8X thực dụng: Không sai, nhưng

“Bọn trẻ 8X bây giờ sống sao mà hời hợt và thực dụng quá!” Điều này không sai, bởi không chỉ có 7X, 6X nhận xét về chúng tôi đầy bức xúc như vậy mà lắm khi cộng đồng 8X cũng nhìn nhau bực bội và thiếu thiện cảm về cách sống vật chất hoá này.

Cộng đồng 8X không hoan nghênh lối sống thực dụng - Bảo Trân (littlekittyes4@yahoo.com)

 

Có những suy nghĩ thực dụng đến mức vô cảm đến mấy cũng phải biết xót xa: “Chương trình đi thăm cô nhi viện này chỉ cho có 2 điểm cộng thôi á? Ít thế! Đóng quách 3.000đ tham dự cuộc thi kia, nguệch ngoạc vài dòng mà được tận 3 điểm phải hơn không?!”.

 

Có những thói thực dụng gây nên làn sóng khó chịu âm ỉ để rồi kết thúc bằng dấu chấm to đùng cho tất cả: tình cảm và cả sự tôn trọng tối thiểu đối với một người. Như anh bạn mà tôi biết - được mệnh danh là “bằng hữu ngắn hạn”, mỗi thời kỳ nhiệt tình với những bạn bè khác nhau. Anh nói thẳng: “Tôi muốn xây dựng tất cả quan hệ win-win, thế thôi!”.

 

Cuộc sống mà thứ gì cũng đem ra cân đong, đo đếm rồi mặc cả thêm bớt thì thật đáng sợ. Bởi vậy, là một 8X, tôi có thể khẳng định ngay: cộng đồng 8X không hoan nghênh lối sống thực dụng, thờ ơ và vật chất như thế bao giờ.

 

8X nào lỡ có suy nghĩ thực tế khôn ngoan hay bị lầm lẫn gán ghép là “thực dụng”. Theo tôi, điều đó không hẳn đã đúng. 8X luôn phải là người biết tự trân trọng chất xám, khả năng và sức lao động bản thân. Cách suy nghĩ này gần giống với giới trẻ Mỹ: họ cắt cỏ, trông em, lau rửa sàn nhà … cho bố mẹ mình cũng đòi hỏi tiền công thoả đáng.

 

Khoan bàn đến chuyện đúng hay sai vì nó còn tuỳ thuộc vào văn hoá, chỉ riêng thái độ thẳng thắn, biết quý trọng công sức và thời gian cũng là điểm nên học.

 

“Thực dụng” không hẳn là một tính từ hoàn toàn tiêu cực - Lê Thị Ngọc Vi (44/7 P. Phước Bình, Q.9)

 

Trong lần họp mặt nhóm bạn hồi phổ thông của tôi, chuyện của Vũ và An vô tình trở thành đề tài để mọi người bàn tán. Sau khi ra trường, An liên tục “nhảy việc” hết nơi này đến nơi khác. Nhỏ làm như điên, công ty nào trả mức lương cao hơn là nhỏ sẵn sàng… nhảy. Theo nhỏ, sau thời gian “đầu tư” cho việc học, đây là giai đoạn “gỡ vốn”.

 

Sau 7 năm từ khi ra trường, nhỏ đã “nhảy” ngót… 10 công ty. Nhỏ quan niệm nơi nào “đất lành chim đậu”, lòng trung thành với công ty là một thứ xa xỉ và lạc hậu. Trong khi đó, những ai theo “trường phái tư duy” của Vũ thì cho là An “thực dụng”, tính toán.

 

Vũ - tốt nghiệp hai trường Bách khoa và Tổng hợp - nay đang sống chết cùng những dự án và đề tài nghiên cứu khoa học của một cơ quan nhà nước, với mức lương lẫn trợ cấp chỉ đủ đổ xăng mỗi ngày + tiền cà phê, thuốc lá.

 

Thực ra Vũ cũng không sống vì “lý tưởng” khi phải đối diện với những mối lo toan cơm áo mỗi ngày, nhưng nghĩ đến việc chạy theo lời mời mọc của những công ty nước ngoài với mức lương đề nghị tính bằng “ngàn đô”, Vũ ngại vận vào mình hai tiếng “thực dụng” - một tính từ hoàn toàn không phù hợp với những ngành nặng về nghiên cứu khoa học mà Vũ theo học.

 

An nói vui rằng Vũ… gàn, dở hơi, rằng… có thực mới vực được đạo. Ngày nay ra đường giá trị của người ta thể hiện qua những nơi mà người ta đến, qua những người mà người ta giao tiếp, và nhất là qua những gì người ta đang khoác lên người. Có năng lực, có điều kiện, tại sao không dám “sống và làm việc theo pháp luật” mà vẫn đảm bảo cho mình một mức sống cao hơn?!?

 

Theo tôi, bản thân thực dụng - hay không thực dụng phụ thuộc vào ánh nhìn, cách xét đoán của người ngoài. Trong ít nhiều trường hợp, “thực dụng” không hẳn là một tính từ hoàn toàn tiêu cực!

 

Theo Sài Gòn Tiếp Thị