9X giành học bổng 7 ĐH Mỹ và chuyện 10 từ khóa Việt “hot” nhất Google

(Dân trí) - Vừa qua, 10 từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam do Google tổng hợp đã gây tranh cãi mạnh mẽ. Nguyễn Siêu (SN 1995) , du học sinh từng được nhận học bổng 7 trường đại học hàng đầu Mỹ cũng có bài viết thể hiện góc nhìn thú vị của mình về vấn đề này.

“Có ý kiến cho rằng bảng xếp hạng này đã minh chứng cho trình độ “dân trí thấp” tại Việt Nam. Nhiều ý kiến lại phản biện không thể dựa vào một bảng xếp hạng để đánh đồng trình độ học vấn của cả một dân tộc.

Việc chứng minh mệnh đề này là đúng hay sai vẫn là một góc nhìn quá đơn giản. Điều quan trọng là những nguyên do, yếu tố nào đã dẫn đến bảng xếp hạng nêu trên?

Top 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google tại Việt Nam năm 2015 bao gồm: Vợ người ta, Âm thầm bên em, Không phải dạng vừa đâu, How-Old.net, Fast Furious 7, Khuôn mặt đáng thương, Em của quá khứ, Cười xuyên Việt, Cô dâu 8 tuổi, Chàng trai năm ấy.

Một bảng xếp hạng có thể nói lên nhiều điều

Ở mệnh đề thứ 2, có hai lí lẽ chính họ đưa ra là: (1) Bên cạnh Google còn nhiều dịch vụ tìm kiếm khác như Yahoo, Bing, v…v…, nên không thể quá đề cao giá trị của một bảng xếp hạng, và (2) Người dùng Internet tại Việt Nam còn ít và còn trẻ nên không thể đại diện cho trình độ dân trí cả nước.

Với luận điểm đầu tiên, tuy đúng là có nhiều dịch vụ tìm kiếm khác nhau, nhưng không thể tranh cãi Google vẫn là “ông lớn” trong lĩnh vực này. NetMarketShare cho thấy trong các trang web tìm kiếm toàn cầu, thị phần của Google chiếm 65,44%, “chễm chệ” trên ngai vương.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Alexa, Google là website phổ biến thứ nhì. Mặc dù các thống kê này đều mang tính chất tương đối, dùng để tham khảo, song chúng đã phần nào khẳng định vai trò quan trọng của Google trong thói quen sử dụng mạng của người Việt Nam.

Thứ hai, tuy người dùng Internet tại Việt Nam còn ít và còn trẻ, song có phải chính họ là thế hệ sẽ xây dựng đất nước sau này? Như vậy, dù trình độ dân trí của họ không đại diện cho cả nước, nó cũng phản ánh về hướng đi của dân tộc trong tương lai gần.

Hơn thế, khi sự phát triển kinh tế - văn hoá – chính trị dựa rất nhiều vào công nghệ thông tin, thói quen sử dụng mạng Internet đóng vai trò lớn trong sự phát triển của xã hội.


Nguyễn Siêu - Chàng DHS Việt tại Mỹ chuyên ngành Truyền thông và điện ảnh có những trao đổi về câu chuyện 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại VN do Google tổng hợp.

Nguyễn Siêu - Chàng DHS Việt tại Mỹ chuyên ngành Truyền thông và điện ảnh có những trao đổi về câu chuyện 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại VN do Google tổng hợp.

Tại sao?

Nói như trên để thấy rằng kết quả từ bảng xếp hạng này có tầm quan trọng nhất định, chứ không phải để gật đầu đồng ý với khẳng định “Việt Nam dân trí thấp”.

Vì nội dung của các trang web tìm kiếm không phản ánh trình độ dân trí của con người; thay vào đó, chúng cho ta biết rằng ta đang được chủ động và tự do tìm tòi ở lĩnh vực nào, và trở nên bị động, bị dắt mũi ở đâu. Có lẽ người trẻ chỉ có quyền tự do tạo và tiếp nhận thông tin trong lĩnh vực giải trí mà thôi.

1. Không có văn hoá đặt câu hỏi trong môi trường học tập

Đối với học sinh – sinh viên (tiểu học lên đại học), phong cách học tập tại Việt Nam mang tính chất “truyền đạt” (đọc – chép) thay vì “thảo luận”.

Thông tin được truyền đạt một chiều, thiếu tính phản biện, biến học sinh thành những cỗ máy “nuốt” kiến thức, mà “nuốt” nhiều thì thành quen, thành “chai lì,” không buồn “nhả” ra để tự hỏi mình đã nuốt gì. Từ đó, họ mất khả năng tự vấn, mất tư duy phản biện, và cũng chẳng còn câu hỏi gì để đặt ra cho Google nữa.

Trong môi trường học tập tại Mỹ, đặc biệt với các ngành xã hội, các bài đọc, các luận điểm đưa ra đều mang tính chất tham khảo, và lớp học sẽ là nơi sinh viên và giảng viên cùng tranh luận để tự xây dựng mạch suy nghĩ, ý kiến cá nhân của bản thân. Do không có gì là tuyệt đối, họ đề cao việc đặt câu hỏi thay vì đưa ra câu trả lời.

Một trong những lời khen có giá trị nhất sinh viên Mỹ nhận được là “Good question!” (“Một câu hỏi hay!”), chứ không phải là “It’s true” (“Điều đó là đúng”).

Trong một môi trường giáo dục mà các vấn đề liên tục được hỏi đáp, nhu cầu tìm kiếm thông tin để tự giải đáp câu hỏi của bản thân sẽ tăng lên. Và chỉ khi ấy, chúng ta mới có thể thấy những vấn đề nghiêm túc và quan trọng hơn trên bảng xếp hạng kia.


10 từ khóa được người Việt tìm kiếm nhiều nhất trở thành đề tài gây nhiều tranh cãi cuối năm 2015.

10 từ khóa được người Việt tìm kiếm nhiều nhất trở thành đề tài gây nhiều tranh cãi cuối năm 2015.

2. Đặt sai câu hỏi khi sử dụng truyền thông

Thói quen “tiếp nhận” kiến thức một cách hiển nhiên thay vì thái độ “nghi vấn” trong trường học đã dẫn đến thói quen sử dụng truyền thông một cách không tỉnh táo.

Truyền thông, cụ thể là báo chí và mạng xã hội, đều do con người viết nên, đều chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố kinh tế - chính trị chứ không thể đảm bảo độ khách quan một cách tuyệt đối. Một độc giả tỉnh táo và thông minh phải tự đánh giá được nhân vật hay sự kiện được đưa tin có ảnh hưởng thế nào tới cuộc sống của họ.

Giả như 10 trang báo lớn đều đưa tin về đêm nhạc của ca sĩ Sơn Tùng MTP, thì điều đó cũng không có nghĩa là toàn bộ độc giả Việt Nam phải tôn thờ đêm nhạc ấy, ca sĩ ấy. Đơn giản, đó là một sự kiện giải trí, mà giải trí thì phải đi sau công ăn việc làm. Không ai sinh ra lại đi giải trí trước khi kiếm được miếng cơm cả.

Hay như khi Phạm Hương lên đường đi thi Hoa hậu Hoàn Vũ, đó cũng chỉ là cuộc thi do một tập đoàn tư nhân Hoa Kỳ tổ chức, không phải là thước đo tuyệt đối để xem quốc gia nào đẹp hơn quốc gia nào. Theo dõi để giải trí không phải là tội, nhưng theo dõi rồi bị dắt mũi thì là “ngu”!

Khi thông tin giải trí tấp nập ập tới, khi cuộc chia tay của anh này chị kia hay cái hôn giữa phố của anh kia chị này tràn ngập mặt báo, thiên hướng “tiếp nhận” thông tin một cách bị động đã tạo nên những câu hỏi sai lầm.

Thay vì hỏi “chuyện chia tay của họ ảnh hưởng gì đến công ăn việc làm của mình,” người ta lại hỏi “ôi tại sao cuộc tình 9 năm lại chia tay bất ngờ như thế?” Từ việc đặt sai câu hỏi, dẫn đến việc sử dụng sai thời gian.

Cùng một quỹ thời gian có hạn, thay vì Google những thông tin chính trị - văn hoá – giáo dục, những thứ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sống của bản thân, họ lại Google những từ khoá giải trí để rót tiền vào túi của những nhân vật khác.

3. Sự xuống dốc của văn học đọc và sự lên ngôi của hình ảnh

Tư duy phản biện và kỹ năng đặt câu hỏi ngày càng giảm một phần do sự đi xuống của văn hoá đọc. Cái chết của blog Yahoo 360 và sự lên ngôi của mạng xã hội Instagram là những minh chứng điển hình của việc hình ảnh đang “thống trị” xã hội.

Các vấn đề quan trọng thuộc lĩnh vực kinh tế - chính trị - giáo dục, để hiểu sâu - hiểu kỹ, cần đọc nhiều. Trái ngược lại, những từ khoá tìm kiếm như “Vợ người ta” hay “Chàng trai năm ấy” đều sẽ ra những kết quả chỉ cần nhìn, cần nghe.

Nhìn và nghe tạo cơ hội cho sự bị động. Nhìn và nghe đơn giản chỉ là “nuốt” thông tin tạp nham chứ không lọc, không nghĩ, không cân nhắc. “Dân trí thấp” hay không thì không biết, nhưng “dân trí lười” thì chắc kết luận được.

Sự tôn thờ hình ảnh một cách thái quá cũng phản ánh rõ nét trong văn hoá thần tượng. Các bạn fan thấy ca sĩ này đẹp trai, người mẫu kia phong cách là hâm mộ, quên đi mất bản thân mình.

Họ tự cho rằng thần tượng của mình luôn “đẳng cấp” hơn mình, là “ước mơ” mình cần với tới, mà quên rằng ngành giải trí cũng là một ngành khác trong xã hội, và tất cả chúng ta đều bình đẳng như nhau. Kết quả tìm kiếm tràn ngập những bài hát, bộ phim, ca sĩ,… thể hiện rõ thái độ này.

Trong khi đó, những từ khóa như “PSI Singapore” (mức độ ô nhiễm không khí của Singapore) hay “BR1M 2015” (bản tin tiền tệ của chính phủ Malaysia) có liên quan chặt chẽ tới chất lượng sống của người dân – người tìm kiếm, là cách điều hướng sự quan tâm của xã hội và chính quyền về chính bản thân mình, một minh chứng của sự dân chủ”.

Nguyễn Siêu

(SV năm 3 ngành Truyền thông và Điện ảnh ĐH Vassar, New York - Mỹ)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm