Những câu chuyện đời:
ADN bẫy tình
Sứ mạng của ADN chỉ ra sự thật về huyết thống nhưng cũng vì thế nhiều lúc bị lợi dụng, bị dùng làm bẫy tình.
Từ quán karaoke...
Hoa sau khi tốt nghiệp trường Đại học nọ đã không trở về quê xin việc vì nghĩ quê cũng khó mà xin được vị trí làm việc có thu nhập tốt trong các cơ quan ở tỉnh. Hoa bám trụ ở Hà Nội, chấp nhận làm nhân viên ở một quán karaoke để tích góp tiền liên tục học lên thạc sỹ.
Nhưng công việc ở quán karaoke cũng không nhiều vì vắng khách, chiến lược của chủ nhà bắt đầu thay đổi cho phù hợp với thời kỳ đồng tiền mất giá: yêu cầu nhân viên đáp ứng tối đa nhu cầu của khách. Giờ làm việc của Hoa bắt đầu kéo dài về đêm.
Một tối, Hoa được yêu cầu ngồi phục vụ hát cùng với một người khách khó tính. Gương mặt của Hoa và kiểu cách ít vồ vập thô thiển như những cô gái "karaoke ôm" khác khiến ông khách chú ý. Ông lui tới liên tục và trở thành khách hàng "ruột" của cô. Ông hào phóng với Hoa như chưa bao giờ hào phóng với bất cứ cô gái xinh đẹp nào. Dẫu thế, ông vẫn đủ tỉnh táo trong những lúc "vui vẻ" với Hoa với đề nghị sòng phẳng: "Em sẽ có tất cả trừ một điều là không được phép "dính" bầu".
Dù sống trong căn hộ sang trọng được người tình thuê và tiền tiêu rủng rỉnh, Hoa vẫn thấy tương lai trước mắt không có gì đảm bảo. Cô bắt đầu dò la và biết ông Hùng - người tình của cô không những là một công chức giàu có mà còn rất hiếm... con trai. Hoa bắt đầu tính đến việc phải có nhà ở Hà Nội và một cuộc sống an nhàn. Nếu thế chỉ có cách là sinh được cậu con trai để ràng buộc người tình.
Chuyện gì đến rồi sẽ đến, cái thai trong bụng Hoa ngày một to lên, cô né tránh gặp gỡ ông Hùng cho đến khi biết chắc kết quả siêu âm xác định đứa con trong bụng cô là một bé trai. Trở về sau chuyến công tác dài ngày, ông Hùng ngã ngửa khi biết tin mình có thêm một đứa con.
Lúc đầu ông Hùng một mực đòi Hoa phải phá bỏ cái thai, song nỗi thèm khát có "thằng cu tí" thắng thế, khiến ông chấp nhận mạo hiểm, lén lút để Hoa sinh con. Khi đứa bé chào đời, ông Hùng thú thật với vợ về chuyện "ăn nem" và nài nỉ vợ chấp nhận cho ông "trình làng" đứa con trai. Để giữ thể diện cho chồng, người vợ gạt nước mắt chấp nhận với điều kiện ông Hùng phải chứng minh đứa bé đó là con ông.
Tại trung tâm Phân tích ADN, ông Hùng đưa tay cho nhân viên Trung tâm lấy máu đi xét nghiệm, đồng thời cung cấp mẫu cuống rốn đứa trẻ ông dự định đặt tên là Bình An. Năm ngày sau, ông trở lại Trung tâm Phân tích ADN để nhận tời giấy xác nhận kết quả: đứa trẻ chính là con của ông.
Những cuộc dàn xếp với vợ cả giàu lòng vị tha, muốn chồng có niềm vui với đứa con trai nối dõi tông đường cuối cùng kết thúc. Quan hệ giữa Hùng và cô Hoa được mở lối thoát: công khai trong phạm vi hẹp, một trong 3 ngôi nhà là tài sản của vợ chồng ông được nhường lại cho Hoa ở và nuôi con.
Với Hoa, từ một sinh viên nghèo tỉnh lẻ, một nhân viên phục vụ quán karaoke, giờ đã trở thành một bà mẹ trẻ dở dang việc học hành nhưng giàu hơn bất kỳ sinh viên nào mới ra trường bằng những cơ hội mà do chính cô tạo ra.
... đến mẫu kết quả đánh tráo
Một buổi chiều, một người phụ nữ chừng 60, ăn mặc khá sang trọng muốn gặp Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN Nguyễn Thị Nga. Bà giới thiệu tên Phước và chìa ra tờ giấy báo kết quả xét nghiệm ADN có chữ ký của giám đốc. Bà Phước hỏi: "Thưa chị, đây có phải kết quả đáng tin cậy không?".
Cầm tờ giấy xác nhận kết quả, giám đốc Nguyễn Thị Nga từ tốn trả lời: "Thưa chị, tôi không thể trả lời về việc này được!". Người khách ngạc nhiên: "Chữ ký của chị đây cơ mà?". "Đúng thế, nhưng đây là tờ giấy photo. Nếu chị có giấy báo kết quả gốc thì tôi sẽ trả lời ngay".
Linh cảm báo cho bà Phước biết có điều gì đó không ổn trong tờ giấy này, nó cũng chính là điều làm bà đau đầu bấy lâu nay về đứa cháu "bắt đền" chưa thể giải quyết dứt điểm.
Chờ bà khách ra về, giám đốc Nguyễn Thị Nga lục lại xập tài liệu liên quan đến khách hàng Nguyễn Thị T mà bà Phước vừa đề cập.
Giám đốc Nguyễn Thị Nga giật mình, hóa ra người phụ nữ trẻ tuổi tên T khiến bà Phước phải nặng lòng cũng là người mà chị kiên quyết từ chối những đề nghị trí trá. Lần thứ nhất cô T đến gặp giám đốc Nga cậy nhờ. Trong trí nhớ của chị, T là cô gái có chút nhan sắc và khá hoạt bát.
Lần đầu T đưa hai mẫu móng tay và máu đề nghị xét nghiệm. Theo quy định của Trung tâm Phân tích ADN, người đưa mẫu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính trung thực của mẫu. Sau khi các chuyên gia đưa mẫu vào xét nghiệm và có kết quả, giám đốc Nga điện thoại cho T yêu cầu đến Trung tâm nhận kết quả và chịu phạt tiền.
Khi đến Trung tâm phân tích ADN, T hỏi ngay về lý do bị phạt. Giám đốc Nguyễn Thị Nga truy hỏi về tính trung thực của mẫu móng tay và máu mà T đưa xét nghiệm. Thấy T quanh co, giám đốc Nga nói thẳng: "Mẫu mà chị đưa đi xét nghiệm được lấy từ một người, vì vậy không thể ra được kết quả. Với trường hợp không cho ra kết quả, chúng tôi phải làm lại lần thứ hai rất tốn kém, vì thế chị phải nộp phạt. Chị không thể dùng mẹo mực cá nhân để bắt ADN nói dối được đâu, vì sao chị làm thế?". Thấy không thể nói dối, T phải nói sự thật.
T yêu S - sinh viên cùng khóa ở trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, S học giỏi, gia đình giàu có. Tình yêu của họ bền bỉ cho đến một ngày S đi học thạc sỹ ở nước ngoài. Hai người hứa hẹn ngày S trở về kết hôn.
Sau khi S du học một thời gian, T báo cho S biết cô đang mang giọt máu của anh. Dưới sự thúc ép của người yêu, S điện thoại về nhà thưa chuyện với bố mẹ xin cưới hỏi T. Gia đình S không ngăn cản việc S đòi cưới mà chỉ ngầm tìm hiểu việc có bầu của cô con dâu út tương lai.
Linh cảm của người phụ nữ mách bảo bà Phước - mẹ của S có điều gì đó khác thường giữa T và cái bào thai trong bụng T. Một mặt khuyên con cứ yên tâm học tập, mặt khác bà Phước vẫn quan tâm, giúp đỡ T trong thời gian mang thai và sinh nở.
Nhiều lần T đề nghị bà Phước cho phép cô đưa con về nhà chờ S về nước làm đám cưới. Tuy nhiên bà Phước không chấp nhận. Để danh ngôn chính thuận với gia đình S, T đưa con đi xét nghiệm ADN, nhằm chứng minh với gia đình chồng tương lai đặc biệt là bà Phước, rằng đứa bé do T sinh ra chính là giọt máu của S... Nhưng thực ra, bố của đứa bé chính là bạn học cùng T từ thời cấp III.
Kể xong sự thật, T cầu xin chị Nga thương cho hoàn cảnh của mình, để Trung tâm chứng nhận kết luận đứa bé chính là con của S. Nếu không có tờ giấy xác nhận kết quả này, T trở thành kẻ lừa dối, đồng nghĩa với việc đánh mất cơ hội trở thành dâu trong một gia đình giàu có và danh giá.
Nghe tới đó, chị Nga từ chối, mặc T vẫn ra sức cầu xin, thậm chí còn trắng trợn đề nghị chị để mua kết quả đó bằng một khoản tiền rất lớn. Nhớ lại câu chuyện của T, giám đốc Nguyễn Thị Nga chỉ biết thở dài ngao ngán. Chị bỏ riêng tờ xét nghiệm sang một bên vì nghĩ chỉ vài hôm nữa thế nào cũng cần đến nó.
Hai ngày sau khi từ chối trả lời bà Phước, chị lại tiếp bà tại Trung tâm, nhưng lần này không đợi bà Phước trình bày, giám đốc Nga cho biết giấy báo xác nhận kết quả photo mà bà Phước đang cầm đúng là của Trung tâm, nhưng nó đã bị tẩy xóa, thay đổi kết quả. Đó là lý do Trung tâm Phân tích ADN quy định không trả lời bầt kỳ thông tin gì khi khách hàng dùng tờ xác nhận kết quả photo.
Nghe đến đây, bà Phước chỉ gật đầu rồi lịch sự chào tạm biệt. Bà bước ra phố mà lòng nặng trĩu. Tự tay xé tờ photo kết quả xét nghiệm ADN mà Nguyễn Thị T đã đưa cho bà với lời đề nghị được mang cháu về sum vầy với ông bà lúc tuổi già, bà Phước chua xót với những toan tính vật chất của T.
Theo Sinh Viên Việt Nam/TTOL