Sản phẩm: Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng cơ thể người phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khỏe
Lĩnh vực dự thi: Sản phẩm CNTT Tiềm năng
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở Việt Nam hiện nay có hơn 32 trường Đại học, 42 trường Cao đẳng và 49 trường Trung cấp có đào tạo khối ngành Y dược. Đối với chương trình đào tạo các học phần (nội dung) giải phẫu là một trong những môn cơ bản và có vai trò quan trọng nhất. Giải phẫu học là môn cơ sở cũng như các môn lâm sàng của y học. Không thể hiểu được cấu tạo tế bào của từng mô, từng cơ quan (mô học), không thể hiểu được sự phát triển của từng cá thể (phôi thai học), cũng như chức năng của từng cơ quan (sinh lý học) … nếu người học không biết gì về hình thái, cấu trúc của các cơ quan đó. Đối với các môn lâm sàng cũng vậy, người thầy thuốc cần phải có kiến thức giải phẫu mới có thể thăm khám các phủ tạng để chẩn đoán cũng như điều trị có kết quả.
Vì vậy, đúng như Mukhin, một thầy thuốc Nga nói: “Người thầy thuốc mà không có kiên thức về giải phẫu học thì chẳng những vô ích mà còn có hại”. Đặc biệt với các môn học hệ ngoại – sản, kiến thức giải phẫu học lại càng cần thiết. Không thể mổ xẻ tốt trên người sống nếu không nắm vững giải phẫu từng cơ quan, từng bộ phận cũng như từng vùng. Nhà giải phẫu học nổi tiếng người Pháp Testut đã từng viết trong cuốn sách giải phẫu học đồ sộ của mình rằng: “Có thể khẳng định mà không sợ quá đáng là chỉ có trường phái giải phẫu và đặc biệt là giải phẫu định khu mới là nơi đào tạo những nhà phẫu thuật giỏi”.
Theo GS. Trịnh Văn Minh: “con người đứng vững bằng đôi bàn chân, Y học bắt đầu từ giải phẫu học”… Môn học này đòi hỏi phải học trực tiếp trên xác người, tuy nhiên qua dữ liệu khảo sát của nhóm tác giả cho thấy thực trạng hiện nay chỉ có chưa tới 10% cơ sở đào tạo có xác người cho sinh viên thực tập. Ngoài một số trường Đại học lớn, trọng điểm như: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y Huế. Các trường còn lại sinh viên tiếp cận môn học chủ yếu qua mô hình, tranh, hình ảnh 2D và tiêu bản hoặc dùng các phần mềm của nước ngoài.
Nhược điểm của những phương pháp này là:
– Việc học trên tiêu bản, tranh và hình ảnh 2D: không đảm bảo tính đầy đủ, chi tiết, hạn chế về tương tác, sinh viên phải tiếp cận hoàn toàn thụ động.
– Việc sử dụng mô hình: Chi phí đầu tư lớn, khó khăn trong việc tích hợp thông tin, những vùng giải phẫu phức tạp thì không đáp ứng được.
– Học trên phần mềm nước ngoài: Ngôn ngữ thể hiện hầu hết là tiếng nước ngoài, mô hình mẫu người là chủng người phương Tây, khó khăn khi cần tùy chỉnh hoặc cập nhật mới, đòi hỏi chi phí bản quyền cao (đối với phần mềm bản quyền), tính chính xác về dữ liệu giải phẫu và hình ảnh giải phẫu (phần mềm miễn phí, phần mềm mã nguồn mở), hạn chế về cách thức tương tác (chỉ hình ảnh, hoặc văn bản, hoặc mô hình 3D không đầy đủ, chỉ xem được trên 1 trong những máy tính hoặc chỉ điện thoại).
– Thực hành trên xác: Trải qua nhiều lần thực hành mổ xẻ và bị sử dụng trong nhiều ngày, dẫn đến các chi tiết trên xác không còn nguyên vẹn, các bộ phận bị hư hỏng, biến dạng. Phần khác vì xác người dành cho giải phẫu ngày càng khan hiếm do nguồn hiến tặng ít, và vì văn hóa và tín ngưỡng của người Việt Nam.
Vì vậy việc tìm kiếm giải pháp để tiếp cận môn học giải phẫu thuận lợi hơn, hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí hơn đối với người dạy đang là bài toán đặt ra hiện nay. Mục tiêu của nhóm tác giả là sử dụng công nghệ mô phỏng 3D thực tại ảo để mô phỏng hệ cơ thể người, với đầy đủ các hệ cơ quan như: hệ xương, hệ cơ, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, hệ hô hấp, tiêu hóa, hệ bài tiết và sinh dục, các tuyến và hạch, bao gồm đầy đủ các chi tiết giải phẫu gần giống với cơ thể người thật nhất.
Nhóm tác giả: Trường ĐH Duy Tân
Lê Nguyên Bảo
Lê Văn Chung
Trịnh Hiệp Hòa
Lê Khắc Triều Hưng
Nguyễn Lương Thọ
Nguyễn Minh Đức
Lê Hoàng Quốc Bảo