4 năm nhặt rác và cái tâm của những người trẻ yêu Hồ Gươm
Những ngày đầu đi nhặt rác quanh Hồ Gươm, luôn gặp ánh mắt nghi ngờ, thái độ vô cảm của nhiều người, Ngọc và những Ráccer (Người nhặt rác - cách mà Ngọc và các bạn vẫn tự gọi nhau) rất buồn, song họ không bỏ cuộc.
Bền bỉ thay đổi ý thức cộng đồng
Nhóm “Nhặt rác hồ Gươm” thuộc CLB Tình nguyện Trẻ được thành lập tháng 3/2011, với khẩu hiệu “Một đôi găng tay, một túi nilon tái sử dụng và một trái tim yêu Hà Nội của những người trẻ” để giúp hồ Gươm - lẵng hoa của Thủ đô ngày càng xanh - sạch - đẹp và thân thiện hơn.
Hiện nay, nhóm có 15 thành viên với tuổi đời còn rất trẻ, từ 18 đến 24. Cứ mỗi chiều chủ nhật, bất kể mưa nắng, với găng tay và túi, họ cùng nhau đến từng gốc cây, ghế đá, viên gạch ở Hồ Gươm để nhặt túi nilon, chai lọ, que kem, kẹo cao su... mà những người vô ý thức vứt bừa bãi.
Rác được phân loại ngay lúc nhặt, những vật liệu tiêu hủy được cho vào thùng rác, còn những que kem, ống hút được nhóm mang về rửa sạch để tái chế. “Thời gian đầu, rác nhiều lắm. Bọn em phải đi nhiều vòng, từ đầu giờ chiều đến chập tối, rác mới vãn. Đến nay rác đã ít hơn, cảnh xả rác cũng không còn bừa bãi nữa”, phụ trách nhóm Nguyễn Bích Ngọc nhớ lại.
Không chán nản, những Ráccer vẫn bền bỉ thực hiện công việc của mình. Hơn 200 buổi nhặt rác trong 4 năm qua, họ đã góp phần thay đổi ý thức cộng đồng. Những cụ già hay tập thể dục ven hồ, những em nhỏ hay ra Bờ Hồ vui chơi cũng tự nguyện nhặt những mẩu rác quanh mình.
“Hiệu kem cạnh Bờ Hồ trước que kem vứt la liệt thì nay cắt cử hẳn nhân viên bảo vệ chuyên dọn rác. Thế cũng đỡ vất vả hơn cho các cô lao công. Chỉ thế thôi bọn em cũng thấy mừng rồi”, thành viên Xuân Mai (18 tuổi) tâm sự.
“Nhìn các cháu cần mẫn nhặt từng mẩu rác, tôi cũng thấy xấu hổ thay cho những người thiếu ý thức. Hồ Gươm là không gian chung, ai cũng nên giữ gìn”, ông Đinh Hữu Hợp (54 tuổi, Hàng Bông, Hà Nội) nói.
Nhặt rác làm từ thiện
Từ những buổi nhặt rác, nhận thấy lượng que kem, ống hút và một vài vật dụng có thể tái chế khá nhiều, nhóm Nhặt rác Hồ Gươm đã nảy ra ý tưởng làm sản phẩm để gây quỹ từ thiện. Từ các que kem, que xiên xúc xích bỏ đi, những Ráccer làm sạch và lắp ghép khéo léo thành đồ lưu niệm hay dụng cụ học tập thiết thực như hộp bút, khung ảnh, cối xay gió, hộp đựng trang sức, đèn trang trí, cũng như gửi gắm tình yêu Hà Nội của mình vào mô hình chùa Một Cột, Khuê Văn Các, cầu Long Biên...
Với số tiền không lớn ấy, những bạn trẻ đã triển khai hoạt động bữa ăn nhân ái đến người khó khăn, mỗi suất ăn chỉ từ 5 nghìn đồng nhưng có đầy đủ thịt, cá, rau… Và cũng với số tiền ít ỏi đó, họ dành để chăm sóc các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Đó là những món quả tuy nhỏ nhưng chứa đựng bao tình cảm và cả cái tâm của những người trẻ sẵn sàng “vác tù và hàng tổng” để làm những việc có ích cho cộng đồng.
“Nhóm mong muốn được hướng dẫn, dạy cách tái chế rác thành các sản phẩm hữu ích cho các em có hoàn cảnh khó khăn ở các trung tâm xã hội để hy vọng công việc sẽ tạo ra thu nhập, cải thiện điều kiện sống của các em”, Ngọc tâm sự.
“Tôi chỉ mong muốn mọi người bỏ rác đúng chỗ để mỗi con đường, mỗi góc phố, mỗi di tích của Hà Nội luôn sạch đẹp. Điều đó không chỉ vì mọi người mà trước hết là vì chính bản thân mình”, đó là nhắn nhủ của anh Đinh Công Huấn, thành viên nhóm Nhặt rác Hồ Gươm.
Theo Phú Khánh
An ninh thủ đô