CEO DKT chia sẻ bí quyết để khởi nghiệp thành công
Điểm mấu chốt để khởi nghiệp thành công chính là phải biết tận dụng cơ hội để bứt phá, cơ hội để truyền thông. Các team khởi nghiệp nên tham gia các Giải thưởng uy tín như Nhân tài Đất Việt, với các giải thưởng này, Bizweb không mất gì nhưng có được mọi thứ để bứt phá.
Thông tin trên được ông Trần Trọng Tuyến – CEO Công ty công nghệ DKT – trưởng nhóm phát triển nền tảng bán hàng trực tuyến Bizweb chia sẻ tại Hội thảo – Giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Giải thưởng Nhân tài đất Việt với Công nghệ sáng tạo, Kết nối thông minh” diễn ra sáng 26/7 tại tòa nhà VNPT, 57 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.
Theo ông Trần Trọng Tuyến, khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điên tử và các lĩnh vực khác cơ bản giống nhau về những khó khăn. Bởi khởi nghiệp thiếu đủ thứ: vốn, kinh nghiệm, thương hiệu, nên khó khăn lớn đầu tiên là chọn thị trường chuẩn, tập khách hàng phù hợp, tận dụng tối đa năng lực của team và sức mạnh của chính bản thân mình. Chọn sai thì không có cơ hội thành công. Thị trường rộng lớn có nhiều cơ hội nhưng năng lực của chúng ta không đủ để theo đuổi cơ hội đó thì nên chọn những cơ hội cụ thể trong thị trường ngách.
Thứ hai là xây dựng team ban đầu phải có một thủ lĩnh – đây là yếu tố quan trọng để tạo lòng tin với những người còn lại, tạo ra định hướng chung của một team, thuyết phục những người mình biết để tham gia team về tính khả thi cho ý tưởng của mình. Do đó hãy làm việc ăn ý, và bổ trợ cho nhau.
Thứ ba là phải tận dụng được cơ hội để bứt phá, cơ hội để truyền thông. Ban đầu các team khởi nghiệp không được nhiều người biết đến, không có tiền làm thương hiệu. Do đó, nên tham gia các giải thưởng uy tín như NTĐV, với các giải thưởng này, Bizweb không mất gì nhưng có được mọi thứ để bứt phá.
Đó chính là 3 điểm mấu chốt để Bizweb thành công trong lĩnh vực thương mại điện tử được CEO Trần Trọng Tuyến chia sẻ tại Hội Thảo – Giao lưu.
“Nói về những bước tăng trưởng vượt bậc của Bizweb kể từ sau khi đạt giải Ba Nhân tài Đất Việt 2013, tôi có thể chứng minh cho bạn bằng con số thực tế. Cụ thể, Vào thời điểm tham dự NTĐV năm 2013, Bizweb có khoảng 4.000 khách hàng, giờ là 40.000 khách hàng doanh nghiệp, tăng trưởng liên tục trên 2 lần sau mỗi năm. Đạt giải thưởng NTĐV là rất quan trọng với Bizweb, đây là cơ hội rất lớn để hoàn thiện, phát triển vượt bậc và có được các cơ hội tiếp theo. Giải thưởng là rất may mắn đối với chúng tôi”, ông Tuyến nói.
Ngoài ra, những góp ý của Ban Giám khảo Giải thưởng NTĐV – những chuyên gia đầu ngành đã giúp Bizweb thay đổi rất lớn về mặt công nghệ, thay đổi hoàn toàn về kiến trúc. “Các bạn có thể hình dung Bizweb 2013 giống như điện thoại Nokia thì giờ là smartphone Android và iOS với khả năng đáp ứng linh hoạt hơn rất nhiều. Đó là một trong những giá trị rất lớn sau khi chúng tôi tham dự và đạt giải Ba NTĐV 2013. Nếu ngày đó chúng tôi không tham dự thì quan điểm của chúng tôi vẫn giữ nguyên và không thể có cơ hội phát triển như bây giờ” ông Tuyến cho biết thêm.
Bên cạnh đó, tại Hội thảo – giao lưu, ông Tuyến cũng chia sẻ những kinh nghiệm để có thể thành công với các nhóm thí sinh có ý định tham dự giải thưởng NTĐV.
Theo ông Tuyến, đối với Bizweb, tham dự giải thưởng NTĐV là dịp rất may mắn. Khi tham gia mà không nỗ lực thì khó có cơ hội đạt giải một giải thưởng uy tín như NTĐV. Khi tham gia NTĐV, các nhóm thí sinh sẽ phải trải qua các vòng sơ khảo, khảo sát thực tiễn, bảo vệ trước những giáo sư đầu ngành, nên phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng.
Khi dự thi, điều đầu tiên các bạn phải chắc chắn là sản phẩm phải hoàn thiện, có tính khác biệt và có tính hữu ích cao. Phải lắng nghe những chuyên gia đầu ngành đưa ra các phản biện trái chiều và đừng ngại chia sẻ những ý tưởng đó để nhận được những góp ý hoàn thiện hơn sản phẩm của mình. Các sản phẩm phải được khách hàng chấp nhận và thị trường chấp nhận thì khả năng thành công sẽ rất cao.
Thứ hai , phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Bạn phải thể hiện cho mọi người thấy sản phẩm của bạn có giá trị thật sự, chuẩn bị kỹ hồ sơ.
Thứ ba là tham dự tự tin và linh hoạt. Điều này rất quan trọng, bởi BGK sẽ không trao giải thưởng cho một người mà không tự tin vào sản phẩm của họ.
Tuệ Minh – VnMedia