nghệ Tĩnh, là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước. Điều đó đã sớm ảnh hưởng đến người thiếu niên Lê Văn Trọng. Đầu thế kỷ XX, Thái Lan là nơi có phong trào yêu nước của Việt kiều phát triển mạnh.
Nhiều tổ chức yêu nước trong nước thời kỳ này đã cử người sang liên hệ với các Việt kiều yêu nước Thái Lan. Năm 1926, người thiếu niên yêu nước Lê Văn Trọng khi đó mới 12 tuổi đã vinh dự được Nguyễn Ái Quốc lựa chọn là một trong bảy thiếu niên ưu tú tham gia lớp huấn luyện tại Quảng Châu, Trung Quốc. Cái tên Lý Tự Trọng xuất hiện từ đó, do Nguyễn Ái Quốc với bí danh Lý Thụy đặt cho.
Về cái chết oanh liệt của anh hùng Lý Tự Trọng, theo TS Nguyễn Trọng Phúc đó là biểu hiện rõ nét nhất của chủ nghĩa yêu nước trong người thanh niên trẻ tuổi. Dù khác đảng phái chính trị, nhưng tinh thần yêu nước cao cả đã gặp nhau, Lý Tự Trọng cùng đồng chí của mình đứng ra tổ chức kỷ niệm 1 năm ngày khởi nghĩa Yên Bái do lãnh tụ Quốc dân Đảng là Nguyễn Thái Học tổ chức (9/2/1930 - 9/2/1931).
Khi tên mật thám Le Grand xông lên định bắt người đồng chí Phan Bôi đang diễn thuyết, Lý Tự Trọng đã rút súng chĩa thẳng kẻ thù bắn. Lý Tự Trọng đã bị kết án tử và giam trong xà lim máy chém. Anh đã bị kẻ thù hành hình vào ngày 21/11/1931.
Theo nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, có hai sự kiện đáng quan tâm khi Lý Tự Trọng bị giam. Một là, khi nghe tin Lý Tự Trọng bị bắt, Nguyễn Ái Quốc đã gửi thư cho Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản đề nghị Đảng Cộng sản Pháp đấu tranh để trả tự do cho Lý Tự Trọng.
Thứ hai là việc một nhà báo Pháp tên Andree Viollis đến Khám lớn gặp người tù đặc biệt. Tại đây nhà báo Pháp đã thực sự khâm phục trước tinh thần yêu nước cao cả của chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi. Những ấn tượng sâu sắc về người tử tù thôi thúc bà khi về Pháp đã viết cuốn sách “Đông Dương kêu cứu” tố cáo tội ác của Thực dân Pháp tại Đông Dương…
Vang mãi bản hùng ca
Một điều dễ nhận thấy là thế hệ những chiến sĩ cộng sản hoạt động trong giai đoạn 1930-1945 mà đỉnh cao là làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám, giành độc lập cho non sông, đất nước phần nhiều trong độ tuổi thanh niên.
TS Nguyễn Trọng Phúc.
Điều gì đã thôi thúc những thế hệ thanh niên tham gia cách mạng?
Theo TS Nguyễn Trọng Phúc đó là tinh thần yêu nước, là khát vọng tự do, độc lập. Đó còn là lời hiệu triệu của vị lãnh tụ kiệt xuất Nguyễn Ái Quốc.
Đặc biệt, tinh thần yêu nước của những chiến sỹ cách mạng luôn được bồi đắp, thúc đẩy bởi những tấm gương của các vị tiền bối như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học…
Bên cạnh đó, thế hệ những nhà cách mạng trẻ tuổi còn là biểu tượng của lý tưởng cộng sản, của trí tuệ Việt Nam.
Theo TS Nguyễn Trọng Phúc, cái chết của anh hùng Lý Tự Trọng đã hóa thân thành ngọn lửa yêu nước, ngọn lửa cách mạng truyền cho các thế hệ thanh niên mai sau.
Trong đấu tranh giành độc lập và kháng chiến chống Pháp có những tấm gương như Nguyễn Hoàng Tôn, còn được gọi với biệt danh “Lý Tự Trọng của miền Bắc”, Võ Thị Sáu, hy sinh lúc 17 tuổi, rồi anh hùng Nguyễn Thị Cúc, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Thị Lợi, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót… Nhưng chiến sỹ cách mạng hy sinh khi tuổi còn rất trẻ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc, nhiều thanh niên đã hy sinh anh dũng, tô đậm thêm sắc đỏ cho truyền thống của tuổi trẻ Việt Nam.
Đó là gương hy sinh của anh Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân, những thanh niên Truông Bồn, Đồng Lộc. Là tấm gương anh hùng của Lê Đình Chinh, Hoàng Thị Hồng Chiêm, của 600 chiến sỹ trên mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang), hay của 64 chiến sĩ trẻ bảo vệ biển đảo Trường Sa năm 1988...
Theo Phùng Sưởng
Tiền phong