3 tháng chỉ miệt mài đọc… 7 trang sách

Sau 6 tháng học tập với nhiều giáo trình nổi tiếng, lớp đào tạo 57 học viên của Viettel bị đánh trượt toàn bộ với lý do “không nắm được vấn đề”. Việc đào tạo lại, kéo dài trong 3 tháng và chỉ tập trung trong 7 trang sách nhưng mang lại kết quả rất bất ngờ.

Trong 6 tháng học tập theo phương pháp truyền thống, các học viên của Viettel được lên lớp, đi thực tế (tới 3 tháng), đọc giáo trình, nghiên cứu tài liệu… rất bài bản. Chỉ có điều khi thi, người sát hạch là vị lãnh đạo cấp cao của Viettel liên tục hỏi các câu “tại sao” khá “cắc cớ” mà hơn 50 học viên chưa nghĩ tới. Tất nhiên là họ không trả lời được và gần như toàn bộ không qua được kỳ thi sát hạch.

 

Để thực hiện thay đổi lớn về phương pháp, toàn bộ số học viên này được tham gia một khóa học mới mà ở đó học viên chỉ cần nghiên cứu 1 chương của quyển sách bất kỳ mà họ thấy hứng thú. Sau đó, họ cần trả lời được mọi câu hỏi có liên quan đến thông tin được đề cập trong chương sách đó. Ngoài ra, kết quả thi của toàn bộ học viên sẽ phụ thuộc vào người yếu nhất của lớp có vượt qua được đợt sát hạch cuối kỳ hay không. Với đề bài nêu trên 57 học viên Viettel đã chọn một chương dài 7 trang trong một cuốn sách về mạng viễn thông để nghiên cứu.

 

Thế nhưng, thay vì giảng về những kiến thức có trong những trang sách này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó tổng giám đốc Viettel (người làm giảng viên), cho toàn bộ học viên tự về nghiên cứu. Vị lãnh đạo này cho biết, lớp học này không có giáo viên và mình chỉ đóng vai trò như một huấn luyện viên; học viên là những vận động viên.

 
Với mục tiêu trở thành một công ty toàn cầu, Viettel cần một cách thức đào tạo mới.
Với mục tiêu trở thành một công ty toàn cầu, Viettel cần một cách thức đào tạo mới.
 

Một tuần sau, ở buổi gặp mặt, ông Hùng yêu cầu một số học viên trả lời các câu hỏi về kiến thức liên quan đến 7 trang sách đó với hàng loạt câu hỏi tại sao mang tính liên hoàn mà học viên dù đã học thuộc từng chữ trong 7 trang sách đó cũng không sao trả lời được.

 

Thêm một tuần nữa tự nghiên cứu, kết quả trả lời hàng loạt những câu hỏi tại sao của vị lãnh đạo Viettel không có nhiều cải thiện bởi những câu sau không hề giống như câu trước đó đã hỏi và mỗi người lại gặp một vấn đề khác nhau. Nhiều học viên bắt đầu cảm thấy hoang mang với cách học mới và không hiểu bao giờ mình mới có thể tốt nghiệp được sau 6 tháng đào tạo và bị trượt trước đó.

 

Họ cũng không ngờ rằng việc học và nghiên cứu 7 trang sách lại khó như vậy, bởi việc học thuộc từng chữ cũng chỉ mất 1 ngày và nhớ thông tin thì chỉ mất 1 tiếng. Phương pháp học tập mới đòi hỏi họ phải giải quyết vấn đề theo cách hoàn toàn khác mà họ chưa từng trải qua.

 

Sau những lần “tơi tả” và ngượng ngùng, những học viên trong lớp nhận ra rằng, việc đọc và trả lời những câu hỏi tại sao liên quan đến 7 trang sách thực ra cần đến đến rất nhiều thông tin bổ sung trong quyển sách cũng như từ những nguồn khác và cần thêm sự tư vấn của các chuyên gia có kinh nghiệm.

 

Cũng vì thế, nếu không hợp tác, phân công để thu thập thông tin, tự hỏi và kiểm tra lẫn nhau thì không thể giải quyết được vấn đề, đặc biệt là khi kết quả kiểm tra của họ phụ thuộc vào người yếu nhất.

 

Phạm Văn Hoạt, Phó phòng Khai thác toàn cầu – Công ty Mạng lưới Viettel – một cựu học sinh của lớp này chia sẻ: “Ở một lớp học không thầy giáo, kỹ năng và kiến thức không được dạy mà tất cả học viên phải tự tìm hiểu, chúng tôi nhận ra rằng điều này cũng giống như thực tế công việc mình làm hằng ngày. Mình có mục tiêu cần hoàn thành và phải tự tìm cách thực hiện cùng với đội ngũ của mình; nếu không tận dụng sức mạnh của đội, nhóm để cùng nhau giải quyết thì tất cả đều thất bại”.

 

Cựu học sinh này cho biết thêm, sau khi chia lớp thành những nhóm nhỏ 5-6 người để học với nhau thì tình hình bắt đầu thay đổi. Những vấn đề mà một người không giải được sẽ đưa ra trong nhóm cùng thảo luận và hợp sức trả lời cho đến khi mọi thành viên cùng hiểu thấu đáo mới thôi. “Khi vấn đề đặt ra được giải quyết triệt để, các câu hỏi tại sao cũng bắt đầu trở nên sáng hơn với chúng tôi và học viên không còn hoang mang với phương pháp mới…”, Hoạt chia sẻ.

 

Trên thực tế, cách đào tạo mới của Viettel phản ánh những thách thức mà tập đoàn này gặp phải trong quá trình trở thành một công ty toàn cầu. Ngay cả lãnh đạo giỏi nhất của Viettel cũng không thể biết trước được những vấn đề mình sẽ gặp phải khi kinh doanh tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Cũng vì thế, họ muốn trang bị cho nhân viên của mình nguyên lý giải quyết vấn đề trong mọi trường hợp chứ không phải dạy kiến thức và kỹ năng, điều mà họ phải thường xuyên tự bồi đắp.

 

“Trong chiến lược trở thành công ty toàn cầu giai đoạn 2011-2015, vấn đề bổ sung nhân sự quản lý là tối quan trọng với Viettel và công tác đào tạo được ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi đang tìm kiếm ứng viên phù hợp cho vị trí Phó giám đốc và Trưởng phòng của Trung tâm đào tạo tập đoàn - 2 chức danh rất quan trọng trong chiến lược con người của Viettel.

 

Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều người chia sẻ với triết lý đào tạo mới của mình và gia nhập Viettel để cùng nhau tạo nên một công ty toàn cầu thành công của Việt Nam”, một lãnh đạo cấp cao của tập đoàn này chia sẻ.

 

Nguyễn Thành