“Áo trắng” đánh mất sự trinh trắng

“Cứ nghĩ rằng “không còn là con gái” nữa thì kiếm ít tiền cũng chẳng sao, nhưng đến giờ thì em thấy mình đã quá ngu dại rồi! Chỉ vì chút tự ái trẻ con mà giờ ra đường không dám nhìn ai, đi đâu cũng sợ...”.

“Áo trắng” đánh mất sự trinh trắng - 1

Vì một chút vật chất trước mắt mà nhiều cô gái trẻ đã đánh mất bản thân, để rồi tương lai phía trước trở nên mịt mù...
 

“Bán mình” từ tuổi 15...

 

Thời gian biểu một ngày của T. "cún" bắt đầu bằng việc 6h dậy chuẩn bị đi học trong trạng thái lơ mơ vì đêm hôm trước "lượn" về muộn. Vội vàng làm vệ sinh, chỉ kịp cầm lược cào cào mấy cái lên mái tóc nối, nhuộm màu "ánh nâu" cho đỡ rối rồi tót ngay lên xe máy đến trường.

 

Có hôm học 5 tiết thì "cún" ngủ gật cuối lớp đến 3 tiết và chỉ tỉnh dậy vào giờ ra chơi, bị giáo viên truy bài hoặc phải làm bài kiểm tra. Trưa về nhà, quẳng vội cặp sách vào phòng, T. "cún" lôi bộ đồ trang điểm ra tô vẽ và lôi chiếc SIM điện thoại "số nghề" giấu kỹ trong ví ra ra cắm vào máy để... chờ vị khách đầu tiên trong ngày gọi "đi chơi".

 

Theo lời kể của T. "cún" thì ngày nhiều nhất T. "gặp" tới 3 vị khách, đa phần là dân công chức trốn vợ đi "đánh bắt xa bờ" và dân chơi "thèm của lạ". Mỗi mỗi cuộc gặp tại nhà nghỉ như vậy, T. bỏ túi từ 700 nghìn tới 1 triệu đồng tùy theo đối tượng khách quen hay khách lạ.

 

Nằm trong túi T. "cún" chẳng được bao lâu, đến tối số tiền đó nhanh chóng bốc hơi sau mỗi cuộc chơi... tới bến với đám bạn đua đòi. Thi thoảng dành dụm được một ít, cô gái lại tíu tít kéo cậu bạn trai ngờ nghệch đi mua sắm ở những tòa nhà sang trọng.

 

Cũng sáng đi học, chiều lấy lí do học thêm hoặc sinh hoạt nhóm để "gặp" khách, nhưng do bị bố mẹ quản lý tương đối sát nên M. "mít" - cô học sinh lớp 11 của  một trường trung học có tiếng tại Hà Nội không có nhiều thời gian buổi tối đi ăn chơi.

 

Vì thế, khi có tiền, M. "mít" đổ hết vào thú vui sưu tập điện thoại, nước hoa và quần áo. Để rồi đến cuối tuần, khi được bố mẹ cho phép đi chơi tối, M. thỏa sức trưng diện với những cậu bạn trai mới quen. M. hào hứng khoe: "Giờ em có cả bộ sưu tập nước hoa của các hãng danh tiếng, gần 50 đôi giày "hịn" và tủ quần áo chật ních".

 

"Thế bố mẹ em không hỏi tiền ở đâu để sắm hàng đống nước hoa với quần áo đắt tiền à?" - Tôi thắc mắc thì M. cười tít mắt đáp: "Anh dốt thật, ngu gì mà để đồ ở nhà. Em chỉ để ở nhà một ít thôi, còn lại toàn gửi ở nhà bạn!".

 

Ít ai có thể ngờ rằng L. "lỳ" - cô gái sinh ra trong một gia đình bình thường, bố mẹ là công chức nhà nước nhưng cũng đã... bán mình để nhận lấy những đồng tiền nhơ nhớp. Gặp tôi sau 3 cuộc điện thoại hẹn nhưng L. gần như im lặng suốt buổi, thỉnh thoảng ậm ừ trả lời vài câu cho có lệ... "Ông anh" bảo: "Con bé này ít nói lắm, mà không phải khách nào gọi "nó" cũng chịu "đi" đâu. Phải là khách quen, có uy tín giới thiệu hoặc ít ra thì cũng phải "ngon giai" một chút thì con bé mới "ok". Giải thích chuyện L. "lỳ" như vậy mà vẫn đắt khách, "ông anh" chép miệng: "Tôi cũng chịu, nhưng có thể do suốt ngày bị các bà vợ ở nhà giáo huấn nhiều nên khi gặp con bé ít nói như vậy nên... người ta thích".

 

Kết cục tồi tệ được đoán trước!

 

Dù đã tìm mọi cách để giấu giếm chuyện kiếm tiền ăn chơi bằng thân xác nhưng không phải lúc nào những nữ sinh "đi khách" cũng giữ được sự tỉnh táo trước đồng tiền. Và điều này đã dẫn đến không ít kết cục tồi tệ...

 

Điển hình là trường hợp của Q., cô bị "lộ hàng", bị post ảnh lên mạng sau một lần đi khách chỉ vì quá tin vào anh chàng chịu chơi đã từng "gặp" 3 - 4 lần. Gặp tôi khi đã quyết "bỏ nghề" được 1 tuần, Q. kể: "Nó bảo em là chuẩn bị đi xa mấy tháng, chụp vài bức ảnh làm "kỷ niệm". Chụp xong, em xem lại thấy ảnh không thấy rõ mặt thì em đã đồng ý để nó lưu lại. Ai ngờ... Nó còn viết trên mạng là em bị AIDS nữa ".

 

Những bức ảnh của Q. bị post lên chính trang web Q. hay truy cập ngay lập tức thu hút hàng nghìn lượt truy cập, kèm theo đó là hàng trăm lời bình luận vô cùng khiếm nhã. Quả thật, những bức ảnh "siêu nóng" của Q. hoàn toàn không rõ mặt nhưng mặt dây chuyền, chiếc nhẫn đeo tay "hàng độc" và một bức ảnh khác nhìn rõ mặt, cũng với mặt dây chuyền, chiếc nhẫn đó được gắn kèm trong topic đã khiến cư dân mạng khẳng định nhân vật chính trong bộ ảnh là ai.

 

Dù đã "nhờ vả" 2 thành viên ban quản trị trang web đồi trụy xóa vĩnh viễn bộ ảnh sau 2 ngày xuất hiện nhưng không may cho Q., cậu bạn trai "không biết gì" cũng là thành viên của trang web đó đã xem được và ra đi không lời từ biệt.

 

Q. bảo: "Giờ mỗi ngày đến trường với em như địa ngục, cứ thấy ai đó nhìn mình tủm tỉm cười mà sợ. Chưa biết lúc nào những bức ảnh đó lại xuất hiện".

 

Không may mắn như Q., do không quen với quản trị của các trang web đồi trụy nên khi bị tung ảnh lên mạng, T. "cún" và V. "tây" chỉ còn nước chịu trận. Cho dù sau gần 2 tuần tìm mọi cách liên lạc với kẻ tung ảnh lên mạng, những bức ảnh đã được gỡ xuống nhưng kèm theo đó là vài điều kiện... không dễ gì thực hiện.

 

Tai hại hơn, sau nhiều lần "đi chơi" mà không phòng bị, L. "lỳ" đã được một vị khách nước ngoài... "khuyến mại" thêm một căn bệnh "khó nói". Chưa hết, cậu người yêu của L. "lỳ" cũng trở thành nạn nhân của căn bệnh nên cả 2 phải dắt díu nhau tới bệnh viện tiêm thuốc cả tháng trời mới khỏi. Tâm sự với một người bạn, L. nói như khóc: "May chưa dính AIDS nhưng bác sĩ bảo bệnh đó dễ để lại hậu quả lâu dài!".

 

Sau khi "dính quả", cả 4 cô bé kể trên đều vứt số điện thoại vào sọt rác và bỏ nghề. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh của những bức "ảnh nóng", căn bệnh "để lại hậu quả lâu dài" thì không dễ gì kết thúc. Q. tâm sự: "Cứ nghĩ rằng "không còn là con gái" nữa thì kiếm ít tiền cũng chẳng sao, nhưng đến giờ thì em thấy mình đã quá ngu dại rồi! Chỉ vì chút tự ái trẻ con mà giờ ra đường không dám nhìn ai, đi đâu cũng sợ...".

 

 

Vẫn là vấn đề nhận thức sai lầm

 

Theo TS. Trần Thu Hương, giảng viên khoa Tâm lý học, trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, việc nữ sinh bán dâm kiếm tiền vì nhiều mục đích khác nhau không còn là vấn đề hiếm gặp trong trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, đứng ở góc độ văn hóa đạo đức của người Việt Nam, việc bán dâm vì bất kỳ lý do gì cũng là điều mà xã hội khó chấp nhận.

 

Có không ít bạn trẻ xuất thân trong những gia đình tương đối khá giả lại chấp nhận đem cơ thể mình ra để trao đổi vì không muốn dựa dẫm vào gia đình, muốn kiếm tiền để ăn chơi, mua sắm, thậm chí là để lấy tiền đi du học, hay vì nhiều những mục đích khác.

Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là do bố mẹ không có thời gian quan tâm nhiều đến các con, dẫn đến những ý thích, nhu cầu của các con bố mẹ không nắm được hết. Do đó, bố mẹ khó kiểm soát được những hành vi, ứng xử hay những thay đổi bất thường từ phía các con.

 

Ngoài việc sử dụng cơ thể mình như một món hàng trao đổi, những bạn trẻ này còn có một nhận thức sai lầm về chính bản thân mình, tự đánh giá mình thấp hơn so với bình thường và không nhận thức được những giá trị mình có và những giá trị mình cần hoàn thiện. Thêm nữa, phần lớn những người trong số họ chưa có nhận thức sâu sắc về cách phòng vệ, cũng như chưa có đủ hiểu biết về tâm sinh lý người, nhất là những bạn đang trong giai đoạn tuổi học sinh khi tuổi đời còn quá trẻ.

 

Cần phải nói rằng, khi cần tiền các bạn có thể làm nhiều việc khác. Nhưng nhiều bạn trẻ với suy nghĩ còn quá non nớt nên mới cho rằng việc kinh doanh bản thân, dựa trên vốn sẵn có là một đầu tư siêu lợi nhuận, mà không nhận thức được những hậu quả sau này, mặc dù thực tế đã có rất nhiều bài học đắt giá. 

 

 

Theo Gia Minh - Vũ Lụa

Vietnamnet