Trải nghiệm xanh của “Đại sứ môi trường Bayer 2010”
(Dân trí) - Một trong những thử thách thú vị bên cạnh những chuyến trải nghiệm khám phá tự nhiên của các “Đại sứ môi trường Bayer 2010” là hai bài tập yêu cầu các bạn thâm nhập vào đời sống người dân để tìm hiểu thực trạng môi trường và lối sống nơi đây.
Trong khuôn khổ chương trình “Đại sứ môi trường Bayer 2010” (Bayer Young Environmental Envoy - BYEE) năm nay, 10 bạn SV được phong danh “Đại sứ môi trường Bayer” đã có một tuần lễ trải nghiệm thực tế trong chuyến “Hội trại sinh thái” (được tổ chức từ ngày 23 - 28/08/2010, tại vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận). Một tuần khám phá thiên nhiên cùng hòa vào đời sống người dân và tìm hiểu về môi trường địa phương đã lưu lại trong các đại sứ những ký niệm không thể nào quên.
Các “Đại sứ môi trường Bayer” tìm hiểu về san hô trên bãi biển Thái An (Ninh Hải, Ninh Thuận)
Những trải nghiệm thú vị
Ngày đầu tiên của chuyến hành trình từ Tp. Hồ Chí Minh đến Ninh Thuận, đoàn đại sứ đã có dịp ghé rừng cao su Long Khánh (Đồng Nai) để bắt đầu bài tập đầu tiên “Tìm hiểu sự quan trọng của môi trường sống đối với sự tồn vong của các loài vật”. Các bạn đã lưu ký lại những cảm xúc của mình trong cuốn nhật ký hành trình mà Ban Tổ Chức đã dày công chuẩn bị bằng giấy tái chế.
Băng rừng quốc gia Núi Chúa.
“Mình cùng các bạn được hướng dẫn quan sát các loài cào cào, kiến, sâu,… sinh sống trong thảm cỏ của rừng cao su Long Khánh và sự nguỵ trang của chúng theo màu sắc của từng mảng đất, cây cỏ mới thấy các loài vật nhỏ bé cũng “thông thái” làm sao.
Những bài học về ngụy trang sinh tồn mà anh Nguyễn Trần Vỹ, chuyên gia đa dạng sinh học của Viện Sinh học Tp.HCM truyền đạt đã thực sự biến mình thành một “chuyên gia thực vật học”. Nhìn đâu, mình cũng thấy sự quan trọng của từng loại cây cỏ, thấy cái mối tương quan hỗ trợ giữa chúng và các loài côn trùng. Cũng với cái cảnh ấy, sao trước đây mình thấy nó vô nghĩa thế nhỉ?” đại sứ Trần Thị Lan Anh chia sẻ.
Thử thách ở những dốc đá cao.
Những trải nghiệm trở nên hấp dẫn hơn nữa trong chuyến hành trình ngày thứ hai đi dọc bãi biển Thái An (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). Các đại sứ có dịp tìm hiểu các hóa thạch san hô, các nhánh san hô bị sóng biển đánh vào bờ.
Thông qua các câu hỏi, ví dụ thực tế về điều kiện sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân nơi đây (như cách đào giếng có đường kính lớn, cách thức canh tác hành tỏi, trồng nho…), các bạn trẻ đã hiểu rõ hơn về điều kiện tự nhiên của vùng đất mệnh danh là “sa mạc Việt Nam” với lượng mưa trung bình thấp nhất cả nước.
Buổi chiều, xe của đoàn dừng lại ở giữa khu rừng quốc gia Núi Chúa. Sau hơn nửa giờ lủi rừng, Bãi Thịt hoang sơ hiện ra trong buổi chiều nước kiệt. Được sự hướng dẫn của các cán bộ quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa, các đại sứ men theo những bãi cát, đồi đá để đến vũng nước sâu và lặn … học bài học “Đa dạng sinh học”.
Cẩn thận mặc áo phao, mang kính lặn, toàn đoàn hăm hở bơi theo các chuyên gia và chăm chú quan sát quần thể sinh vật lung linh kỳ ảo dưới làn nước trong vắt. Dưới ấy là cả một hệ sinh thái phong phú với các loại san hô và bầy cá ngũ sắc chao lượn, các loài thân mềm và các loài giáp xác và đó là cả một bài học tuyệt vời về sự đa dạng của thiên nhiên, sự cộng sinh và tương trợ giữa các loài vật, sự hiển thị của hàn thử biểu về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, v.v..
Thỉnh thoảng, các bạn thích thú reo lên khi phát hiện ra các sinh vật rất quen thuộc như bạch tuộc, cầu gai,… sờ sờ còn sống ngay trước mắt mình. “Trước mắt mình hiện ra một thiên đường dưới lòng biển với muôn vàn những khối san hô đầy màu sắc.
San hô là một loài rất quan trọng trong hệ thực vật ở biển. Thế nhưng khi đọc được chia sẻ của tiến sỹ khoa học Nguyễn Tác An, Viện trưởng Viện Hải Dương học Việt Nam từng cảnh báo rằng mỗi năm nước ta mất hơn 50 tấn san hô chưa kể lượng san hô đen ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ninh, Hải Phòng.
Theo đà này 20 năm nữa san hô sẽ không còn trong vùng biển Việt Nam. Mình không khỏi bàng hoàng và trăn trở về vai trò của những người trẻ như mình có thể làm được gì để góp phần bảo vệ tài nguyên của đất nước?” đại sứ Trần Hà My tâm sự.
Lặn biển khám phá rặng san hô.
Cuối buổi lặn, các bạn lại tiếp tục lần ngược con đường ven biển, men theo các bãi biển còn trơ ra sau khi thủy triều rút xuống để tiếp tục bài học. Mới nhìn, chỉ có san hô xanh mét và cơ man nào là rong biển xám xịt. Vậy mà, dưới bàn tay chuyên gia, từng mớ rong được vạch ra, để lộ cả một thế giới sinh vật biển cực kỳ phong phú.
Những con cá biển nhỏ hoảng hốt nấp mình trong hốc đá; những chú sao biển rụt rè loăng quoăng kiếm ăn, con sên biển í ạch một chỗ, con hải sâm lười biếng chỉ chực phóng “hỏa mù” vào đối thủ, và biết bao nhiêu là loài rong biển.
Tất cả tạo nên thành một thế giới sống động, to lớn.“Cũng cảnh vật này, trước đây, khi đi du lịch ở Nha Trang, Vũng Tàu hay Phan Thiết, mình chỉ thấy nó “xấu xấu” sao ấy! Giờ thì mình hiểu chúng nhiểu hơn rồi và chắc chắn mình sẽ không dẫm đạp lên chúng vô tội vạ nữa đâu!” đại sứ Phạm Du Linh chia sẻ.
Bài học môi trường thu hoạch từ đời sống
Một trong những thử thách thú vị bên cạnh những chuyến trải nghiệm khám phá tự nhiên của các “Đại sứ môi trường Bayer 2010” là 2 bài tập yêu cầu các bạn thâm nhập vào đời sống người dân để tìm hiểu thực trạng môi trường và lối sống nơi đây.
Trước khi bắt đầu, các bạn được tham gia một buổi huấn luyện chuyên nghiệp về kỹ năng truyền thông, cách thức tiếp cận người dân một cách thân tình, cởi mở, cách “lái” buổi phỏng vấn theo nội dung của mình, các xử lý khi đối tượng phỏng vấn trả lời lạc đề hay cách bắt đầu hay kết thúc một cuộc phỏng vấn...
Phỏng vấn người dân về môi trường.
“Sáng kiến phát triển du lịch bền vững cho cảng cá Vĩnh Hy” và “Khảo sát hiện trạng và tập quán vệ sinh môi trường của người dân tại 3 khu vực điển hình của TP. Phan Rang” là tên 2 bài tập và cũng là 2 cơ hội để các bạn đại sứ trẻ thử thách khả năng và kỹ năng làm việc nhóm và thiết kế các dự án cộng đồng của mình.
Đi thực tế cùng các bạn mới biết việc áp dụng những kỹ năng phỏng vấn đã được hướng dẫn trong buổi thảo luận vào thực tế không phải là chuyện dễ dàng. Nhiều người dân, hộ gia đình thoạt đầu còn lầm tưởng các bạn là nhân viên tiếp thị. Hay có chị còn ngại trả lời vì … mắc cỡ. Hoặc có bác đang ngủ trưa mình phải rón rén vào đánh thức và xin “hầu chuyện”.
"Đi mới thấy, làm mới biết những chuyện mình tưởng dễ hoá ra không đơn giản tí nào nếu bạn muốn có được một kết quả nghiêm túc. Những bài tập như vậy đẩy mình vào thực tế, giúp mình trải nghiệm thực sự vấn đề và là kinh nghiệm quý giá cho việc học của mình trong năm nữa ở đại học”. Đại sứ Phùng Ngọc Tuyết (sinh viên trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh) và nhóm làm việc của Tuyết chia sẻ.
Báo cáo kết quả thu hoạch.
“Tìm hiểu sự quan trọng của môi trường sống đối với sự tồn vong của các loài vật trong rừng cao su Long Khánh (Đồng Nai)”, “Tìm hiểu sự đa dạng sinh học trong hệ sinh thái san hô khi triều cường và triều kiệt (Bãi Thịt, bãi biển Vĩnh An, tỉnh Ninh Thuận)”, “Sáng kiến phát triển du lịch bền vững cho cảng cá Vĩnh Hy” và “Khảo sát hiện trạng và tập quán vệ sinh môi trường của người dân tại 3 khu vực điển hình của TP. Phan Rang” là 4 chuyên đề chính mà các đại sứ tham gia du khảo phải báo cáo trong những ngày còn lại của chuyến đi.
Hội trại sinh thái là chuyến hành trình xanh mang đến cho các đại sứ trẻ những góc nhìn chân thật và thực tế về môi trường để từ đó các bạn đưa ra những đề xuất phát triển môi trường sinh thái, phát triển du lịch bền vững.
“Thật sự chuyến hội trại sinh thái eco-camp do tập đoàn Bayer tổ chức là một trải nghiệm ghi dấu trong cuộc đời mình. Các chuyên gia môi trường là những người rất tâm huyết với công việc họ đang làm. Mình đã được những anh chị đi trước truyền ngọn lửa nhiệt huyết.
Mình muốn làm được nhiều hơn nữa và mong rằng mọi người cùng tham gia với tụi mình vì một tương lai Việt Nam xanh. Hội trại chỉ có 7 ngày nhưng kỷ niệm hội trại thì mình sẽ nhớ suốt đời!” đại sứ Võ Ngọc Yến Nhi chia sẻ.
Hạnh Trí