4 triệu đồng/tháng có đủ cho sinh viên đảm bảo cuộc sống ở thành phố?

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Cuộc sống sinh viên với một số bạn trẻ không còn là "giấc mơ màu hồng" vì phải sống xa nhà, bắt đầu học cách tự lập. Gần đây, dân mạng say sưa bàn luận "sinh viên chi tiêu bao nhiêu một tháng là đủ"?

Chi tiêu tùy vào thu nhập: 1,5 triệu vẫn đủ hoặc 7 triệu mà còn thiếu

Nguyễn Ngọc Mai (sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân) bày tỏ, mức chi tiêu của mỗi người tùy thuộc vào thu nhập (hoặc chu cấp của gia đình), có khi 1,5 triệu vẫn đủ hoặc 7 triệu mà còn thiếu. 

4 triệu đồng/tháng có đủ cho sinh viên đảm bảo cuộc sống ở thành phố? - 1
Nguyễn Ngọc Mai - sinh viên trường ĐH Kinh tế quốc dân.

Chia sẻ về quãng đời sinh viên của mình, Ngọc Mai nói: "Lúc mới lên đại học, chưa đi làm thêm bố mẹ cho bao nhiêu thì em tiêu bấy nhiêu, không xin thêm. Không tính tiền phòng, tiền học phí thì 1,5 triệu mỗi tháng đủ để ăn uống, chi tiêu các việc khác.

Sau khi nhập học 2 tháng em bắt đầu đi làm thêm, có mức thu nhập riêng nên có thể tự lập tài chính. Trước đây em làm người mẫu ảnh, còn mùa dịch em đã bén duyên thời điểm khó khăn chung này. Mức chi tiêu bây giờ em cảm thấy cũng dư giả hơn so với ngày bắt đầu học đại học. 

Em thường áng chừng khoản chi tiêu cho phép bằng cách chia tiền thành các đầu mục: phí sinh hoạt, tiền học phí, sở thích cá nhân, tiết kiệm và có thể là giúp đỡ gia đình. Do tính chất công việc nên em cũng có thêm một khoản để đầu tư chăm sóc cá nhân như mua mỹ phẩm, đi spa chăm da".

Bao nhiêu tiền cũng chưa đủ nếu không biết chi tiêu hợp lý

Nguyễn Mỹ Uyên (sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2) cho rằng, đa số mức chi tiêu trung bình của sinh viên rơi vào khoảng từ 2 - 3 triệu đồng/ tháng.

Đối với bản thân cô, mỗi tháng chi phí sinh hoạt hết khoảng 3 triệu đồng, bao gồm các khoản như: tiền điện nước, mạng internet, ăn uống, giáo trình… Cô gái này cũng có thói quen ghi lại các khoản chi trong ngày, đến cuối tháng tổng kết lại tổng chi phí. Việc này giúp Uyên nhìn nhận mức chi tiêu để điều chỉnh, cân đối lại mọi thứ.

4 triệu đồng/tháng có đủ cho sinh viên đảm bảo cuộc sống ở thành phố? - 2
Nguyễn Mỹ Uyên - nữ sinh trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2.

Mỹ Uyên chia sẻ: "Nếu hỏi rằng mỗi tháng sinh viên nên tiêu bao nhiêu tiền mới đủ để sống thì em nghĩ không có câu trả lời nào là chính xác với tất cả mọi người. Mỗi người có mức sống khác nhau, tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình, hoặc số tiền làm thêm kiếm được.

Tuy nhiên, bao nhiêu tiền cũng chưa đủ nếu không chi tiêu hợp lý, nhất là những bạn theo học ngôi trường ở trung tâm thành phố lớn thì các chi phí sẽ đắt đỏ hơn. Trường mình ở Vĩnh Phúc nên mức sống cũng không quá đắt, mọi thứ vẫn "dễ thở" một chút.

Ngoài ra, người trẻ cũng cần học cách sống có kỷ luật, tiết kiệm, không bị những thứ khác cám dỗ. Hiện nay, hình thức mua sắm trực tuyến khá phổ biến, nhiều khi các bạn dễ chi tiêu "quá tay". Mình nghĩ, đầu tháng nên ghi sẵn những thứ cần mua, bao gồm cả sở thích cá nhân và để dư một khoản phòng trường hợp có các vấn đề phát sinh. Sinh viên chưa làm ra được nhiều tiền nên biết tiết kiệm là điều cần thiết". 

"4 - 6 triệu đồng/ tháng là đảm bảo mức sống ở thành phố"

Còn Nguyễn Công Thức (sinh viên trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ) thì chia sẻ "4 - 6 triệu đồng/ tháng là đảm bảo mức sống cơ bản ở thành phố". 

4 triệu đồng/tháng có đủ cho sinh viên đảm bảo cuộc sống ở thành phố? - 3
Nguyễn Công Thức cho rằng, sinh viên vẫn có thể có một khoản tiết kiệm kha khá nếu có kế hoạch chi tiêu.

"Dạo gần đây em thấy mọi người bàn cãi nhiều đến vấn đề chi phí, chi tiêu của sinh viên. Với em mức chi phí từ 4 - 6 triệu đồng/ tháng là đảm bảo mức sống cơ bản ở thành phố. Khi sống ở thành phố thì mọi thứ chi phí đều "đội" lên, từ tiền thuê nhà, ăn uống, mua sắm… Bản thân em thì mức chi phí mỗi tháng trung bình khoảng 6 triệu, bao gồm phí sinh hoạt cũng như các dịp sinh nhật, đám cưới và mối quan hệ xã hội. Tất nhiên là các khoản phát sinh này không phải tháng nào cũng có, nên em sẽ để dành số dư ấy vào khoản tiết kiệm. 

Em có thói quen tiết kiệm tiền nên đến bây giờ cũng đã có một con số kha khá. Em luôn đặt ra các mục tiêu, ví dụ như một năm muốn mua được món đồ có giá trị nào đó thì mỗi tháng sẽ phải để dành bao nhiêu tiền? Đối với sinh viên thường được gia đình chu cấp thì cũng đừng tiêu xài hoang phí quá, vì bố mẹ kiếm tiền cũng rất vất vả".