3 học sinh làm mũ chống dịch Covid-19 được Thủ tướng và WHO khen ngợi
(Dân trí) - "Mũ cách ly di động phòng dịch Covid-19 Vihelm" của 3 học sinh người Việt cho phép tiến hành "cách ly di động", dựa trên các yêu cầu hành động chống dịch Covid-19 của WHO.
Tổ chức Y tế Thế giới khen ngợi sản phẩm mũ chống dịch Covid-19
Đỗ Trọng Minh Đức (sinh năm 2003, học sinh Monvertde Academy, Florida, Mỹ), Trần Nguyễn Khánh An (sinh năm 2006, học sinh Trường THCS Chu Văn An, Hà Nội) và Nguyễn Hoàng Phúc (sinh năm 2007, học sinh Trường quốc tế Pháp Lfay Hà Nội) là nhóm tác giả của sản phẩm sản phẩm "Mũ cách ly di động phòng dịch Covid-19 Vihelm" vừa giành Giải thưởng "Tuổi trẻ sáng tạo" toàn quốc năm 2020.
Nhóm các nhà sáng chế trẻ này tin tưởng rằng sản phẩm mũ Vihelm đã thỏa mãn 3/5 yêu cầu hành động chống dịch Covid-19 của WHO.
Cụ thể, WHO kêu gọi công dân toàn cầu thực hiện "5 hành động anh hùng" chống dịch Covid-19 gồm: Keep your distance (Giữ khoảng cách); Don't touch your face (Đừng chạm tay vào mặt bạn); Stay home (Ở nhà); Sneeze into your elbow (Hắt hơi vào khủyu tay của bạn); Wash your hands (Rửa tay).
Chiếc mũ Vinhelm giúp người đội không cần giữ khoảng cách vật lý, vẫn có thể chạm vào mặt, mọi người vẫn có thể ra ngoài làm việc, giao tiếp. Nhờ vậy, người dùng mũ vẫn an toàn với dịch bệnh như yêu cầu giãn cách xã hội, nhưng lại không làm gián đoạn công việc hàng ngày.
Tại buổi họp tại WHO Việt Nam ngày 4/11/2020, Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam và các chuyên gia khác chúc mừng nhóm sáng chế trẻ đã tạo ra chiếc mũ Vihelm với tư duy sáng tạo và đưa ra những lời khuyên thiết thực cho nhóm sáng chế. WHO Việt Nam cho rằng thiết bị này có tiềm năng sử dụng trong môi trường cần phải cách ly và môi trường ô nhiễm, độc hại.
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá sáng chế của nhóm học sinh Việt Nam sẽ truyền cảm hứng cho ngày càng nhiều thanh niên trong nước đóng góp vào cuộc chiến chống lại Covid-19.
Ý tưởng của sản phẩm này xuất phát từ thực tế nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 trong cộng đồng ở Việt Nam và sự vất vả y bác sĩ tuyến đầu trong thời gian qua.
3 nhà sáng chế trẻ đặt ra vấn đề làm cách nào để mọi người tiếp xúc gần nhau mà không bị lây nhiễm; người dùng có thể chạm tay vào mặt, gãi ngứa, ăn uống mà vẫn đảm bảo an toàn.
Mặt khác, nhóm tác giả cũng nghiên cứu giải pháp để khi sử dụng Vihelm, người dùng có thể đi ra ngoài mà không bị virus tấn công hay mang virus truyền cho người khác.
Nhóm tác giả chia sẻ với PV Dân trí: "Để có được hướng đi và giải pháp thiết thực nhất dựa trên khuyến nghị 5 hành động chống dịch Covid-19 của WHO, nhóm đi tìm và phân tích xem còn cách nào tốt hơn để gắn liền với mong muốn của người dân trong đại dịch là vẫn có thể hoạt động kinh tế bình thường được.
Cùng với đó, để có nền tảng kiến thức sâu rộng về khoa học và thực tiễn, chúng em đã tìm hiểu thông tin trên các tạp chí khoa học công nghệ, hay nguyên lý khoa học vị nhân sinh".
Sáng chế vì cộng đồng, đã đăng ký bản quyền, sẵn sàng chia sẻ phi lợi nhuận
Mũ chống dịch Covid-19 Vihelm được 3 nhà sáng chế chưa tròn 18 tuổi áp dụng cấu trúc của PAPR (mặt nạ phòng độc chạy bằng năng lượng điện hoặc pin - PV) và gắn thêm 1 găng tay đặc biệt ở đáy mũ.
Khi người dùng xỏ tay vào găng, đường hô hấp vẫn giữ cách ly với môi trường bên ngoài nhưng tay lại nằm bên trong mũ để có thể gãi mặt, dụi mắt, ăn uống... đem lại sự tiện lợi cao nhất, giúp loại bỏ các nhược điểm truyền thống của PAPR.
Chiếc mũ bảo hộ che kín đường hô hấp, được bơm không khí liên tục qua một màng lọc giúp ngăn chặn và không để virus đi xuyên qua trong khi đội. Sản phẩm cũng được thiết kế một hệ thống quạt làm thoáng khí, không gây đọng hơi nước bên trong, do đó không làm ảnh hưởng tầm nhìn của người dùng.
Khi người cần cách ly, đội chiếc mũ này là có thể đi lại, làm việc như bình thường, với nguy cơ lây nhiễm giảm tới 99,9%. Ngoài ra, người dùng có thể đội mũ trong suốt 1 ca làm việc 4 tiếng mà không lo ngứa hay nóng, thậm chí có thể ăn uống các thức ăn chứa trong mũ.
Tác giả Minh Đức chia sẻ về quá trình nghiên cứu mũ Vihelm: "Với vai trò là đội trưởng, phải tìm hiểu thông tin chung về kiến thức khoa học, các dữ liệu thông tin về sở hữu trí tuệ của quốc tế, đặc biệt là Mỹ.
Em cùng Khánh An và Hoàng Phúc đã dành nhiều thời gian chuyên tâm cho nghiên cứu, thuyết minh về sản phẩm. Có những ngày cao điểm, chúng em phải làm việc đến 1,2 giờ sáng.
Các ấn phẩm truyền thông, video liên quan đến việc giới thiệu và mô tả về sản phẩm để đi thi ICAN 2020 và thuyết trình trước UNDP, WHO hay Techfest, Liên hoan Tuổi trẻ Việt Nam sáng tạo... đều do nhóm tự lập kịch bản, tự tay thiết kế, dàn dựng video.
Có lúc em bị ảnh hưởng đến các môn học online ở trường, em ưu tiên dành thời gian cho việc nghiên cứu nên phải cải thiện kết quả học tập sau".
Khánh An, nữ tác giả sản phẩm chia sẻ: "Tương lai, em cùng với nhóm mong muốn sẽ phát triển chiếc "mũ cách ly di động" trở thành chiếc mũ thông minh vừa phòng bệnh, vừa bảo vệ người dùng, vừa có thể kết nối dữ liệu.
Thêm nữa, nhóm em rất muốn có thể cải tiến sản phẩm thành "mũ bảo hộ kiêm mũ bảo hiểm" tránh khói bụi, độc hại, sẽ rất có ích cho người đi xe máy ở Việt Nam và giúp cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ".
Dáng nói là, nhóm các nhà sáng chế trẻ này đã chủ động chia sẻ CC Lience để bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có thể tự khai thác thiết kế đưa vào sử dụng.
Theo giải thích thêm của Minh Đức, em cho rằng: "Nếu sản phẩm được đưa vào quá trình sản xuất đại trà, em mong và tin rằng hầu hết các tổ chức hoặc cá nhân người dùng sẽ thích mua sản phẩm này được sản xuất ở Việt Nam chất lượng tốt, giá thành rẻ.
Tuy nhiên, em và nhóm sẽ không chú trọng vào thương mại hóa bởi chúng em hiện tại với mục tiêu duy nhất là nâng cấp sản phẩm sao cho tối ưu và sẽ hiệu quả trong bối cảnh đại dịch Covid-19".
Sản phẩm đã được các nhà sáng chế trẻ đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ tại Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Đồng thời, các nhà sáng chế trẻ cũng đang tiến hành đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ thế giới theo luật pháp quốc tế và sự hướng dẫn của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO.