9X đạp xe xuyên Việt ủng hộ người đồng tính

Vũ Kiều Oanh (sinh năm 1990) là người thực hiện hành trình đạp xe xuyên Việt truyền thông điệp ủng hộ người đồng tính vào năm 2012.

Vũ Kiều Oanh (sinh năm 1990), cựu sinh viên khoa Tâm lý học (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) thuộc thế hệ cộng tác viên đầu tiên của Trung tâm ICS Hà Nội (tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT tại Việt Nam). Kiều Oanh là người thực hiện hành trình đạp xe xuyên Việt truyền thông điệp ủng hộ người đồng tính vào năm 2012.

 

Người dị tính duy nhất trong cộng đồng đồng tính

 

Thời sinh viên, Oanh là thành viên CLB Tuyên truyền sức khỏe sinh sản và HIV của trường. Tham gia câu lạc bộ, Oanh biết đến sự đa dạng của các hình thức tình dục.

 

Oanh chia sẻ: “Tình dục không bó hẹp trong mối quan hệ giữa nam nữ mà còn bao hàm mối quan hệ giữa những người cùng giới tính”. Oanh bắt đầu tìm hiểu về người đồng tính từ những hiểu biết sơ đẳng này.

 

Vũ Kiều Oanh bên những người bạn trong cộng đồng LGBT.
Vũ Kiều Oanh bên những người bạn trong cộng đồng LGBT.

 

Theo Oanh, khoảng 5 năm trước, thành kiến và định kiến của xã hội với người đồng tính còn rất nặng nề. Ngay cả những người được đào tạo về tâm lí, cũng chưa có cái nhìn đúng đắn và cởi mở về cộng đồng này. Giảng đường đại học chưa có sự bài bản trong trang bị kiến thức về người đồng tính cho sinh viên ngành tâm lí.

 

Năm 2011, khi ICS đăng tin tuyển cộng tác viên cho trung tâm ICS ở Hà Nội. Oanh nhận ra đây là cơ hội để mình được trang bị kiến thức một cách bài bản, có cơ sở khoa học về người đồng tính. Oanh đăng kí tham gia và trở thành người dị tính duy nhất trong nhóm cộng tác viên của ICS khi ấy.

 

Tiếp xúc và tìm hiểu về người đồng tính, Oanh hiểu đồng tính không phải là bệnh mà là xu hướng tính dục bình thường. “Nhiều người còn cho rằng đồng tính là a dua, đua đòi, là lựa chọn nhằm khẳng định sự khác người của một số cá nhân. Nhưng tôi nghĩ chẳng ai muốn tạo sự khác biệt để rồi nhận về sự xa lánh, kì thị của xã hội, nhiều khi “sự nhận về là bi kịch”. Hiểu và đồng cảm, Oanh không lạc lõng mà trở thành người bạn thân thiết của người đồng tính tại ICS.

 

Câu chuyện về một bạn nữ là les ám ảnh Oanh đến tận giờ. “Bạn nữ ấy có bạn gái. Gia đình phát hiện, mối quan hệ bị cấm đoán. Bạn nữ bị đưa vào viện tâm thần, tiêm thuốc ngủ suốt một tháng. Bố mẹ bạn ấy coi đồng tính là một thứ bệnh đáng sợ”.

 

Thương bạn gái đó, Oanh chỉ biết nhờ đến một số tổ chức bảo vệ người đồng tính như ICS, ISSE can thiệp. Lúc đó, Oanh nhận ra bản thân muốn làm điều gì đó giúp đỡ người đồng tính. “Điều gì đó mạnh mẽ hơn sự lắng nghe, chia sẻ mang tính cá nhân. Điều gì đó tác động đến xã hội…”, Oanh cho biết.

 

Ý tưởng đạp xe xuyên Việt truyền thông điệp ủng hộ người đồng tính khởi nguồn từ đó. Oanh tin khi một người dị tính lên tiếng ủng hộ người đồng tính có thể góp phần làm thay đổi suy nghĩ của mọi người về cộng đồng này.

 

Khi ý tưởng được công khai, tin đồn Oanh là les xuất hiện. Nhiều người bắt đầu nhìn Oanh với ánh mắt kì thị, một số người xa lánh Oanh. “Tôi cảm thấy tổn thương ghê gớm. Lúc ấy tôi càng thấm thía những khổ tâm mà người đồng tính phải gánh chịu khi họ dám là chính mình”. Oanh càng có động lực, quyết tâm thực hiện ý định đạp xe xuyên Việt.
 
Lá cờ cầu vồng phấp phới trên xe Oanh trong hành trình 2000km.
Lá cờ cầu vồng phấp phới trên xe Oanh trong hành trình 2000km.

 

Hành trình đạp xe 2000 km

 

Hành trình xuyên Việt 2000 km của Oanh là hành trình không đơn độc. Trong đoàn đạp xe xuyên Việt ấy, Oanh là người duy nhất đạp xe ủng hộ người đồng tính. Các thành viên còn lại đạp xe truyền thông điệp bảo vệ môi trường.

 

Lá cờ cầu vồng – lá cờ biểu trưng của cộng đồng LGBT phấp phới trên xe Oanh, thu hút sự chú ý của người dân các tỉnh thành. Oanh có cơ hội giải thích, nói với mọi người về cộng đồng LGBT. Đến mỗi tỉnh, khi dừng lại, Oanh chụp ảnh tên địa danh nơi đó, tay cầm cầu vồng giơ cao.

 

Oanh mang theo thông điệp: “Nguời đồng tính có mặt ở mọi nơi. Tôi muốn đặt chân đến mọi nơi, với những hành động cụ thể biểu đạt sự ủng hộ của mình với họ. Rằng tất cả mọi nguời đều có quyền được tôn trọng, đuợc yêu thương và được là chính mình”.

 

Oanh nhớ những ánh mắt trên hành trình kiếm tìm sự đồng cảm ấy. “Có người hiểu vấn đề mình diễn đạt, ánh mắt họ toát lên sự quan tâm, chia sẻ. Họ bảo bạn bè họ có người cũng như thế.

 

Nhưng có những người không đồng tình thì nhìn mình khinh khỉnh rồi bỏ đi. Nhiều khi tôi buồn vì cảm nhận rõ mình bị kì thị vì ủng hộ người đồng tính”. Những nơi nào có nhiều thời gian, Oanh tổ chức offline về LGBT, nghe câu chuyện của các bạn LGBT ở các tỉnh.

 

Đạp xe xuyên Việt, Oanh nhớ nhất quãng đường đến miền Trung. Hôm đó đi từ Thanh Hóa qua Nghệ An, đoàn dự kiến đến Hà Tĩnh mới nghỉ. Nắng nóng gay gắt, gió Lào thổi, các thành viên trong đoàn đều mệt mỏi. Một số thành viên ngất đi vì say nắng. Một số khác quyết định dừng hành trình, quay về Hà Nội. Bản thân Oanh cũng mệt mỏi, hoang mang không biết mình có thể đi tiếp được hay không.
 
Oanh và ngựa sắt tại triển lãm Những ngăn tủ.
Oanh và "ngựa sắt" tại triển lãm "Những ngăn tủ".

 

Những cú điện thoại bạn bè gọi hỏi thăm vào lúc nghỉ ngơi là thứ “doping tinh thần” giúp Oanh thêm kiên cường, mạnh mẽ: “Bạn bè ở Hà Nội lập một page về hành trình của tôi. Hàng ngày các bạn luân phiên nhau gọi điện vào giờ nghỉ trưa và nghỉ tối hỏi xem tôi đi đến đâu, thời tiết thế nào, sức khỏe ra sao, những câu chuyện, diễn biến trên hành trình. Thông tin đó được đưa lên page. Hồi đó, trên hành trình đạp xe, tôi không vào mạng được nên không lên facebook liên lạc với mọi người được…”

 

Sự sát cánh của bạn bè khiến Oanh thêm mạnh mẽ. Oanh không cho phép mình bỏ cuộc trên hành trình tìm sự cộng hưởng cho việc tôn trọng khác biệt, đa dạng trong cuộc sống. Chiếc xe đạp với lá cờ cầu vồng cuối cùng cũng chạm đích ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Trở về Hà Nội, Oanh mới đọc lại nhật kí hành trình trên fanpage do bạn bè ghi lại.

 

“Tôi rất xúc động khi nhìn thấy page đấy. Các bạn lập page từ hôm tôi đi, tôi còn chưa kịp thấy hình hài nó thế nào. Phải đến tận hôm về tôi mới được nhìn toàn thể page với những chia sẻ của mình được các bạn đưa lên, những động viên, thăm hỏi, khích lệ của bạn bè, trong đó có rất nhiều người chưa quen biết.

 

Nhật kí fanpage giúp tôi mường tượng lại quãng đường 2000 km gian nan và đầy kỉ niệm. Tôi hiểu trong hành trình đi tìm yêu thương ấy, tôi cũng được thương yêu rất nhiều…”

 

Theo Thúy An

Tấm gương/Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm