Giải Nhì Nhân tài Đất Việt lĩnh vực CNTT triển vọng: “Quả” ngọt từ những nỗ lực vượt khó khăn!
Sau lễ trao giải Nhân tài Đất Việt 2015, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với Trưởng nhóm, PGS.TS Trần Xuân Tú. – Anh có thể chia sẻ cảm tưởng của nhóm sau khi giành giải Nhì CNTT triển vọng Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2015? Trưởng nhóm Trần Xuân Tú: Chúng tôi […]
Sau lễ trao giải Nhân tài Đất Việt 2015, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với Trưởng nhóm, PGS.TS Trần Xuân Tú.
– Anh có thể chia sẻ cảm tưởng của nhóm sau khi giành giải Nhì CNTT triển vọng Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2015?
Trưởng nhóm Trần Xuân Tú: Chúng tôi thấy rất vui và vinh dự khi được Ban Giám khảo ghi nhận công sức mà nhóm đã bỏ ra trong khoảng thời gian nghiên cứu 3 năm. Đây là đánh giá rất tốt về đóng góp của nhóm trong việc phát triển sản phẩm. Khi đạt giải Nhì, nhóm cũng nghĩ đây là cơ hội tốt để nhóm quảng bá sản phẩm đến với các doanh nghiệp, công ty quan tâm tới sản phẩm, tiếp tục phát triển thành những ứng dụng thực tiễn cho cộng đồng.
Trưởng nhóm tác giả Sản phẩm Vi mạch mã hoá tín hiệu video VENGME H.264/AVC, PGS.TS Trần Xuân Tú nhận giải Nhì lĩnh vực CNTT triển vọng từ Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son và Tổng Giám đốc Tập đoàn VinGroup, bà Dương Thị Mai Hoa. |
– Kế hoạch phát triển tiếp theo của nhóm đối với sản phẩm trong thời gian tới như thế nào?
Hiện nay nhóm đang tập trung tìm kiếm các giải pháp để thương mại hóa sản phẩm. Nhưng sẽ không phải là sản xuất các chip để bán đại trà mà nhóm sẽ tập trung vào hoàn thiện thiết kế giải pháp, từ đó thực hiện chuyển giao công nghệ. Trường Đại học mạnh về phát triển chất xám, các đóng góp về mặt trí tuệ, doanh nghiệp thì mạnh về khâu sản xuất và thương mại hóa sản phẩm. Nhóm mong muốn được kết hợp với các doanh nghiệp hàng đầu chẳng hạn như VNPT, đơn vị thành viên như VNPT Technology nghiên cứu phát triển sản phẩm điện tử rất tốt. Nhóm cũng mong muốn trong thời gian tới hai bên sẽ tích cực trao đổi, đưa sản phẩm với các ứng dụng thực tiễn vào cộng đồng.
– Cái khó của nhiều đơn vị nghiên cứu hiện giờ đó là vừa làm nghiên cứu lại vừa phải tìm cách thương mại hóa sản phẩm. Trong quá trình triển khai hợp tác, chuyển giao công nghệ với các đối tác, nhóm có thấy khó khăn cần nhận được hỗ trợ?
May mắn của mình đó là xuất thân trong một gia đình thương nghiệp, không chỉ có làm công tác nghiên cứu. Và may mắn thứ hai đó là trong thời gian làm việc ở Pháp, mình đã được làm việc trong một trung tâm nghiên cứu nhưng thực chất là một Tập đoàn chuyên về phát triển và chuyển giao công nghệ cho các Tập đoàn sản xuất. Trong thời gian 5 năm làm việc ở đó mình cũng có kinh nghiệm làm việc nhất định trong đàm phán để chuyển giao công nghệ, đưa vào ứng dụng thực tiễn.
Hiện nay mình cùng các thành viên trong nhóm cũng kết hợp hai con đường, một là với các đơn vị trong nước, hai bên sẽ cố gắng hợp tác phát triển sản phẩm để đưa sản phẩm vào ứng dụng thực tiễn. Mặt khác nhóm cũng thực đàm phán với một số đối tác nước ngoài. Sản phẩm của nhóm có chất lượng trình độ tương đương thế giới. Nhóm kỳ vọng sẽ đàm phán với một vài đối tác nước ngoài để chuyển giao.
Hiện nay nhóm đã trao đổi với một Trung tâm chuyển giao công nghệ lớn của Pháp để chuyển giao platform này cho họ. Thông qua đó họ lại chuyển giao ngược lại cho mình những tài trợ về nghiên cứu và đào tạo nghiên cứu sinh. Đó cũng là một thành công bước đầu và nhóm hy vọng trong tương lai tiếp tục có những kết quả như vậy.
– Khép lại một mùa thành công của Nhân tài Đất Việt. Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016 vừa được phát động. Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm để có thể giành Giải thưởng?
Cứ cố gắng làm tốt thì sẽ được xã hội ghi nhận. Châm ngôn hành động của nhóm là như vậy. Khi nhóm triển khai đề tài, mọi người cũng nói là sao không làm một cái gì nó dễ hơn một chút còn có người khác hỗ trợ được? Nhưng một phần là vì nhiệt huyết tuổi trẻ, khi mình về nước cũng muốn làm một cái gì đó to tát. Các thứ hai đó là môi trường Đại học cũng đòi hỏi khắt khe. “Anh” không thể sáng tạo lại cái bánh xe đạp, nói nôm na như là các nhà phát minh hai lúa, mà trường Đại học phải làm thế nào phải gia tăng được hàm lượng chất xám. Và nhóm cũng quyết tâm thực hiện đề tài này ở thời điểm ấy, mặc dù cũng nhận được cảnh báo sẽ rất khó khăn.
Nhóm đã kiên trì, bền bỉ và cũng phải thay đổi các thành viên để thực hiện các nghiên cứu, đến ngày hôm nay nghiên cứu đã hoàn thành. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, nhưng nhóm đã có được một sản phẩm kép. Về mặt khoa học có những công trình công bố nhận được các giải thưởng ở Hội nghị, Hội thảo, cũng đào tạo nghiên cứu sinh. Về mặt công nghệ, đã hoàn thiện được một sản phẩm mà có thể hướng tới chuyển giao và ứng dụng thực tiễn.
– Một lần nữa xin chúc mừng anh và nhóm đã giành Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2015. Chúc nhóm tiếp tục gặt hái thêm những thành công mới trong thời gian tới.
Sản phẩm Vi mạch mã hoá tín hiệu video VENGME H.264/AVC do nhóm 9 thành viên thuộc Phòng thí nghiệm mục tiêu Hệ thống tích hợp thông minh, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội tự nghiên cứu, thiết kế và hoàn thiện, do đó hoàn toàn chủ động về mặt công nghệ đối với sản phẩm vi mạch và các lõi xử lý IP cứng và mềm. Vi mạch mã hoá video VENGME H.264/AVC là vi mạch chuyên dụng thuộc thế hệ vi mạch cập nhật nhất hiện nay trên thế giới, có độ phức tạp rất cao, tích hợp khoảng 2 triệu cổng lô-gic (tương đương 8 triệu transistors), thực thi hầu hết các tính năng quy định bởi chuẩn với công suất tiêu thụ rất nhỏ. Trong quá trình nghiên cứu, ngoài việc tiếp cận, nắm vững công nghệ thiết kế để đáp ứng chức năng mã hóa theo chuẩn của vi mạch, nhóm nghiên cứu đã đề xuất ra kiến trúc phần cứng bộ mã hoá tín hiệu video VENGME H.263/AVC và phát triển một số giải pháp tối ưu riêng trong thiết kế như: kỹ thuật xử lý đường ống 4 tầng; phương pháp tái sử dụng dữ liệu; kỹ thuật tính toán trong quá trình truyền dữ liệu giữa các khối cơ bản; kỹ thuật thiết kế công suất thấp… Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra các kiến trúc tối ưu, độc đáo cho từng khối chức năng riêng biệt trong hệ thống, nhờ đó, sản phẩm có một số tính năng vượt trội so với các sản phẩm công nghệ cùng lĩnh vực ứng dụng đang được nghiên cứu và triển khai trên thế giới về hiệu năng, năng lượng tiêu thụ và giá thành thiết kế. Vi mạch này có thể xử lý thời gian thực các video có độ phân giải lên tới HD 720p ở tần số 100MHz với công suất tiêu thụ khá nhỏ (53mW). |
Hiền Mai (thực hiện)