9x nuôi bọ cạp, tắc kè “khét tiếng” Hà Thành
Nổi bật trong cộng đồng có sở thích nuôi thú cưng là những loài bò sát, Nguyễn Anh Duy (SN 1994) sở hữu cơ ngơi hàng chục con trăn, bọ cạp, tắc kè... và sở thích sưu tầm bò sát ở Việt Nam.
Tìm đến Zoo city – quán café động vật nằm trên đường La Thành, Hà Nội, tôi gặp Nguyễn Anh Duy (sinh viên năm 3 Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) có dáng người mảnh khảnh, tóc dài cá tính đang bình thản vuốt ve con trăn dài chừng 2 mét trên tay.
Theo Duy, đây là công việc thường ngày khi nuôi hơn 60 con bao gồm trăn, bọ cạp, tắc kè, kỳ đà, rồng đất...
Hãy cùng trò chuyện để nghe Anh Duy chia sẻ về sở thích kỳ lạ này.
Anh Duy bắt đầu nuôi những loài thú cưng độc, lạ như trăn, bọ cạp, kì đà từ khi nào? Cơ duyên nào để bạn gắn bó với chúng?
Cách đây 10 năm, mình bắt đầu nuôi những chú bọ cạp đầu tiên. Càng nuôi mình càng cảm thấy đam mê. Khoảng 2 năm trở lại đây, Duy nuôi với số lượng nhiều và đa dạng loài hơn, trong đó, chủ yếu là bò sát. Nhiều người hỏi vì sao mình lại nuôi nhiều như thế, nhưng tất cả đơn giản chỉ gói gọn trong chữ “thích”!
Với mong muốn tạo không gian để mọi người chung sở thích gặp gỡ, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm chăm sóc thú cưng là động vật hoang dã, mình quyết định tạo lập Zoo city. Thêm nữa, đây là không gian để mình và chị gái – nuôi nhiều chó mèo, chăm sóc vật nuôi yêu thích và thỏa mãn sở thích kinh doanh.
Trong bộ sưu tập vật nuôi độc-lạ của Duy, giá những loài này như thế nào?
Chúng có giá bán không cao, chỉ cần 50.000 - 300.000 đồng có được một chú rùa; 25.000 - 50.000 đồng/con bọ cạp đen, rắn sữa Honduras nhiều màu sắc có giá trên 1 triệu đồng, nhện các loại có giá 150.000 - 700.000 đồng/con.
Những con kỳ nhông, kỳ đà xuất xứ từ nước ngoài thì có giá “khủng” hơn, trên 10 triệu đồng/con. Mình nuôi kỳ nhông, kỳ đà là giống của Việt Nam được nuôi thương phẩm nên có giá rẻ hơn rất nhiều, chỉ vài trăm nghìn một con.
Duy Làm thế nào để thuần hóa và chăm sóc vật nuôi là loài bò sát này?
Kinh nghiệm của mình là nuôi nhiều loài có cách chăm sóc gần giống nhau thì thuận tiện hơn. Chẳng hạn, Rồng cát thích sống ở cát, khá nóng. Kỳ đà nước thì thích ở nước, không cần nhiệt độ cao và rất tham ăn.
Đặc biệt nuôi trăn thì rất nhàn, 1- 2 tuần chúng sẽ ăn một lần. Ngoài vật nuôi của mình, Duy còn nhận chăm sóc hộ thú cưng cho một vài người bạn nếu chúng bị bệnh nữa.
Chỉ có một số ít con vật cần thuần hóa. Ví dụ, với tắc kè mình có thể bắt được từ ngoài tự nhiên. Duy dành nhiều thời gian cho nó, vuốt ve, bế ẵm để chúng nhìn thấy mình nhiều hơn. Hầu hết là nuôi từ khi còn nhỏ, chơi cùng hàng ngày nên chúng quen với mình và mạnh dạn trước con người.
Khi tiếp xúc với những vật nuôi độc, dị của Duy, mọi người có thái độ ra sao?
Ban đầu, đa số bạn bè mình tránh xa, nhưng cũng có người tò mò. Mỗi khi đi chơi Duy đều cho thú cưng đi cùng. Bạn bè mình mãi rồi cũng thành quen, rồi chơi cùng, chứ không còn sợ hãi như lúc đầu. Qua đó, mình muốn giới thiệu để mọi người biết ở Việt Nam có những loài như thế và chúng không hề đáng sợ.
Không chỉ người lớn, nhiều trẻ em quán đều hiếu kỳ mỗi khi mình đem vật nuôi ra phơi nắng. Các trẻ nhỏ tỏ ra thích thú. Tuy nhiên, không ít phụ huynh không tán thành việc cho con em chơi cùng thú cưng của mình, mà thường để răn đe khi các bé không nghe lời. Mình đã giải thích cho không ít người.
Theo Duy, những không gian nuôi động vật này có ý nghĩa như thế nào với trẻ?
Theo mình, trẻ em sẽ có kiến thức thiên nhiên phong phú, đa dạng hơn và cảm thấy gần gũi, thay vì sợ hãi trước nhiều loài. Qua đó, mọi người sẽ thấy ích lợi của các loài trong tự nhiên, không hoàn toàn gây hại cho con người. Từ đó, góp phần bảo vệ thiên nhiên và các loài động vật.
Hiện nay trào lưu nuôi thú là các loài bò sát cuốn hút nhiều bạn trẻ. Là người có kinh nghiệm nuôi bò sát và sở hữu nhiều loài bò sát khác nhau, điều gì cuốn hút giới trẻ?
Nuôi thú cưng là những loài như trăn, rắn, tắc kè,…có từ rất lâu và những năm gần đây thì rộ lên trong giới trẻ. Mình nghĩ nuôi động vật là tốt, chỉ cần các loài bạn nuôi là an toàn và không gây nguy hiểm cho bản thân và mọi người xung quanh. Hơn thế, nuôi nhiều loài độc, lạ sẽ có nhiều người, nhất là giới trẻ biết được có rất nhiều loài dễ gần, không gây nguy hiểm và bớt sợ hãi trước chúng.
Trào lưu này thu hút giới trẻ xuất phát từ tâm lý thích điều mới lạ, muốn khám phá. Khi thấy nhiều người nuôi được sẽ tạo tâm lý kích thích tò mò nên muốn thử sức. Ngoài ra, những loài hiện nay được các bạn trẻ yêu thích có cách chăm sóc không quá phức tạp nên ngày càng có nhiều người nuôi hơn.
Có ý kiến cho rằng, việc nhiều bạn trẻ hiện nay nuôi thú cưng độc lạ là a dua, khoe cá tính, thích thể hiện đẳng cấp. Bạn nghĩ sao?
Nếu bạn không thật sự yêu thích và đam mê, bạn sẽ không dành được nhiều thời gian chăm sóc và tìm hiểu kiến thức chăm sóc vật nuôi. Những người vì trao lưu, thích thể hiện sẽ có tâm lý “cả thèm chóng chán” và thiếu kiên nhẫn, kiến thức để nuôi được những động vật này trong thời gian dài.
Được biết, Duy tham gia sinh hoạt trong những câu lạc bộ nuôi thú cưng. Theo bạn, tiêu chí nào đánh giá “đẳng cấp” của một người nuôi thú cưng độc, dị?
Mình đang sinh hoạt ở Hà Nội pet club, hội Bò sát Hà Nội, hội Yêu nhện… Tiêu chí chủ yếu là xem cách nuôi của mỗi thành viên đã đúng và tốt cho thú cưng nhất hay chưa. Bên cạnh đó, chúng tôi còn rất thích “đọ” xem thú cưng của ai đẹp hơn. Tất nhiên là người có thú cưng khỏe mạnh nhất và đẹp nhất sẽ “đẳng cấp” nhất.
Những loài như rắn, nhện, bọ cạp, rồng đất,... có thể gây hại cho con người và môi trường sống xung quanh. Duy có những biện pháp gì để bảo vệ con người, môi trường xung quanh và chính những vật nuôi này?
Những loài mình nuôi, hầu hết là tồn tại trong môi trường thiên nhiên của Việt Nam. Những vật nuôi này đều được mình mua từ các trại giống có uy tín, được đảm bảo là sẽ không mang dịch bệnh. Trong quá trình chăm sóc mình cũng thường xuyên kiểm tra khi chúng có những biểu hiện bất thường.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ. Chúc bạn thành công trong cuộc sống!
“Mình bỏ ra bao nhiêu tiền để mua không quan trọng bằng việc bạn chăm sóc những vật nuôi bằng cả tấm lòng. Cá tính được thể hiện khi người khác cảm nhận được tình cảm bạn dành cho vật nuôi là sự yêu thích thật sự, chứ không phải đua đòi.
Những không gian quán động vật là nơi để những người yêu động vật như mình có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm với nhau về động vật.” Vũ Quốc Huy (20 tuổi, Hà Nội) khách hàng tại quán chia sẻ. |
Ông chủ của quán là nam sinh trẻ Nguyễn Anh Duy
Những thú cưng trong quán đa phần là động vật bò sát ở Việt Nam
Bên cạnh đó, còn không ít loài ngộ nghĩnh khác.
Theo Phương Anh
Tấm gương/Tiền phong