8X và lối sống tự lập

Sức trẻ, niềm say mê và những hoài bão đã tạo nên tính cách riêng cho một thế hệ 8X trẻ trung, năng động và thành đạt.

“Không muốn lệ thuộc vào bố mẹ nữa!”

 

Vào nghề PR chưa được 2 năm nhưng cô sinh viên năm 4 báo chí Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM, Nguyễn Mai Khanh đã phần nào khẳng định được vị trí của mình qua việc quảng bá cho các thương hiệu hàng đầu như Omo, Sunsilk, Clear, Dove, PS, Close-up (Unilever); các sản phẩm của Dutch Lady, Pepsi...

 

Cũng như nhiều bạn trẻ thế hệ 8X khác, Khanh bắt đầu tìm kiếm công việc làm thêm ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất. Đó là chân bán hàng tại một cửa hàng băng đĩa với mức lương 500.000 đồng/tháng. Suốt 3 tháng hè, Khanh “cày” từ sáng đến tối, mệt nhưng vẫn vui. “Em không muốn lệ thuộc vào bố mẹ nữa”- cô nói.

 

Nhiều bạn trẻ thế hệ 8X chọn cách sống tự lập ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường như Khanh. Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều người trong số họ đã bước đầu thành công trong con đường theo đuổi ước mơ lập nên sự nghiệp.

 

Sau hai lần thay đổi chỗ làm, Khanh đã tham gia thi tuyển và bắt đầu công việc tại công ty quảng cáo J.W.T với hợp đồng 3 tháng. Hoàn thành tốt công việc, J.W.T kéo dài hợp đồng thêm 3 tháng và cứ thế đến nay Khanh đã có gần 2 năm gắn bó với công ty.

 

Vừa học, vừa làm

 

Trần Tấn Phúc bắt đầu cuộc sống tự lập ở vị trí nhân viên tư vấn cho một công ty du học với mức lương 600.000 đồng/tháng, vừa đủ trang trải cho cuộc sống sinh viên của mình. Trần Tấn Phúc tự nhận mình là người làm thuê không biết mệt mỏi.

 

Nhận biết tầm quan trọng của tiếng Anh trên con đường lập nghiệp, Phúc đã chú tâm trau dồi ngoại ngữ này. Nhờ thế, từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất ngành hướng dẫn du lịch Trường Nghiệp vụ Du lịch Sài Gòn, Phúc đã tham gia vào công việc hướng dẫn cho những đoàn du khách quốc tế song song với việc làm bán thời gian cho các trung tâm ngoại ngữ.

 

Chàng trai 23 tuổi này hiện nay là nhân viên kinh doanh phục vụ công việc đối ngoại và tiếp đón các đoàn khách quốc tế của Công ty Du lịch Le’s Travel (81 Phạm Ngọc Thạch, quận 3 - TPHCM) với mức lương gấp 8 lần so với lúc bắt đầu.

 

Giấu gia đình mở shop

 

Một gương mặt khác khá quen thuộc trong giới 8X là Ngô Nhật Ngân, sinh viên năm thứ 3 Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế TPHCM. Ý tưởng kinh doanh đến với Ngô Nhật Ngân cách đây một năm khi Ngân xuống làng đại học Thủ Đức dự sinh nhật một người bạn.

Nắm được nhu cầu của các bạn sinh viên ở đây, Ngân mạnh dạn bắt tay vào thực hiện ý tưởng mở cửa hàng quà lưu niệm O.H.T (khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức - TPHCM) tháng 10/2004.

 

Ngân kể: “Ban đầu chuyện em mở cửa hàng đâu dám cho gia đình biết vì bố mẹ lo ảnh hưởng đến việc học. Vốn làm ăn em cũng vay mượn của bạn bè. Tính luôn chi phí thuê mặt bằng, tiền vốn em bỏ ra cũng hơn 50 triệu đồng”. Và như để chứng minh sự lựa chọn của mình, sau một năm kinh doanh cửa hàng quà lưu niệm đã bắt đầu thu lãi.

 

Ấp ủ những ước mơ

 

Đến nay, tính ra Trần Tấn Phúc đã làm việc cho hơn 10 công ty khác nhau, được đến nhiều nước trên thế giới. Phúc cho biết bạn đang ra sức tích lũy kinh nghiệm để công ty riêng do chính Phúc làm chủ với những sản phẩm du lịch chất lượng cao mà trong đó 80% đội ngũ nhân viên là các bạn sinh viên.

 

Nguyễn Mai Khanh mong muốn trở thành một PR chuyên nghiệp. Còn Ngô Nhật Ngân, đến ngày 15/10 sắp tới cô sẽ tổ chức một buổi lễ nhỏ dành cho những khách hàng với nhiều chương trình khuyến mãi quà tặng để kỷ niệm một năm ngày ra đời của cửa hàng O.H.T.

 

Ngân cũng bắt đầu cho một năm học mới với dự định mở lớp dạy thủ công cho các bạn sinh viên để tăng nguồn hàng và tăng thu nhập cho các bạn sinh viên.

 

Theo Ngọc Trâm, Hải Âu
Người Lao Động