1,4 tỷ USD đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2021
(Dân trí) - "Tổng số tiền đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2021 đạt 1,4 tỷ USD. Trong đó, khoảng 90% là vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài", anh Thẩm Trung Hiếu cho hay.
Ngày 1/10 tại Hà Nội, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo "Cơ chế, chính sách để tạo sự bứt phá cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam".
Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp Quốc gia 2022 nhằm tạo ra không gian trao đổi, chia sẻ giữa các bộ, ban, ngành, các cơ quan trung ương, địa phương và thanh niên về các cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên thuận lợi trong các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Đồng thời, hội thảo cũng góp phần cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp Việt Nam từng bước tiệm cận với mặt bằng chung của khu vực và thế giới.
Hội thảo cũng hướng tới việc lắng nghe ý kiến các đại biểu về các đề xuất sáng kiến, giải pháp, đóng góp trực tiếp cho mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam, cũng như, đề xuất các chính sách tạo động lực để thúc đẩy đất nước vượt lên thách thức sau đại dịch, phát triển bền vững, thịnh vượng vào năm 2045.
Hội thảo có sự tham gia đối thoại của các đại diện đến từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Cục Đầu tư nước ngoài, Cục Phát triển doanh nghiệp, Vụ Pháp chế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy sự quan tâm của các bên liên quan cho hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo nói chung và thanh niên khởi nghiệp nói riêng.
Chia sẻ tại hội thảo, Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: "Hội thảo sẽ là cầu nối giữa thanh niên khởi nghiệp, nhà đầu tư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý, đại diện các bộ, ban, ngành để cùng nhau đánh giá những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên".
Ông Nguyễn Hải Minh, Trưởng ban Đoàn kết tập hợp thanh niên Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam cho biết: "Hội thảo năm nay thu hút sự quan tâm đông đảo của dư luận xã hội và sự tham gia trực tiếp của hơn 150 đại biểu trong đó bao gồm 10 đại diện cơ quan nhà nước tham gia đối thoại, 100 đại biểu là thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu và đại diện các doanh nghiệp lớn, quỹ đầu tư, tổ chức quốc tế".
Hội thảo có 2 tham luận chuyên sâu về "Tổng quan và thực trạng cơ chế, chính sách dành cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam", "Một số rào cản và kiến nghị giải pháp nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam" đến từ các chuyên gia và đại diện thanh niên khởi nghiệp.
Tiếp đó là phiên đối thoại chính sách về "Cơ chế, chính sách để tạo sự bứt phá cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam" được các đại biểu thảo luận sôi nổi.
Nhiều chủ đề được đưa ra, tập trung vào cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài cũng như khu vực tư nhân trong nước cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cụ thể như: cơ chế đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, các quỹ đầu tư; một số vướng mắc, tồn tại của Nghị định 38/2018/NĐ-CP về giới hạn số lượng nhà đầu tư hiện nay hay giới hạn về hoạt động được thực hiện đầu tư và kiến nghị cần mở rộng nội dung cho vay do đây là một bước thông thường trong hoạt động đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (khoản vay chuyển đổi), cũng như tối ưu nguồn vốn nhàn rỗi chưa đầu tư của quỹ.
Tham luận tại hội thảo, anh Thẩm Trung Hiếu - đại diện Quỹ đầu tư ThinkZone nêu lên những vấn đề "điểm nghẽn cổ chai" cần phải giải quyết để thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung vào hai vấn đề: Khơi thông nguồn vốn tư nhân đầu tư vào doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Tăng khả năng áp dụng thực tiễn của các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Anh Hiếu cho hay: "Nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm đóng vai trò chủ đạo trong việc cấp vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Tổng số tiền đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2021 đạt 1,4 tỷ USD. Trong đó, khoảng 90% là vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài".
Theo anh Hiếu, con số 90% nói trên là do ThinkZone thống kê. Nhìn vào đó, anh Hiếu cho rằng, với tỷ trọng lớn trong nguồn vốn đầu tư vào doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, các quỹ nước ngoài cần được khai thông cơ chế.
Những "điểm nghẽn" được anh Hiếu liệt kê ra cụ thể như: Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân; Quỹ đầu tư chỉ được phép do tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập; Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không được đầu tư quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Quỹ đầu tư phải kê khai các ngành nghề của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo mà quỹ đầu tư sẽ thực hiện đầu tư...
Tham gia phần đối thoại, các đại biểu cũng chia sẻ và đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam xem xét, nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia phát triển trên thế giới về việc đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, ví dụ điển hình là Singapore với nhiều năm liền đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương với vị trí thứ 8 toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo và là quốc gia dẫn đầu khu vực về hoạt động đầu tư mạo hiểm.
Chính phủ Singapore đã đóng một vai trò tích cực trong kết quả này thông qua việc trực tiếp tạo ra các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc đóng vai trò là nhà cùng đầu tư (matching fund) thông qua các tổ chức khu vực công.
Một ví dụ khác là UAE trong thời gian gần đây có nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích nền kinh tế đổi mới sáng tạo. Tiểu vương quốc Dubai đã khởi động chiến lược kinh tế đổi mới sáng tạo với mục tiêu tăng gấp đôi mức đóng góp của các ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo vào GDP, từ 2,6% năm 2020 lên 5% vào năm 2025.
Dubai sẽ cung cấp các gói giải pháp linh hoạt, đi kèm các ưu đãi vào các trung tâm đổi mới sáng tạo tiên tiến, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để duy trì tốc độ phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ.
Chủ đề khác cũng được Hội thảo rất quan tâm về bộ chỉ số doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (BII) và khung chỉ số đo lường đổi mới sáng tạo khu vực công trong các cơ quan trung ương và địa phương (PSII) do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc xây dựng.
Đây là những bộ chỉ số quan trọng giúp Việt Nam đánh giá được thực trạng đổi mới sáng tạo trong khu vực công cũng như khu vực tư và từ đó có những giải pháp, chính sách phù hợp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp toàn nền kinh tế.
Đồng thời, đại diện các quỹ đầu tư, doanh nghiệp, cộng đồng thanh niên khởi nghiệp đề xuất Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn về việc thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp có nguồn vốn tư nhân và nhận các chính sách ưu đãi như quy định tại Luật Đầu tư năm 2020.
Bên cạnh đó, những vấn đề về chính sách dành cho thanh niên khởi nghiệp đến từ Trung ương Đoàn cũng được chia sẻ tại hội thảo này. Nhiều câu hỏi được các đại biểu đưa ra thảo luận với mục đích đề xuất những giải pháp, kiến nghị mang tính thực tiễn.