Anh chàng điển trai dùng nghề cắt tóc làm từ thiện

26 tuổi, trải qua không ít sóng gió bởi những quyết định bồng bột trong quá khứ, Bùi Ngọc Huân (tổ 31 Giáp Nhị, Hoàng Mai, HN) từng nghĩ mình là một người khốn khổ. Khi tham gia làm thiện nguyện, chứng kiến những mảnh đời thực sự bất hạnh, anh nhận ra mình còn may mắn...

Tình thương “nảy mầm” sau hành trình thiện nguyện

 

Sau khi kết thúc 3 năm học cao đẳng với tấm bằng khá, thay vì đáp ứng niềm mong mỏi của gia đình là liên thông lên đại học, anh Huân kiên quyết đi học cắt tóc. Mọi người hết động viên đến mắng mỏ nhưng anh vẫn khăng khăng bảo vệ hướng đi mình đã chọn.

 

Biết rằng không thể khuyên được cậu con trai ương bướng, bố mẹ anh đồng ý để anh đi học nghề. Hì hụi tập tành cắt tóc được một năm, anh lại thấy chẳng hề tha thiết với công việc này.

 

Anh bỏ nghề và bày tỏ với bố mẹ mong muốn được sang Nga với chú. Gia đình một lần nữa chiều theo nguyện vọng của anh. Nhưng rồi cuộc sống lạc lõng nơi đất khách quê người khiến chàng trai Hà thành khó hòa nhập và hoang mang. Anh trở về nước trong bộ dạng của một kẻ lông bông chưa tìm ra mục đích và phương hướng sống.

 

“Cháy” túi, nghề nghiệp bất ổn, chia tay với người yêu vì tự bản thân cảm thấy sự nghèo của mình không thể chăm lo hay mang lại hạnh phúc cho người ta, cuộc sống đối với chàng trai mới lớn lúc bấy giờ quá ư mờ mịt. Sau bao đêm trăn trở, suy nghĩ “một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, anh hạ quyết tâm sẽ theo đuổi nghề tóc đến cùng.

 
Chàng trai 26 tuổi Ngọc Huân đang ôm ấp dự định cắt tóc làm từ thiện quanh Hà Nội.
Chàng trai 26 tuổi Ngọc Huân đang ôm ấp dự định cắt tóc làm từ thiện quanh Hà Nội.
 

Một lần tình cờ, anh được một người bạn tên Phong, là chủ một salon tóc rủ đi cắt tóc từ thiện cho bệnh nhân tâm thần ở Hà Nam. Trong đầu anh chợt lóe ra ý nghĩ: “Tâm thần thì liệu có cắt được không nhỉ?”.

 

Đem nỗi băn khoăn về kể với em gái, điều mà anh nhận được là lời khuyên: “Người tâm thần là những người đầu óc không bình thường. Anh cắt cho họ không khéo họ sẽ lao vào đánh đấm, cào cấu, giết anh đấy”.

 

“Thú thực là từ bé tới giờ tôi chưa tham gia chuyến tình nguyện hay từ thiện nào, tiếp xúc với những người tâm thần lại càng không nên nghe dọa vậy cũng sợ lắm”, anh thành thật nhớ lại. Một cách vội vàng, anh điện thoại cho người bạn vừa chèo kéo mình để xin hủy kế hoạch.

 

Thế nhưng sự thuyết phục quá chân thành của người bạn kia về ý nghĩa nhân văn của chuyến đi lại khiến anh lung lay. Ôm nỗi sợ hãi trong lòng, anh lên đường theo sự chuyển bánh của đoàn xe thiện nguyện.

 

Anh kể: “Vừa đến cổng trại tâm thần, bệnh nhân từ trong ùa hết ra, gương mặt ánh mắt dữ tợn như muốn ăn tươi nuốt sống những người mới đến. Tôi sợ quá, đẩy người bạn lên phía trước còn mình đứng nép đằng sau thủ thỉ: “Chắc em không cắt nữa đâu, em lên ô tô ngồi đây. Họ tâm thần không ổn định thế kia, mình cắt tóc lại cầm toàn đồ sắc nhọn, nhỡ trong lúc mình đang cắt, họ phản ứng rồi mình tự vệ và làm tổn thương đến họ thì sao?”.

 

Được sự động viên của người bạn và chứng kiến sự hăm hở của các thiện nguyện viên khác, sự lo sợ bay biến đi, anh Huân cảm thấy an lòng và nhanh chóng bắt tay vào công việc.

 

Trong khi đang cắt tóc, anh được một bệnh nhân nam mượn kéo. Anh đã quên mất mình đang cắt tóc cho người có tâm lý không bình thường nên theo đúng phản xạ tự nhiên, anh đưa luôn cây kéo cho người ấy. Có được cây kéo trong tay, anh này đứng phắt dậy, tụt quần ra và định cắt “của quý” với lý do “bỏ đi cho đỡ vướng víu”.

 

Mọi chuyện diễn ra quá bất ngờ không chỉ khiến anh Huân mà cả đội cắt tóc hôm đó sợ “xanh mắt”. May lúc đó có anh lái xe ở gần đấy, thấy cảnh tượng trên thì quát lên: “Có muốn lấy vợ không? Nếu muốn lấy vợ thì bỏ ngay cây kéo xuống”. Bệnh nhân nam ngờ nghệch đáp lại: “Cắt đi thì không lấy vợ được à”. Anh lái xe chêm thêm: “Cắt đi rồi thì không lấy vợ được nữa”. Nghe tới đây, bệnh nhân kia mới đồng ý trả kéo.

 

Sự vụ lần đó khiến anh Huân luôn phải tự dặn lòng mình trong những chuyến đi sau là cần tỉnh táo để biết mình đang phục vụ cho khách ở salon hay những vị khách “đặc biệt”.

 

Chuyến đi thay đổi cuộc đời

 

Chuyến đi Hà Nam ấy khiến anh có trải nghiệm thêm về cuộc sống, rằng mình vẫn còn may mắn khi sở hữu một cơ thể và tinh thần lành lặn. Thế nhưng bước ngoặt dẫn đến quyết định phải làm một điều gì đó riêng biệt, có ích cho xã hội từ chính công việc cắt tóc phải là chuyến đi thiện nguyện ở Quảng Trị.

 

Đó là lần đầu tiên anh phải cắt tóc liên tục từ sáng tới chiều, người đến người đi, hầu như thành viên trong đội tóc chẳng hề có phút giây ngơi nghỉ. 10 đầu ngón tay anh Huân sưng, đau và đều phải dán cao mới có thể cắt tiếp. Trời về tối, tất cả các thành viên trong đội cắt tóc đều đã thu dọn hết đồ đạc. Cắt xong mái tóc cho vị khách cuối cùng, bàn tay anh run bần bật, tưởng như không còn bất kỳ chút sức lực nào.

 

Trong khi đang xếp đồ để về nghỉ ngơi để sáng mai lại tiếp tục công việc thì có hai mẹ con xuất hiện: “Chú cắt cho em nó cái tóc”. Anh ngại ngùng từ chối: “Em thực sự xin lỗi chị, giờ quả thực là em run hết tay chân rồi. Cháu nhà chị lại còn nhỏ, không ngồi im được nên với tình trạng này, em sợ là cắt không nổi. Có gì mai chị đưa cháu quay lại giúp em”. Chị này tiếp lời: “Thôi chú cố giúp cho cháu. Mẹ con cháu nhà xa, mai không biết có quay lại được không”.

 

“Lúc ấy tôi đã chép miệng nghĩ rằng chỉ là cắt tóc trẻ con thôi, dẫu không có những thợ tóc như tôi thì bố mẹ chúng cũng hoàn toàn có thể tự cắt cho chúng. Với tình trạng tay sưng và run, cuối cùng tôi vẫn từ chối mẹ con chị ấy”, giọng trầm buồn anh nhớ lại.

 

Buổi tối hôm ấy đi chơi, thấy các cửa hiệu cắt tóc treo biển cắt tóc nam người lớn chỉ 5.000 đồng/đầu còn trẻ con có 2.000 đồng/đầu, anh Huân thực sự giật mình. Vào thời điểm đó, giá cắt tóc vỉa hè ở Hà Nội rẻ nhất cũng chừng 20.000 đồng/đầu.

 

Nghĩ lại trường hợp lúc chiều tối, lòng anh nặng trĩu. Anh hiểu rằng người dân ở đây quá nghèo. Họ nghèo đến mức không có tiền để cắt tóc cho con với một mức giá quá rẻ mạt là 2.000 đồng. “Từng có thời điểm tiền hết, tình tan, tương lai mờ mịt, tôi nghĩ mình bị cuộc sống dồn đến bước đường cùng, là người khốn cùng của xã hội nhưng khi chứng kiến những sự thật hi hữu đó tôi bỗng nhận ra mình may mắn, hạnh phúc và “giàu có” đến mức nào. Và tôi nghĩ mình cần làm một điều gì đó”, anh tâm sự.

 

Đoàn từ thiện anh tham gia có chương trình thăm khám chữa bệnh cho đồng bào nghèo, phát quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Kinh phí mua quà cho các em nhỏ đều do các thiện nguyện viên trẻ tự xin tài trợ và đóng góp, tổng cộng chừng 15 triệu đồng/chuyến từ thiện.

 

Trở về sau những chuyến đi, anh Huân trăn trở rất nhiều. Anh muốn thành lập hòm từ thiện ở tiệm tóc mà mình làm rồi dần dần gây quỹ.

 

Hòm từ thiện lạ lùng nhất Thủ đô

 

Năm 2011, anh Huân cùng với chú mở một salon tóc ở khu vực Giáp Bát. Anh bàn với chú sẽ đặt một hòm từ thiện ở đây để khách tới cắt tóc nếu thấy lưu tâm thì sẽ ủng hộ. Trong đó, chủ yếu là tận dụng sự đông đảo của số thiện nguyện viên trẻ trong đoàn từ thiện để gây quỹ.

 

Theo tính toán của anh, hội thiện nguyện viên trẻ trong đoàn từ thiện rất đông, từ Nam ra Bắc chừng 800 người, riêng Hà Nội khoảng 200 – 300 người. Các bạn nữ có thể ít đi cắt tóc, khoảng 1 – 2 lần/năm song các bạn nam thì phải cắt tóc thường xuyên, ít nhất là 2 tháng/lần. Nếu chỉ tính giá rẻ 30.000 đồng/người/lần cắt tóc thì nhân lên với số người kia chắc chắn hòm từ thiện sẽ có một khoản thu rất khá.

 

Để mức giá như cửa hàng anh đang áp dụng thì sinh viên khi đến cắt sẽ thiệt thòi bởi có thể ở những chỗ khác, các sinh viên chỉ mất khoảng 30.000 đồng/lần cắt. Vì thế anh quyết định, mọi người đi cắt ở các chỗ khác bao nhiêu thì trả anh bấy nhiêu. Anh phục vụ với đúng tiêu chí của một salon tóc nhưng sẽ lấy giá như những chỗ mọi người hay làm. Mọi người hài lòng thì có thể cho thêm tiền ủng hộ vào hòm.

 

Một cửa hàng tóc ở Thủ đô có đặt hòm từ thiện ủng hộ trẻ em nghèo, chuyện lạ ấy đã khiến nhiều khách tới cắt tóc tò mò. Có người còn trêu anh: “Đây là quỹ thịt chó của chúng mày chứ gì?” thế nhưng khi biết đến mục đích và ý nghĩa của chiếc hòm đó, họ lại hỏi thêm rất cặn kẽ và còn góp tiền ủng hộ quỹ.

 

Anh tâm niệm làm từ thiện thì thái độ phục vụ của mình phải tốt hơn là làm kiếm tiền. Khách đến cắt tóc cũng rất ưng với cung cách phục vụ của nhân viên salon. Anh đã tìm gặp một số bạn bè để chia sẻ về ý tưởng của mình và bày tỏ mong muốn bạn có thể giúp đỡ bằng cách đặt một chiếc hòm từ thiện tương tự tại salon của họ...

 

Anh Huân đã không còn làm chung cho salon tóc của chú nữa nhưng chiếc hòm vẫn được chú anh duy trì... Ngoài salon của một người bạn ở Lạc Long Quân, anh Huân đang kêu gọi thêm vài salon khác để nhân rộng mô hình cắt tóc từ thiện này. Anh hi vọng, trong thời gian tới, sẽ có một mạng lưới các cửa hàng cắt tóc quanh Hà Nội vừa kinh doanh vừa làm từ thiện...

 

Theo Thanh Thu

Pháp luật VN