Thay ruột bút bi hay vứt cây bút của bạn?

Khi dùng xong một cây bút bi, hầu hết học sinh sinh viên đều tiện tay quăng luôn cây bút...

Bằng cuộc vận động “Bút xanh” (Green pen campaign), Đại sứ môi trường Bayer 2010 - Võ Ngọc Yến Nhi, sinh viên năm 3, Đại học Ngoại thương Cơ sở 2, TPHCM, kêu gọi mọi người tiết kiệm và giảm thiểu tác hại đối với môi trường bằng việc dùng lại vỏ bút, chỉ thay ruột khi bút hết mực.
 
Thay ruột bút bi hay vứt cây bút của bạn? - 1
Võ Ngọc Yến Nhi
 
Qua tìm hiểu, Yến Nhi nhận thấy, TPHCM hiện có hơn 200 trường học với hơn 400 ngàn học sinh, sinh viên. Trung bình mỗi người dùng hết 2 cây bút bi/tháng, với hơn 800 ngàn vỏ bút bi, tương đương với khoảng 8.000 kilogram CO2 bị thải ra môi trường/tháng. Từ đó, Nhi quyết định góp phần nhỏ bé của mình nâng cao ý thức bảo vệ môi trường bằng cách triển khai ý tưởng kêu gọi mọi người tiết kiệm vỏ bút trên facebook, trang web www.greenpen.tk. Cô bạn cũng tranh thủ tìm thành viên ủng hộ và hỗ trợ dự án trên cả những forum môi trường khác như: yeumoitruong, Gogreen...
 
Thay ruột bút bi hay vứt cây bút của bạn? - 2
Giao diện facebook của Yến Nhi

Dự án “Green pen campaign” của Nhi khuyến khích cộng đồng, đặc biệt là học sinh, sinh viên mua và sử dụng mặt hàng lõi mực thay thế dành cho bút bi thông thường (0.5 - 0.8 mm) của các nhãn hàng văn phòng phẩm lớn. Hành động này trực tiếp giảm lượng CO2 do vỏ bút bi thải ra môi trường trên địa bàn TPHCM. Với việc sử dụng lõi bút tái chế (khoảng 1.000 đồng/lõi), các bạn trẻ cũng tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể cho việc mua sắm bút.

Thách thức đặt ra cho Yến Nhi là bút bi thông dụng cho học sinh - sinh viên hiện nay rất rẻ, chỉ 2.000 - 3.000 đồng/cây. Nhìn chung, loại bút “bình dân” này nếu xài được hết mực thì vỏ bút cũng hỏng rồi. Bởi vậy, Nhi muốn không chỉ người dùng bút mà các công ty sản xuất bút cũng chú ý đến việc sản xuất vỏ bút bền, có thể thay ruột để sử dụng tiếp. Bên cạnh đó, chất lượng ruột bút (để thay) cũng được nâng lên.

Nhi mạnh dạn gõ cửa các đơn vị phân phối bút, các công ty sản xuất bút để phân tích nhu cầu thị trường, thuyết phục đơn vị này ủng hộ ý tưởng. Nhi cho biết: “Việc thay đổi thói quen của nhà phân phối không phải một sớm một chiều được nhưng mình vẫn kiên trì”.

Trên diễn đàn “Green pen campaign”, Nhi tiếp tục lấy ý kiến của các thành viên tham gia. Bên cạnh đó, Nhi phát động cuộc vận động “Bút xanh” và cuộc thi viết với chủ đề “Môi trường của tôi”. Những góp ý, bài viết hay về vấn đề sử dụng vỏ bút tiết kiệm và ý thức môi trường được Nhi tặng một phần quà là những hộp vỏ và ruột bút làm bằng tay. “Mình thiết kế vỏ bút đẹp, bền, có phong cách riêng rồi rặng thêm nhiều ruột bút để mọi người biết quý vỏ bút mà thay ruột dùng hoài. Từ từ mà tạo thói quen thay ruột hơn là mua bút mới. Mình nghĩ bảo vệ môi trường đâu cần làm gì đao to búa lớn. Một hành động tái sử dụng túi ruột bút nếu kiên trì trong 1 năm, rồi 10 năm cộng lại, tác dụng bảo vệ môi trường đã rất lớn rồi. Qua việc tiết kiệm vỏ bút, mình cũng mong các bạn trẻ hình thành thói quen bảo vệ môi trường từ những hành động đơn giản nhất và từ những vật dụng nhỏ nhất”, Nhi chia sẻ.

Mai Nhân

Chương trình Đại sứ môi trường Bayer tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2006, được sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục Đào tạo, Trung Ương Đoàn TNCS HCM, Chi cục Bảo vệ Môi trường TPHCM (thuộc Sở Tài nguyên Môi trường Tp. Hồ Chí Minh). Đây là 1 trong 10 dự án của các Đại sứ Môi trường Bayer 2010 được lựa chọn đưa vào thực tế. Hai bạn xuất sắc nhất sẽ đại diện Đại sứ môi trường Bayer Việt Nam tham gia chuyến du khảo sinh thái 1 tuần ở Đức vào tháng 11/2010 để thị sát về công nghệ bảo vệ môi trường tiên tiến đang được áp dụng tại Đức.