Ấn tượng Việt Nam tại HPAIR 16

(Dân trí) - Chỉ có 4 sinh viên Việt Nam, dù ít ỏi so với các nước khác, nhưng thực sự đã gây những ấn tượng rất mạnh với tất cả đại biểu tham gia HPAIR 2007 - dự án về học thuật và kinh doanh do sinh viên ĐH Havard (Mỹ) tổ chức thường niên tại các nước châu Á.

Bốn sinh viên Việt Nam tham gia HPAIR 16 tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc từ ngày 17 đến 20/8 là Lê Huệ Giang (ĐH Ngoại thương Hà Nội), Lê Đức Phương (ĐH Ling Tung, Đài Loan), Vũ Tú Anh (ĐH Hawaii, Hoa Kỳ) và Vũ Tuấn Anh (ĐH Quốc gia Hà Nội).

 

Các bạn đã phải nộp bản đăng ký từ cách đây vài tháng và sau những vòng tuyển chọn gắt gao, mới được mời tham dự cùng 400 đại biểu là sinh viên của các trường đại học hàng đầu trên thế giới.

 

Người trẻ Việt Nam hiện đại và cởi mở

 

Đọc Rap lời Việt trong HPAIR là một trong những điều làm cho bạn bè quốc tế thực sự ngạc nhiên về giới trẻ Việt Nam.

 

Đoạn Rap nằm trong clip do các bạn chuẩn bị từ nhà để giới thiệu hình ảnh Việt Nam. “Khi được biết bài Rap lời Việt trong clip là do 1 sinh viên Việt Nam viết riêng cho HPAIR, giới thiệu về đất nước con người và đặc biệt là giới trẻ Việt Nam, ban tổ chức HPAIR 2007 đã hết sức ngạc nhiên và thú vị”. Huệ Giang lý giải: “Họ không thể hình dung ra giới trẻ Việt Nam lại biết Rap và đọc Rap chuẩn thế”.

 

HPAIR (Havard Project for Asian and International Relations) là dự án của ĐH Harvard về quan hệ quốc tế và châu Á được tổ chức hàng năm tại các quốc gia châu Á, là một diễn đàn lớn dành cho sinh viên quốc tế, bao gồm 2 hội nghị về học thuật và kinh doanh.

 

Tại hội nghị, SV đến từ nhiều nước trên thế giới sẽ được giao lưu, gặp gỡ, nghe các diễn giả uy tín trình bày về các vấn đề kinh doanh...

 

Vượt qua các đối thủ cạnh tranh nặng ký đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Palestine, Sri Lanka, Malaysia…, Hà Nội - Việt Nam đã trở thành điểm đến cho HPAIR 2008.

“Nhớ nhất là đêm hội quốc tế (International Night). Đó là một đêm văn hóa mở, nơi để đại diện sinh viên đến từ các nước trình diễn những tiết mục văn hóa đặc trưng cho đất nước của họ. Như trình diễn Kimono, Hanbok, hát dân ca...

 

Và một lần nữa clip giới thiệu về Việt Nam lại vang lên trước sự chứng kiến của 400 đại biểu tham gia hội nghị. Các sinh viên quốc tế đã cùng vịn vai nhau xếp thành một đoàn tàu dài, miệng hát vang theo lời rap: V, I, E,T, N, A, M - Việt Nam!” - Lê Đức Phương hào hứng kể lại.

 

Clip đưa đến những hình ảnh thật sống động về đất nước và con người Việt Nam trên nền nhạc Rap lời Việt rất hiện đại. Đoạn cuối là hình ảnh của những người trẻ Việt Nam tự tin khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể đăng cai HPAIR: diễn viên Hải Yến, ca sĩ - nhạc sĩ trẻ Tăng Nhật Tuệ, MC Ngọc Phượng (Tôi 20)... Xem clip quảng bá hình ảnh Việt Nam tại đây.

 

Nhận xét chung của rất nhiều bạn bè các nước là sinh viên Việt Nam thân thiện và cởi mở. “Và chắc chắn các bạn ấy còn cảm nhận được rõ hơn sự thân thiện ấy khi HPAIR tổ chức tại Việt Nam năm tới” - Đức Phương khẳng định.

Mang  HPAIR 2008 về Việt Nam

 

Ban tổ chức HPAIR đã thực sự “quá ấn tượng với bộ hồ sơ của sinh viên Việt Nam. Đầu tư kỹ lưỡng và đầy đủ”. Đó là đánh giá chung của các thành viên trong ban tổ chức khi xét hồ sơ thầu đăng cai HPAIR 17.

 

“Điều này chứng tỏ mình thực sự nghiêm túc trong việc đăng cai hội nghị này, đó là khác biệt rất lớn so với các nước khác. Sinh viên Việt Nam cũng đã làm khá tốt công tác ngoại giao và vận động hành lang bên lề hội nghị bằng cách tiếp xúc trực tiếp với các thành viên trong hội đồng lựa chọn” - các bạn chia sẻ.

 

Ấn tượng Việt Nam tại HPAIR 16 - 1

SV Việt Nam cởi mở và thân thiện với bạn bè quốc tế.

 

Sự chuyên nghiệp và nghiêm túc trong hồ sơ đấu thầu của các bạn còn được thể hiện bằng những tài liệu, thông tin có tính thuyết phục: Cam kết tài trợ của Công ty VC Corp; thư ủng hộ từ phía khách sạn như khách sạn Melia, Horison, khách sạn Hà Nội…; thư ủng hộ của các trường ĐH cũng như Trung ương hội sinh viên Việt Nam, các cơ quan báo chí Việt Nam...

 

Vũ Tú Anh (một thành viên của nhóm) gây ấn tượng thêm một lần nữa khi thuyết trình về văn hoá đốt tiền giấy của người Việt Nam - một nét truyền thống của người Việt, với những gửi gắm và niềm tin vào sự bình an về tâm linh. Đây cũng là một nét văn hóa mới lạ và thú vị đối với bạn bè đến từ các nước.

 

Nhưng từ đó mới biết rằng, không nhiều sinh viên quốc tế biết đến Việt Nam, biết đến hoạt động của giới trẻ Việt Nam. Vì thế nếu hội nghị này tổ chức ở Việt Nam thì đây sẽ là cơ hội dể giới trẻ quốc tế có dịp tìm hiểu thêm về nền văn hoá của Việt Nam.

 

Từ những ngày tham gia HPAIR 16, các bạn đều nhận ra rất rõ những điểm mạnh và điểm yếu của sinh viên Việt Nam khi tham gia các sự kiện quốc tế. Sinh viên Việt Nam tự tin, nhanh nhẹn trong giao tiếp, thân thiện cởi mở với các bạn sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, điểm yếu nhất của sinh viên Việt Nam vẫn là khả năng tiếng Anh. Và chắc chắn cần phải trau dồi để có thể thể hiện quan điểm của mình tốt hơn.

 

Và để tổ chức tốt HPAIR 17 tại Việt Nam, họ đều ý thức rõ các thành viên trong ban tổ chức cần phải có đủ sự nhiệt tình và đam mê; trình độ tiếng Anh phải tốt và phải có kinh nghiệm tổ chức hội nghị.

 

Hy vọng HPAIR tại Việt Nam sẽ là sự kiện lớn của học sinh, sinh viên trên cả nước.

 

K14