Thí sinh lớn tuổi nhất dự Nhân tài Đất Việt năm 2015
Phần mềm “độc nhất vô nhị” Cách đây 10 năm, ông Nguyễn Anh Kiệt và đồng sự Trần Việt Hưng đã giành được giải Triển vọng trong giải Nhân tài Đất Việt năm 2005, cho sản phẩm “Bản hòa âm tự động” (Midi Utility). Ý tưởng viết phần mềm này đã được ông Nguyễn Anh […]
Phần mềm “độc nhất vô nhị”
Cách đây 10 năm, ông Nguyễn Anh Kiệt và đồng sự Trần Việt Hưng đã giành được giải Triển vọng trong giải Nhân tài Đất Việt năm 2005, cho sản phẩm “Bản hòa âm tự động” (Midi Utility). Ý tưởng viết phần mềm này đã được ông Nguyễn Anh Kiệt đề xuất từ năm 1995, mãi đến năm 2005 mới hoàn thiện.
Thời điểm ấy, trên thế giới đã có những phần mềm có khả năng hòa âm tự động đang lưu hành trong giới nhạc sĩ và những người chơi nhạc nghiệp dư như: Band in a Box của hãng PGMusic, Jammer Sound Maker của hãng SoundTrek, Mỹ; XGWorks của Yamaha, Nhật Bản… Tuy nhiên, phầm mềm Midi Utility của nhóm tác giả Việt Nam ra đời có những tính năng vượt trội, nhanh, gọn và hiệu quả hơn.
Nếu như các phần mềm đã có của các nước khác yêu cầu người sử dụng phải tự mình nhập hợp âm cho từng nhịp của bài hát, tức phải có kiến thức âm nhạc nhất định thì Midi Utility lại không cần.
Thậm chí, Midi Utility có thể dựa vào các nốt nhạc trong giai điệu của bạn để tìm các hợp âm thích hợp, có thể tự tạo ra phần dạo đầu (Intro), tự biết dồn trống (Drum Fill), tự tạo thêm bè và biết cách kết thúc bản nhạc (Ending)…
Ông Nguyễn Anh Kiệt cùng đồng sự thử nghiệm phiên bản mới của phần mềm Midi Utility.
“Sau khi bạn đã nhập xong các nốt nhạc của giai điệu, nó sẽ giúp bạn tạo ra phần hòa âm chỉ trong vài giây đồng hồ theo các điệu bạn muốn như Cha-Cha, Disco, Rhumba, Tango… Đây là phần mềm tự động hòa âm có chế độ tự động soạn hòa âm theo giai điệu. Người dùng Midi Utility chỉ cần kiến thức sơ đẳng về nhạc lý và tin học văn phòng. Không đầy 10 giây, phần mềm cho ra một bản hòa âm hoàn chỉnh”, ông Nguyễn Anh Kiệt cho biết.
Chính vì những tính năng vượt trội đó mà sau khi đoạt giải Nhân tài Đất Việt năm 2005, Midi Utility đã được Microsoft đứng ra bảo đảm chất lượng, đưa lên trang web của hãng để bán.
Không dừng lại đó, nhóm tác giả tiếp tục nghiên cứu, phát triển và cải tiến Midi Utility. Sau 10 năm, 3 tác giả Nguyễn Anh Kiệt, Trần Việt Hưng và Võ Công Diện đã hoàn thành và ra mắt phiên bản X6 của Midi Utility. Điểm nổi bật của phiên bản X6 là phần mềm có thể điều khiển được các thiết bị MIDI bên ngoài như đàn (các dòng Yamaha, Korg, Roland), hộp tiếng, hộp đệm…
“Sau 10 năm phát triển, chúng tôi tự đánh giá sản phẩm đã có một bước tiến rất độc đáo nên năm nay quyết định đăng ký dự thi giải Nhân tài Đất Việt 2015 với kỳ vọng sản phẩm sẽ đạt giải cao hơn 10 năm trước”, ông Võ Công Diện cho biết.
Các tác giả khẳng định sản phẩm này hiện nay là độc nhất vô nhị trên thế giới. Tác giả Võ Công Diện chia sẻ: “Đây là phần mềm điều khiển được cây đàn đánh đàn, trong khi trên thế giới cũng có những công nghệ tương tự nhưng chỉ là phần cứng, tức là tạo ra một con robot đánh đàn. Việc dùng phần mềm hòa âm tự động để điều khiển cây đàn tự đàn được là công nghệ mà hiện tại trên thế giới chưa có.
“Sản phẩm này không chỉ độc đáo mà còn có tính ứng dụng rất lớn vì không phải nhạc sĩ chuyên nghiệp nào cũng biết chơi đàn giỏi và hòa âm phối khí tốt. Đồng thời, nó sẽ hỗ trợ rất tốt cho các nhạc sĩ khi sáng tác ca khúc, kể cả người không am hiểu về đàn cũng sẽ tiếp cận với nhạc lý tốt hơn, học đàn, giảng dạy thanh nhạc, làm demo cho các sinh viên âm nhạc…”, ông Diện cho biết thêm.
Theo các tác giả, phiên bản mới này có nhiều bước tiến nhảy vọt so với phiên bản 10 năm trước. Phiên bản trước chỉ tạo ra những bản nhạc nghe cho vui, còn lần này có thể tạo ra những sản phẩm âm nhạc chuyên nghiệp. Mong muốn của cả nhóm tác giả là sản phẩm sẽ được thương mại hóa và phổ biến rộng rãi hơn. Hiện tại, nhóm đang làm thủ tục để đăng ký sở hữu quốc tế cho sản phẩm này.
Sản phẩm của đam mê
Ở tuổi 62, thay vì nghỉ ngơi thì ông Nguyễn Anh Kiệt lại dành thời gian để hoàn thiện sản phẩm mà ông đã đeo đuổi suốt 20 năm qua.
Ông kể: “Là một chuyên gia về công nghệ thông tin nhưng tôi rất thích âm nhạc. Vào năm 1995, dù không biết chơi đàn nhưng tôi thường lên internet để tìm cách tạo những bản nhạc. Tôi dùng máy tính để tạo những bản hòa âm phối khí. Lúc đó, tôi sử dụng một phần mềm của nước ngoài (Band in box). Tuy nhiên, phần mềm yêu cầu nhập hợp âm cho từng nhịp trong khi tôi không biết hợp âm gì”.
Với dàn máy vi tính cũ kỹ và hệ thống loa loại trung, ông Kiệt không ngừng tìm tòi sáng tạo để phát triển phầm mềm của mình.Vì vậy, ông Kiệt nảy ra ý định viết phầm mềm soạn luôn hợp âm để tiện cho những người “mù nhạc” như mình. Từ ý nghĩ đó, ông bắt đầu mày mò nghiên cứu và viết chương trình soạn hợp âm.
Đem ý tưởng của mình “tung” lên mạng Trí tuệ Việt Nam, ông Kiệt nhận được phản hồi tích cực của kỹ sư Trần Việt Hưng ở Hà Nội – một người cũng rất say mê công nghệ thông tin và âm nhạc.
Thế là kẻ Nam, người Bắc liên tục trao đổi ý tưởng, công việc soạn thảo phần mềm viết nhạc mà cả 2 yêu thích qua email. Cứ như vậy, hơn một năm sau bản thử nghiệm đầu tiên ra đời nhưng còn nhiều thiếu sót. Hai tác giả kiên trì theo đuổi đam mê, sửa chữa từng chút một để có phần mềm Midi Utility hoàn chỉnh đoạt giải triển vọng của nhân tài đất việt 2005.
Ông Kiệt cho biết: “Vì là dân không chuyên về âm nhạc nên chúng tôi phải đọc rất nhiều sách và tài liệu liên quan tới hoà âm, cũng như tham khảo thêm kinh nghiệm thực tế của một số nhạc sĩ phối khí chuyên nghiệp. Từ đó rút ra quy luật chung nhất cho hoà âm để viết nên phần mềm này”.
Sau năm 2005, sự xuất hiện của thành viên mới của nhóm giúp phần mềm có cơ hội phát triển toàn diện hơn. Ông Võ Công Diên là nhạc sĩ, dạy bộ môn sáng tác nhạc và hòa âm phối khí. Ban đầu ông là khách hàng, quan tâm sử dụng sản phẩm Midi Utility để phục vụ công việc. Thấy phần mềm quá hữu ích nhưng còn nhiều tiềm năng phát triển, ông đã tham gia nhóm sáng tạo và đưa ra những góp ý về mặt chuyên môn âm nhạc để phần hòa âm của phần mềm hoàn thiện và chuyên nghiệp hơn.
Ông Nguyễn Anh Kiệt tâm sự: “Nhiều người cho là nghỉ hưu sẽ buồn chán vì không có việc gì làm. Còn tôi thì lại thấy làm hứng khởi hơn. Trước đây, khi chưa nghỉ hưu, tôi tranh thủ nghiên cứu khi không phải làm việc chính. Còn giờ đây, tôi được toàn thời gian để nghiên cứu những gì mình đam mê”.
“Điều quan trọng là phải đam mê! Điều này quyết định nghiên cứu của chúng tôi thành công hay không”, ông Kiệt nhấn mạnh.
Theo ông Kiệt, giải thưởng Nhân tài Đất Việt là nơi để những nhà nghiên cứu như ông báo cáo thành quả của quá trình nghiên cứu sáng tạo. Ông nói: “Giải thưởng Nhân tài Đất Việt là ý tưởng rất hay, khuyến khích sự sáng tạo của mọi người. Đặc biệt, tiêu chí không biệt tuổi tác là điều rất tuyệt vời. Giải thưởng còn có đội ngũ giám khảo là những giáo sư, viện sĩ, tiến sĩ vô cùng uy tín. Họ có những góp ý cho những tác giả dự thi như tôi, chấp cánh cho những sản phẩm công nghệ hoàn thiện và ứng dụng tốt hơn”.
Theo Lê Phương / dantri.com.vn