9x dành trọn đam mê với xe đạp mạo hiểm

(Dân trí) - Gần như là người tiên phong trong bộ môn xe đạp địa hình tại Việt Nam, Ngô Minh Tú (SN 1990) đã vượt qua rất nhiều khó khăn để có thể theo đuổi được đam mê lớn của cuộc đời mình.

Tình yêu lớn đối với xe đạp mạo hiểm

Ngày nhỏ, khi xem bộ phim Pacific Blue về những cảnh sát tuần tra bằng xe đạp, Tú đã ấn tượng và say mê với các màn rượt đuổi kịch tính và pha trình diễn kỹ thuật khó. Từ đó, Tú bắt đầu nuôi dưỡng tình yêu được chơi và thử thách với chiếc xe đạp địa hình.

Sau một thời gian luyện tập môn xe đạp đường trường trong đội tuyển TP.Hà Nội, nhận ra niềm đam mê thực sự của mình là xe đạp địa hình, Tú đã chuyển sang tập luyện Trial bike và gắn bó với nó đến tận bây giờ. Đầu năm 2015, Tú chơi thêm Enduro – một nội dung đang phát triển mạnh thuộc thể loại xe đạp leo núi.

Với Tú, trial bike hấp dẫn ở khả năng thăng bằng và độ chính xác cao. “Còn Enduro thì cho mình cảm giác về tốc độ, sự mạo hiểm, phiêu lưu. Khi chinh phục đỉnh núi, hoặc lúc đổ xuống những cung đường ngoằn ngoèo, đoạn đường gồ ghề, mình rất thích thú. Vượt qua được nỗi sợ hãi của bản thân là khi mình đạt được sự phấn khích”.


Để theo đuổi đam mê, bên cạnh việc thường xuyên tự học, tìm hiểu, Tú gặp không ít tai nạn trong quá trình luyện tập.

Để theo đuổi đam mê, bên cạnh việc thường xuyên tự học, tìm hiểu, Tú gặp không ít tai nạn trong quá trình luyện tập.

Lúc này, trial bike còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nên những ngày đầu tập luyện, Tú gặp khó khăn trong việc tìm tài liệu và huấn luyện viên. Tú phải tự học bằng các kênh youtube và tài liệu trên mạng.

Vì kỹ thuật non yếu, Tú từng bị ngã trật khớp cả 2 cổ tay khi đang cố thực hiện một động tác mới. Chưa nghỉ đủ số ngày lại tập luyện tiếp, đến giờ cánh tay phải của Minh Tú đã thành tật.

“Mình không hối hận vì cái gì cũng phải đánh đổi, nếu thành công quá dễ dàng thì sẽ không lâu bền. Lúc đó, mình buộc phải tập luyện tiếp. Vì nếu mình nghỉ quá lâu, phải tập lại từ đầu. Do đó, nếu được lựa chọn lại, mình sẽ xác định và nghiên cứu thật kỹ từ ban đầu để tránh những chấn thương không cần thiết, ví dụ như đeo đồ bảo hộ. Khi đấy, mình không có đồ bảo hộ để đeo”, Tú nói.

Tú cho biết, nếu ai đó muốn đến với bộ môn này, phải xác định đây là hoạt động mang tính rủi ro rất cao và việc tập luyện không hề nhẹ nhàng. Vì vậy, quyết tâm và đam mê sẽ là điều kiện tiên quyết, sau đó hãy tìm hiểu và rèn luyện kỹ thuật thật nhuần nhuyễn và chọn lấy một chiếc xe có những thông số thực sự phù hợp với mình.

Chàng trai 9X này cho biết: “Chơi thể thao cho sức khỏe tốt, nhưng để theo chuyên nghiệp thì về lâu dài sẽ có hại. Sợ thì ai cũng sợ nhưng đến lúc lên xe, nỗi sợ không còn là gì nữa. Cảm giác hưng phấn và hạnh phúc vì được chinh phục và làm điều mình thích sẽ thay thế nỗi sợ. Nhưng mình cũng rất quan tâm đến sức khỏe, khi nào luyện tập mệt mỏi, mình sẽ dừng lại để nghỉ dưỡng”.


Với Tú, xe đạp là tất cả, không thể bỏ được.

Với Tú, xe đạp là tất cả, không thể bỏ được.

Khi đã có tên tuổi trong làng xe đạp địa hình, Tú đã “tự chủ tài chính” bằng cách biểu diễn và tổ chức sự kiện liên quan đến xe đạp. Công việc của Tú bận rộn theo mùa “biểu diễn”: đầu năm và cuối năm. Những lúc rảnh rỗi, Tú tham gia một số chương trình giao lưu trao đổi hoặc thi đấu ở Singapore, Thái Lan… 1 – 2 lần/năm. Trong năm 2015, Tú là đại diện Việt Nam thi Got Talent tại Malaysia.

Tú chia sẻ: “Khi tham gia những chương trình này, mình nhận thấy người Việt Nam có cơ hội sánh ngang với các nước trong khu vực. Chúng ta có năng lực, đồng thời chưa cố gắng, chưa có nhiều cơ hội để phát triển vì phong trào chơi xe trong nước còn yếu”.

Trong thời gian sống với trial bike, Tú nhiều khi phải đối mặt với các rủi ro: chấn thương, xe hỏng không thay thế kịp vẫn phải biểu diễn, cho nên hiệu quả không như mong muốn…

Khi mọi áp lực (công việc, sức khỏe, tình cảm) dồn nén lên tới đỉnh điểm, Tú đã đấu tranh rất nhiều về việc rẽ sang một hướng khác. Tú quản lý studio nhưng chỉ kéo dài vài tháng, Tú nhận thấy một cách sâu sắc, xe đạp là tất cả đối với mình, không thể bỏ được.

“Những lúc khó khăn mình luôn nghĩ – Một là bước tiếp để có được tất cả, hai là dừng lại và không có gì hết (những gì mình làm được đến thời điểm này là vô nghĩa)”, Tú nói.

Do đó, dù trải qua nhiều lúc nản lòng, với quyết tâm và đam mê quá lớn, Tú đã vượt qua được những khó khăn để theo đuổi đến cùng ước mơ đời mình. “Ở Việt Nam, sẽ phải xoay xở nhiều cách mới có thể sống được với nghề này, vì cộng đồng chưa lớn mạnh. Nhưng mình nghĩ, mỗi con đường, khi bản thân là người đi đầu, sẽ có những khó khăn. Điều quan trọng là mình phải vượt qua nó”, Tú bộc bạch.


“Mình không hối hận vì cái gì cũng phải đánh đổi, nếu thành công quá dễ dàng thì sẽ không lâu bền..., Minh Tú khẳng định.

“Mình không hối hận vì cái gì cũng phải đánh đổi, nếu thành công quá dễ dàng thì sẽ không lâu bền...", Minh Tú khẳng định.

Sau gần 8 năm tập luyện, Tú đã sử dụng 11 chiếc trial và 1 chiếc Enduro. Trong đó, chiếc Enduro của Tú có giá đắt nhất (hơn 7.000 USD). Bố mẹ tặng Tú chiếc xe đầu tiên, còn những chiếc xe sau, chàng trai 9x dùng số tiền biểu diễn để mua. Một điều bất lợi cho những người chơi bộ môn này là Việt Nam không có sẵn đồ, mỗi lần xe hỏng, cần phụ tùng thay thế, Tú đều phải đặt hàng từ Mỹ hoặc Trung Quốc.

Dự án biểu diễn xuyên Việt và xuyên Đông Nam Á

Ấp ủ một dự án biểu diễn xe đạp xuyên Việt và xuyên Đông Nam Á, Tú phải “gõ cửa” nhiều đơn vị xin tài trợ. Vì đây là dự án mới, số tiền khá lớn, và bản thân không phải là người nổi tiếng, Tú phải mất vài năm mới xin được tiền.

Với chàng trai 9x, “On my way là một hành trình khám phá du lịch mạo hiểm để giới thiệu về Việt Nam, con người Việt Nam và các nước khác thuộc Đông Nam Á với thế giới. Mình sẽ dùng cái xe làm công cụ kể chuyện cho toàn bộ chuyến đi”, Tú bày tỏ.

Tú cho biết, mỗi tập của On my way sẽ có một câu chuyện khác nhau, nội dung đa dạng thuộc vào từng vùng miền. Với chàng trai Hà Nội, dự án đã cho bản thân cậu nhiều giá trị từ trải nghiệm thực sự.

“Sống ở môi trường này, mình phải “dĩ bất biến,ứng vạn biến” trước những tình huống phát sinh. Có lần, chúng mình quay lúc mưa, đi trong rừng lội ngược suối đến tận chân thác mà không có trang thiết bị hiện đại hỗ trợ, tất cả đều tự làm, đều tự nghiên cứu để đảm bảo sức khỏe và an toàn. Hay khi quay ở đảo, vì gió to biển động, cả đoàn hoãn mất cả tháng. Nhiều chi phí phát sinh, chúng mình phải bù lỗ”.

Tú dự định sẽ hoàn thành On my way trong khoảng 3 năm. Sau khi kết thúc dự án, Tú đặt ra thử thách chinh phục tòa nhà Bitexco 86 tầng ở Sài Gòn. Hiện nay, song song với việc thực hiện On my way, Tú vẫn đang xây dựng cộng đồng trial bike ở Việt Nam lớn mạnh để có thể bắt kịp thế giới, bằng cách dạy học, tập hợp đội nhóm tập luyện, biểu diễn và đồng sáng lập website dành cho cộng đồng xe đạp.

“Ở Việt Nam có nhiều nguồn trái chiều nên chúng mình tổng hợp và dịch lại những thông tin chính xác nhất, hoặc viết bài chia sẻ kinh nghiệm cá nhân. Như On my way hay việc dạy học, dự án này cũng là phi lợi nhuận. Mình chưa bao giờ đặt lợi ích lên hàng đầu, tất cả là đam mê”, Tú tâm sự.

9x dành trọn đam mê với xe đạp mạo hiểm - 4

9x dành trọn đam mê với xe đạp mạo hiểm - 5

9x dành trọn đam mê với xe đạp mạo hiểm - 6

9x dành trọn đam mê với xe đạp mạo hiểm - 7

9x dành trọn đam mê với xe đạp mạo hiểm - 8

Hoàng Dung

(Ảnh NVCC)