Airbrush - thú “đì-zai” sành điệu và cá tính
(Dân trí) - Trong quán cà phê, một cô nhóc đang chúi mũi vào chiếc laptop của mình. Mặt ngoài laptop của cô là bức tranh một cô bé giữa cánh đồng hoa rực rỡ. Không ai đi qua là không phải liếc nhìn. Nó rất nổi bật và độc đáo - được vẽ Airbrush.
Cá tính hoá bằng Airbrush
Airbrush - nghệ thuật trang trí bằng phun sơn trên các vật dụng - đã không còn quá lạ lẫm với giới trẻ Việt. Hãng Vespa đã “lăng xê” các mẫu xe Vespa mới bằng 7 chiếc xe được vẽ Airbrush cầu kỳ và ấn tượng. Thi thoảng, đi trên đường, hay vào quán cà phê, vẫn có thể bắt gặp những chiếc lapop hay xe máy được đì-zai lạ mắt. Rất có thể đó là Airbrush.
Vào forum của TTVN hay Vespa Vietnam, thấy dân tình xôn xao bàn về airbrush. Và thay nhau trưng lên những mẫu xe, mẫu laptop được vẽ Airbrush cực kỳ tinh xảo. Đề can ư, cá tính mà lại dán đề can? Vẽ grafiti? Cũng không có gì để bàn. Hoành tráng là phải vẽ airbrush: lap, xe hay cả điện thoại di động đều có thể long lanh những hình vẽ Airbrush.
Từ những mẫu hầm hố đậm chất "rock".
Airbrush là một phong cách vẽ trên các vật dụng do một người Mỹ sáng tạo ra từ năm 1879. Người vẽ sẽ dùng một vật dụng vẽ chuyên dụng (gọi là súng vẽ hay bút vẽ), pha chế sơn ôtô và chế tác các bức tranh lên các vật dụng.
Truyền tai nhau trên các forum thì nhiều, cũng có một vài nhân thi thoảng vẫn “độ” xe cho các chiến hữu bằng Airbrush. Nhưng tìm hiểu cực kỹ về nó và biến nó thành ý tưởng kinh doanh thì có lẽ phải kể đến nhóm Kzak.
Cửa hàng nho nhỏ của Kzak nằm trên phố Kim Mã, không bày nhiều mẫu, nhưng lại cực kỳ ấn tượng: từ chiếc lap với hình hai chú gấu đáng yêu, chiếc CPU được biến thành một bức tường với những viên gạch vàng, chiếc mũ bảo hiểm được vẽ hầm hố, cái thùng xe phân khối lớn mang phong cách rock.
Nghệ thuật vẽ này đã phổ biến trên thế giới từ lâu nhưng mới du nhập vào Việt Nam từ vài năm nay. Và có thể coi “Kzak” là một trong những nhóm bạn đầu tiên đưa Aibrush vào đời sống của giới trẻ Hà Nội. Airbrush lạ và rất đẹp, vậy thì tại sao không thể biến nó thành một xu hướng đì-zai mới cho các “em iu” như lap và xe. Đó là ý tưởng đầu tiên để 5 bạn trong nhóm mày mò nghiên cứu và thực hành để những sản phẩm đầu tiên ra lò.
Đắt nhưng... đã
Không so sánh với dán đề can vì đó là kiểu trang trí những hình mẫu dán hàng loạt. So với kiểu vẽ grafiti hay vẽ bằng sơn, màu vẽ thông thường, giá của Airbrush cao hơn nhiều.
Một bức vẽ cho lap là từ 700 ngàn trở lên, cũng phụ thuộc vào mẫu vẽ. Kỷ lục về độ kỳ công của bức vẽ trên laptop mà Kzak đã thực hiện cho đến nay là 2,1 triệu đồng/ bức.
Xe thì đắt hơn, khoảng từ 3 triệu tới... vô cùng, có thể thực hiện trên tất cả các loại xe, từ xe ga, Vespa cổ, cho tới Dream chiến... Xe của các thành viên Kzak đương nhiên sẽ trở thành những vật thử nghiệm lý tưởng cho Airbrush trên xe.
Không có giới hạn về giá, tất cả đều tuỳ vào độ cầu kỳ của bức vẽ chủ nhân yêu cầu.
5 anh chàng của “Kzak” đã thực hiện được hàng trăm bức vẽ Airbrush trên máy tính, xe máy, laptop... Và mỗi bức vẽ đều là “độc nhất vô nhị”.
Các bức vẽ Airbrush lại có tuổi thọ cực cao. Có khi là hàng chục năm nước sơn vẫn không phai. Bề mặt của vật dụng được vẽ Airbrush hoàn toàn láng mịn, vì trong quá trình thực hiện bức vẽ, đã phải đánh bóng và phun sơn nền cẩn thận. Đó là những ưu điểm lớn nhất của kiểu đì-zai bằng Airbrush.
Ngoài ra, cái sự đắt đó cũng là do toàn bộ nguyên liệu là sơn ô tô và bộ bút vẽ đều phải đặt hàng để nhập từ Anh hay Mỹ về, ở Việt Nam không có.
Cái khó của “Airbrush” là nguyên liệu dùng để vẽ tranh là sơn ô tô, vì thế đã vẽ lên là cực kỳ khó tẩy. Lại không được tỳ tay vào vật dụng nên điều chỉnh làm sao để từng nét vẽ đúng với ý muốn của mình, cho thành hình thù, rồi nét to nét nhỏ, nét mảnh nét đậm là cả một vấn đề đau đầu và đau tay. Hỏng một nét thì thậm chí phải thay đổi cả bức tranh.
Nhận một cái laptop hay cái xe “của cả đống tiền” mà vẽ hỏng thì còn gì để nói - Hoàng (một thành viên Kzak) cười hóm hỉnh.
Tuy là có các kích cỡ bút khác nhau, nhưng có những đường nét, không thể viện vào bút vẽ. Mà phải nhờ vào độ tinh tế khi điều chỉnh bút vẽ của người thực hiện.
Thời gian trung bình để thực hiện một bức vẽ trên laptop là 5 ngày. Đánh bóng và phun sơn nền, chờ khô, rồi thực hiện vẽ. Đó là nếu thời tiết tốt. Còn trời ẩm quá, nóng quá hoặc khô quá cũng đều không ổn, thậm chí màu sơn có thể biến đổi sang hẳn màu khác, không đúng như mẫu vẽ.
Chính vì thế, tất cả đều phải làm tỉ mẩn và kỳ công. Bức vẽ càng nhiều chi tiết, càng cầu kỳ thì thời gian thực hiện càng lâu.
Có mẫu do Kzak tự thiết kế hoặc tìm kiếm trên các trang web nước ngoài, có mẫu là khách hàng mang đến và thực hiện theo yêu cầu. Nhưng tất cả đều “nhận được những nụ cười mãn nguyện” của các khách hàng trẻ sành điệu và khó tính - có lẽ đó là điều mà Kzak mong chờ nhất khi mang airbrush đến với giới trẻ Việt Nam.
Xuân Lê