Nghệ An

Ấn tượng khó quên ngày rời bản Tờ

(Dân trí) - Hình ảnh những người con của bản mang gói cơm nếp, nải chuối, búp măng... cho anh chị em SV tình nguyện tại bản Tờ ngày mưa gió đã để lại nhiều kỷ niệm sâu lắng của đội quân tình nguyện trường ĐH Vinh...

Về với miền đất Tây Nam xứ Nghệ, cách thành phố Vinh khoảng 130km, bản Tờ, xã Yên Khê (huyện Con Cuông, Nghệ An) có 9 thôn bản, với 1.120 hộ, gần 5.000 nhân khẩu, trong đó dân tộc Thái chiếm gần 80% nằm trên tuyến đường đến với các điểm du lịch như thác Khe Kèm, rừng nguyên sinh Pù Mát, suối Tạ Bó… là một vùng đất có nhiều nét văn hóa riêng và đặc sắc.

Những ngày ở đây luôn đầy ắp nghĩa tình mà các chiến sĩ tình nguyện trường ĐH Vinh sẽ khó quên. Với những ngày mưa to, gió lớn chuyện đồng chí Ánh - một thanh niên bản mang qua cho từng vắt xôi, miếng bánh mọc, chuyện chú Hảo tặng nải chuối vườn, bác Võ mời các chiến sĩ ăn rằm tháng sáu cùng gia đình, hay bác Kỷ bẻ măng cho…là những hình ảnh đẹp trong lòng các bạn sinh viên sau một ngày làm việc vất vả.
 
Ấn tượng khó quên ngày rời bản Tờ - 1
Màu áo xanh tình nguyện xanh cùng cây lúa...

Ở một vùng quê còn nghèo khó, trong mỗi chiến sĩ đều được trải nghiệm cuộc sống vất vả. Nhiều “cô chiêu, cậu ấm” cảm nhận được sự nặng nhọc, khó khăn với việc tự vào rừng kiếm củi để nấu cơm, hành quân đi bộ cả tiếng đồng hồ, bị muỗi đốt, sên leo, vắt cắt… hòa nhập với dân bản, cùng sinh hoạt tắm giặt trên suối như thể tắm tiên nơi núi rừng hoang vắng. Có những hôm cũng phải tắm chung với đàn trâu đi rừng về, tất cả tưởng chừng như không thể nhưng rồi các chiến sĩ đều thích nghi dần và dường như nó cũng đã trở thành quen thuộc với chúng tôi.

Từ những điều kiện sống khắc nghiệt đã giúp các chiến sĩ tự trang bị cho bản thân những bài học kỹ năng quý báu, trưởng thành hơn trong công việc, gắn kết với bà con dân bản. Chiến sĩ Mai Thị Giang nở nụ cười trên môi tâm sự: “Chiến dịch không những là xây dựng những công trình mà ở đây các chiến sĩ còn học được nhiều điều từ cuộc sống, được rèn luyện ý thức trách nhiệm với cộng đồng và được sẻ chia một phần nhỏ sức trẻ của mình với bà con nghèo nơi đây”.
 
Ấn tượng khó quên ngày rời bản Tờ - 2
 Giúp bà con dân bản dựng lại nhà

Với phương châm “cùng ăn, cùng sống, cùng làm với dân” các chiến sĩ đã tự phân công về sống và cùng tham dự sinh hoạt, sản xuất với bà con nơi đây cũng như tham gia các phần việc chung của chiến dịch như phát quang cây xanh, làm đường, làm nhà giúp dân, hoạt động đền ơn đáp nghĩa,… Với lòng nhiệt tình và sức trẻ các chiến sĩ đã mang lại nhiều tình cảm tốt đẹp cho người dân địa phương. "Đi dân nhớ, ở dân thương" là ý kiến nhận xét của bác Kỷ, một người dân bản Tờ, xã Yên Khê nói với chúng tôi.

Chúng tôi tạm biệt bản Tờ, rời xa núi rừng về phố phường để chuẩn bị cho một năm học mới trên khuôn mặt của các chiến sĩ tình nguyện ai cũng đượm buồn vì xa những đứa trẻ đen sạm vì nắng gió núi rừng, nhớ gia đình bác Kỷ, chú Hảo, nhớ những ngày dầm mưa làm đường, cấy lúa, cùng những ngày được chia sẻ nét văn hóa rượu cần đặc sắc chưa say là chưa vui” với điệu múa lăm vông nhẹ nhàng uyển chuyển của các cô thôn nữ vùng cao cùng với các chiến sĩ…

Giờ đây khi trở về ai cũng nhớ đến chiến dịch tình nguyện hè, nhớ đến những người dân nghèo nhưng chứa đầy tình cảm của vùng đất của núi rừng bản Tờ, Yên Khê thật không thể nào phai.

 
Ấn tượng khó quên ngày rời bản Tờ - 3
Nạo vét suối giúp bà con dẫn nước vào ruộng.
 
Ấn tượng khó quên ngày rời bản Tờ - 4
Đào đá, dọn dẹp, san đất giúp làm nhà chính sách.
 
Ấn tượng khó quên ngày rời bản Tờ - 5
Bên cạnh giúp dân các việc làm, sinh viên tình nguyện còn dành tặng riêng cho nhiều bà con dân bản quạt, áo...
 

Phạm Loan - Nguyễn Duy