8X không xả rác ra đường!

Khám túi của hơn 200 sinh viên, ngoài các vật dụng cần thiết cho việc học, báo, tạp chí, truyện tranh, ví tiền… hơn 50% số cặp túi có vỏ kẹo, giấy ăn đã dùng, tờ rơi quảng cáo, vé xe buýt... 8X ngày càng ít vứt rác ra đường!

Xả rác ra đường: Tự hổ thẹn!

 

Diệu Linh (sinh năm 1984, ĐH Ngoại thương) đánh giá: “Việc cho vỏ kẹo vào túi mang về nhà dễ dàng và nhanh hơn nhiều việc thả nó xuống gót giày”.

 

Sau khi cho miếng sing-gum vào miệng, thay lén lút thả vỏ kẹo xuống đất, bạn chỉ cần bỏ tọt vào cặp hoặc nhét vào túi quần jeans. Khi ăn xong, lại lấy nó ra, gói bã kẹo, rồi bỏ vào chỗ cũ.

 

8X khẳng định rằng giờ đây việc vứt một thứ vỏ đồ ăn vặt ra đường thực sự là một hành động không nên, thậm chí nhiều khi… không dễ dàng gì thực hiện. Không phải bạn sẽ bị lôi cổ vào đồn công an để lập biên bản vì tội “làm bẩn đường phố”, cũng không hẳn là lời nhiếc mạ hay ánh nhìn gay gắt của những người xung quanh dành cho kẻ vừa làm một việc “tày đình”, 80% số 8X không-xả-rác-ra-đường được hỏi, thú nhận là họ không chịu được cảm giác tự hổ thẹn khi xả rác… trước mặt mọi người!

 

Như vậy, 8X ngại xả rác ra đường một phần vì không chịu được cảm giác mình đang bị những người xung quanh “chấm điểm” kém trong lòng! Trừ một khía cạnh nào đấy, sự tự trọng này rất tích cực, dần hình thành thói quen như là cuộc “ganh đua” ngấm ngầm trong cộng đồng trẻ. Vậy, liệu có phải khi “hoàn cảnh thuận lợi” 8X vẫn sẵn sàng xả rác?

 

Không hút thuốc: Không làm máy xả rác!

 

Mặc dù rất xấu hổ khi bị bắt gặp hành vi vứt rác, nhưng khi chỉ có “một mình”, xác suất xả rác của 8X tăng lên đến 90%.

 

Thứ bị quẳng ra đường nhiều nhất vẫn là những thứ được “khai trương” ngay trên đường đi, đủ vụn vặt để đáp ứng điều kiện “tiện tay vứt” và đủ… bẩn để “không thể cất vào cặp” (như lý do xả rác của nhiều 8X): giấy gói đồ ăn, khăn giấy, tờ rơi, que kem, vỏ, bã kẹo… Trong đó, phát hiện quan trọng xứng đáng để 8X càng kiên quyết nói không với thuốc lá: “8X Smoker = cái máy xả rác”.

 

Hệ thống đó được diễn tả như thế này: 8X Smoker đi trên phố à rẽ vào lề đường mua một bao thuốc à vừa đi ra vừa bóc vỏ bao(1) à bật diêm đốt một điếu(2) à hút hết điếu thứ nhất(3) à rút thêm điếu thứ hai và lặp lại từ hành động(2)… Chú ý, tương ứng với mỗi hành động, 8X Smoker liên tục xả rác ra đường!

 

Chúng ta thừa nhận xu hướng giới trẻ hiện đại từ chối thuốc lá, tức là chúng ta thừa nhận 8X từ chối là máy xả rác ra đường!

 

“Trước đây mình nghiện thuốc lá, nhận lỗi là đi đến đâu cũng vứt rác. Nhưng kể từ năm ngoái bỏ thuốc thì vô cùng gương mẫu. Có cái gì mà không cho vào giỏ xe phóng thẳng về nhà được!” (Lợi, 1981, nhân viên Maketing)

 

Đi tìm thùng rác

 

Đó là một trong những tuyên ngôn rất ấn tượng chúng tôi nhận được từ một số 8X triệt để không-vứt-rác-ra-đường.

 

Hương Thu (sinh năm 1987, Học viện Báo chí Tuyên truyền) bức xúc kể: “Lần nào uống trà sữa xong em cũng phải tìm bằng được thùng rác để vứt vỏ hộp. Lần nào em cũng bị những người lớn đi qua nhìn chăm chăm theo cái kiểu “chuyện lạ Việt Nam”. Chẳng lẽ, bản thân họ không bao giờ dừng xe để nhét rác vào đúng cửa thùng hay sao?”

 

Trả lời cho tình huống: “Trong trường hợp rác không thể “để dành”, vẫn chưa tìm thấy cái thùng nào và bạn đang rất vội thì sao?”, Minh (sinh năm 1986, Học viện Báo chí Tuyên truyền) lúng túng: “Tớ chưa gặp tình huống này bao giờ! Nếu cuống quá thì chắc sẽ phải đặt nó ở mép vỉa hè - chỗ người ta đã bỏ rác thành đống sẵn rồi. Chỗ như thế thì nhiều. Đành để chung vào đó để nhân viên vệ sinh dễ thấy!”

 

Vẫn thiếu thùng rác ở Hà Nội, là lý do không những người dân mà nhân viên vệ sinh đều “mặc định” quy ước về chỗ đặt rác ở lề đường, mép vỉa hè. Đặc biệt, có những dọc đường rất dài thùng rác vắng bóng hẳn như dọc Giải Phóng, Thanh Xuân…

 

“Người lớn sức ỳ lớn hơn”, Liên (sinh năm 1984, ĐH Luật Hà Nội) nhận xét, “nên họ chậm thay đổi nếp quen cũ, dù biết nó không văn minh. Do đó, mình tự nhận thêm một trách nhiệm cho 8X  là thuyết phục và làm gương cho chính bố mẹ mình!”.

 

Bác Huy (55 tuổi, cán bộ hưu trí quận Long Biên) thừa nhận: “Đúng là các ông bà già chậm tiến hơn bọn trẻ, sẵn vỉa hè là vác cả xỉ than ra đổ. Ngày nào tổ vệ sinh cũng nhắc, nhắc lần nào cũng cười - mấy hôm sau lại thế. Thanh niên tiếp thu nhanh hơn hẳn”.

 

Theo Nguyên Nhung

Vietnamnet