Bác sĩ Mỹ điển trai sáng lập tổ chức giúp sinh viên Y khoa Việt “hội nhập”

(Dân trí) - Một lần về Việt Nam vào năm 2007, bác sĩ gốc Việt Trần Huỳnh phát hiện tiếng Anh chuyên ngành là điểm yếu của sinh viên ngành y trong nước. Cuối năm đó, VietMD ra đời – trở thành điểm hẹn trau dồi chuyên môn của hàng ngàn bác sĩ trẻ, SV y khoa Việt Nam.

Thông tin cá nhân

Bác sĩ Trần Huỳnh (tên tiếng Anh là Huynh Wynn Tran)

Sinh năm 1979 tại Bạc Liêu

- Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc University of Michigan.

- Tốt nghiệp chuyên ngành Y sinh học - trường Đại học Grand Valley State University, Mỹ.

- Tốt nghiệp văn bằng Tiến sĩ Y Khoa ĐH New York tai Buffalo, Mỹ.

- Bác sĩ nội trú chuẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Đại học University of Florida, bác sĩ nội trú chuyên khoa nội tổng quát Bệnh viện St Joseph Mercy Health.

- Hiện là nghiên cứu viên chính về ứng dụng siêu âm tim bằng máy siêu âm cấp cứu tại...

* Một số giải thưởng:

- Bác sĩ nội trú giảng dạy tốt nhất

- Phần thưởng sinh viên Y nghiên cứu của Hiệp hội Y khoa tuổi thanh niên Hoa Kỳ

- Học bổng nghiên cứu mùa hè tại Bệnh viện Nhi Boston, trường Y Khoa Harvard.

- Giải thưởng SV xuất sắc ĐH Grand Valley State University.

- Học bổng từ cộng đồng tại trường University of Michigan.

- Gương mặt sinh viên xuất sắc được đăng trên trang web trường Grand Valley State University.


Đến nay Trần Huỳnh đã có 13 năm theo đuổi con đường Y học.

Đến nay Trần Huỳnh đã có 13 năm theo đuổi con đường Y học.

Ngã rẽ từ ước mơ khoác áo blouse trắng

Đang là cử nhân ngành kiến trúc, Trần Huỳnh rẽ sang con đường y khoa sau một sự việc xảy ra với người cha của mình. Buổi sáng đầu tiên ở nước Mỹ của chàng trai Bạc Liêu chưa rành tiếng Anh là phòng cấp cứu bệnh viện và nỗi lo sợ. Lúc đó, anh và gia đình vừa từ Việt Nam qua được vài giờ đồng hồ.

“Tôi đến Mỹ lúc 11 tối ngày 15/9/1999. Đến 2 giờ sáng, cha tôi bị đau ngực và phải gọi cấp cứu. Lúc đó tôi không rành tiếng Anh, chỉ biết gọi 911 và để máy cho nhân viên tìm đến địa chỉ.

Các bác sĩ và y tá đã chữa trị cho ba tôi rất thân thiện. Biết tôi và gia đình không nói được tiếng Anh, họ kiếm thông dịch viên, vẽ hình gương mặt bị đau để hỏi ba tôi có đau không? Bác sĩ liên tục nắm tay và thăm hỏi. Tôi rất cảm kích những hình ảnh đó và nhớ mãi cho đến giờ. Lúc đó, tôi ước gì mình sẽ làm bác sĩ”, anh kể.

Tuy nhiên, vì đang học kiến trúc tại Việt Nam nên Huỳnh tiếp tục học kiến trúc tại Mỹ. Ra trường, đi làm 2 năm Huỳnh mới phát hiện mình yêu ngành Y thực sự.

Khi đó, Huỳnh làm việc tại một công ty chuyên thiết kế bệnh viện và phòng mạch. Công việc khiến Huỳnh phải tiếp xúc với nhiều bác sĩ, đến phòng mạch và nói chuyện với bệnh nhân để có ý tưởng thiết kế tốt nhất.

Trong thời gian này, chàng trai gốc Việt xin làm thông dịch viên thiện nguyện của bệnh viện để giúp cho bệnh nhân người Việt. Sau nhiều năm làm thiện nguyện và có cơ hội nói chuyện với các bác sĩ, Trần Huỳnh biết mình phải chọn ngành Y.


Mãi sau khi ra trường và đi làm ngành kiến trúc 2 năm, anh mới phát hiện mình ước mơ được khoác áo blouse trắng.

Mãi sau khi ra trường và đi làm ngành kiến trúc 2 năm, anh mới phát hiện mình ước mơ được khoác áo blouse trắng.

Thật có duyên, chính bác sĩ cứu chữa cha của Huỳnh là người viết thư giới thiệu cho anh vào trường ĐH Y tại Mỹ. Hiện, Huỳnh đã biến giấc mơ “khoác áo blouse trắng” thành hiện thực khi tốt nghiệp chuyên ngành Y sinh học, Đại học Grand Valley State University, Mỹ; tốt nghiệp văn bằng Tiến sĩ Y Khoa ĐH New York tai Buffalo, Mỹ và là bác sĩ nội trú của một số bệnh tại Mỹ. Anh cũng xuất sắc khi liên tục đạt học bổng thời sinh viên và giành các giải thưởng chuyên môn trong thời gian hành nghề.

Trần Huỳnh mãn nguyện cho hay, thành công nhất đến thời điểm hiện tại của anh là “có thể lo cho sức khoẻ của má tôi tốt hơn, có sức ảnh hưởng tích cực nhất định đến bệnh nhân của mình và những người xung quanh”.

Dẫu bận rộn với công việc nghiên cứu và khám chữa bệnh tại bệnh viên, bác sĩ 8X vẫn thường có mặt trong chương trình thiện nguyện, hoạt động cộng đồng ở xứ người. “Thành công nữa là đi chùa và nhà thờ thường được mời ăn miễn phí”, anh hạnh phúc nói.

Trần Huỳnh cho biết, anh đang chuẩn bị làm nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ về cơ xương khớp tại Bệnh viện Đại học University of Southearn California, Los Angeles.

Giúp các bác sĩ trẻ Việt hội nhập

Với sự vững vàng chuyên môn và tấm lòng hướng về quê hương, Trần Huỳnh đang dẫn dắt điều hành tổ chức Y khoa phi lợi VietMD hoạt động mạnh mẽ vì các bác sĩ trẻ và sinh viên y khoa ở Việt Nam.

VietMD ra đời năm 2007, từ những trăn trở của Huỳnh trước thực tế sinh viên Y ở quê nhà còn kém về ngoại ngữ, trong tài liệu y khoa trên mạng Internet hơn 90% là tiếng Anh.


VietMD là “con đẻ” của bác sĩ 8X gốc Việt với mong muốn hướng về quê hương.

VietMD là “con đẻ” của bác sĩ 8X gốc Việt với mong muốn hướng về quê hương.

“Tại sao mình không làm cầu nối để các bác sĩ trong nước và nước ngoài có thể trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, chia sẻ tài liệu, thậm chí sang Mỹ học chuyên ngành? Nếu không làm được tất cả những điều ấy thì ít ra mình cũng phải hướng dẫn tiếng Anh chuyên ngành cho bác sĩ trẻ, sinh viên ngành y”, Huỳnh tự nhủ lúc đó.

Ngày nay, VietMD phát triển thành một tổ chức phi lợi nhuận, đăng ký chích thức với chính quyền liên bang và tiểu bang Hoa Kỳ. Huỳnh và các cộng sự của mình đang tập trung vào đào tạo từ xa cho các bác sĩ và sinh viên tại Việt Nam, gửi các bác sĩ Mỹ về giảng dạy và thực hành, giúp đỡ các bác sĩ người Việt từ Việt Nam hay khắp nơi trên thế giới vào nội trú Mỹ. Mặt khác, giúp đỡ cộng đồng người Việt tại Mỹ, và giúp đỡ thiện nguyện các ca bệnh khó tại Việt Nam. Đó là cách anh hiện thực mong muốn góp phần giúp các bác sĩ Việt Nam hội nhập thế giới.

Đặc thù của một bác sĩ tại Mỹ với áp lực công việc và trách nhiệm cực cao khiến 8X điển trai cảm thấy thực sự may mắn khi có một người bạn gái rất thông cảm, thấu hiểu và ủng hộ công việc của anh. Cơ duyên trở thành bác sĩ từ những người đã chạy chữa tận tình cho cha cùng con đường gây dựng sự nghiệp ở đất Mỹ giúp anh nhận ra, lắng nghe là kỹ năng mà bất cứ người bác sĩ nào nên có vì “nếu mình thật sự lắng nghe, dù chỉ là 1-2 phút, mình sẽ lấy được rất nhiều thông tin bổ ích”.

Tuy vậy, anh cũng thú nhận “khó cái là khi nói chuyện với những người thân và bạn bè của mình tôi lại rất kém về lắng nghe. Lúc nào tôi cũng muốn nói cho họ nghe thôi”.

Trong năm 2016, bác sĩ 8X gốc Việt muốn tiếp tục phát triển dự án VietMD Telemedicine cho người Việt tại Mỹ, phát triển khoá học tiếng Anh chuyên ngành, y khoa bằng chứng (Advanced Medical English/Evidence Based Medicine) trên mạng cho bác sĩ/ sinh viên Việtnam và xuất bản công trình nghiên cứu của mình.

Bác sĩ Mỹ điển trai sáng lập tổ chức giúp sinh viên Y khoa Việt “hội nhập” - 4


Vẻ điển trai, đầy sức hút đời thường của bác sĩ tài năng.

Vẻ điển trai, đầy sức hút đời thường của bác sĩ tài năng.

Lệ Thu