Kim Cương “opera” - chàng nghệ sĩ “không bằng cấp”

(Dân trí) - “Các nghệ sĩ chỉ chơi nhạc và giao lưu khi chúng ta không nói chuyện, dù chỉ là thì thầm. Hút thuốc, cắn hạt dưa xin mời khi chương trình đã kết thúc” là nội quy bất di bất dịch của cà phê Kim Cương Opera, được chính chủ quán Kim Cương kiêm nghệ sĩ biểu diễn chính, đọc lên hàng tối. Quán lạ, nội quy lạ, nhưng lạ nhất, không gì khác chính là chàng chủ quán.

Kiến trúc sư “hụt” thành giảng viên thanh nhạc

 

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hội hoạ: bố từng là hoạ sĩ, chú là kiến trúc sư Vũ Hoàng Hạc, có năng khiếu và được hướng theo nghiệp vẽ ngay từ khi mới học vỡ lòng, Kim Cương đáng lẽ đã hoàn toàn có thể phấn đấu cho mình một vị trí ổn định và đầy triển vọng trong làng kiến trúc nếu như không có một ngày Cương chợt thấy rằng “đối với mình, ý nghĩa của âm nhạc lớn hơn nhiều so với hội hoạ hay kiến trúc”.

 

Kim Cương bắt đầu những nốt nhạc đầu tiên từ những đêm lén ba mẹ, học ké piano của cậu em trai. Không may, đó cũng chính là thời điểm kinh tế gia đình Cương gần như bị cơn khủng hoảng tài chính toàn châu Á (1997) làm cho lụn bại, cậu học sinh phổ thông đang đứng trước ngưỡng cửa đại học rơi xuống hố sâu tuyệt vọng. Chính âm nhạc đã “cứu rỗi linh hồn” Cương. Làm bốc vác để có đủ 300 nghìn học ôn thanh nhạc, rồi miệt mài “tu luyện” tại gia gần hai năm, Cương đỗ thủ khoa vào Nhạc viện Hà Nội với số điểm gần như tuyệt đối 9,5/10.

 

Say mê và nhận ra rằng opera cổ điển là sự lựa chọn đúng đắn nhất cho chất giọng của mình khi mà trong chương trình học bắt buộc của nhà trường, opera xếp mãi đằng sau, có một chút mâu thuẫn nảy sinh trong chàng sinh viên nhạc viện. Và có vẻ như opera đã quá hấp dẫn, Cương liều đưa quyết định bảo lưu kết quả học tập để giành trọn thời gian tự mày mò học hát opera cổ điển qua sách báo nước ngoài cũng như băng đĩa nhạc của những nghệ sĩ tên tuổi hàng đầu trên thế giới.

 

Niềm đam mê và sự kiên trì khổ luyện sau hơn một năm cũng đã đem lại cho Cương không ít kiến thức và kinh nghiệm. Với sự sáng tạo của mình, Cương hoàn thành một bản luận án âm nhạc với đề tài Định hình âm thanh và được Cục Văn hoá thành phố Hà Nội đánh giá rất tốt. Những lý thuyết trong Định hình âm thanh đã giúp giọng của anh có thể lên đến những nốt rất cao là đô 3, rê 3, mi 3, trong khi thường thường, người châu Á nói chung chỉ lên được đến son thăng, hoặc la.

 

Sự thành công ấy của Kim Cương với đô 3, rê 3 và mi 3 đã được sự chứng kiến và công nhận của cô Diệu Thuý, lúc bấy giờ là Trưởng khoa thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội. Và chàng sinh viên “bỏ học” trở thành giảng viên thanh nhạc cho Cục văn hóa thành phố tại số 9 Hàng Trống trong thời gian hơn một năm theo lời mời của Cục.

 

Giám đốc Kim Cương thành “Kim Cương opera”

 

Nặng lòng với opera là thế, chàng sinh viên trẻ “cứng đầu cứng cổ” vẫn từng phải chịu thua sức ép của cuộc sống mà bó mình trở về thay cha tiếp nhận công việc kinh doanh của gia đình. Nhưng duyên nợ của Cương với opera chưa hết, mâu thuẫn bất ngờ về tư tưởng với ba mẹ dường như là cái cớ kéo anh chàng “gàn dở” ra khỏi chiếc ghế giám đốc của một xưởng sản xuất thiết bị nhà trường với số lượng công nhân làm việc lên đến cả trăm, đưa đẩy chàng trai mơ mộng trở lại với giấc mơ nghệ sĩ. Chẳng thể nào ngờ rằng những ngày thất nghiệp với nỗi lo canh cánh về tương lai ấy lại chỉ là một cái rủi nhỏ chứa đựng một cái may rất lớn.

 

Trong thời gian suy nghĩ về cuộc đời mình, nhìn lại bộ mặt thành phố, chàng nghệ sĩ chợt thấy ở rất nhiều nơi âm nhạc không được tôn trọng một cách xứng đáng với giá trị đích thực của nó mà âm nhạc chỉ được mang ra với tính chất phục vụ, âm thanh “đập” vào tai. Kim Cương thất vọng ghê gớm. Nhưng trên mảnh đất khô cằn tưởng chừng đã cạn kiệt sức sống, một chồi non mơn mởn nhú lên. “Đó sẽ là một quán café nho nhỏ, không giống với bất cứ một quán café nào khác, nơi mà âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung sẽ được tôn trọng một cách thực sự. Ở đó, âm nhạc hay nghệ thuật sẽ phát huy được tính chia sẻ, người đến sẽ cảm nhận được những giá trị tốt đẹp của cuộc sống này nhờ sự chia sẻ với người khác, của người khác với mình thông qua ngôn ngữ của âm nhạc, của nghệ thuật” - Kim Cương kể lại những ngày anh “thai nghén” Kim Cương opera.

 

Giờ đây, sau hơn 4 năm đói no cùng những khách hàng khao khát giao lưu nghệ thuật mà sau này tất cả trở thành những người bạn, Kim Cương đã có thể thoải mái rung người cười vang trong mỗi câu chuyện của mình hàng tối, một cách hồn nhiên, một cách vô tư, và dường như hoàn toàn cởi mở.  Kim Cương opera từ lâu đã thành điểm hẹn giúp cho các bạn trẻ gặp gỡ và quen biết, học hỏi cũng như được chia sẻ rất nhiều điều thú vị trong cuộc sống này với nhau, khiến cho opera nói riêng được hiểu và được yêu thích, khiến nghệ thuật nói chung được thực sự tôn trọng.

 

Ở Opera Kim Cương, âm nhạc đã thực sự phát huy được tính chia sẻ, kết nối mọi người trong mối quan tâm chung về những giá trị tốt đẹp nhất của cuộc sống. Và không chỉ dừng lại ở âm nhạc, Kim Cương còn sáng kiến thành lập ở quán của mình những câu lạc bộ thơ, cờ vua, hội hoạ… và nhận được sự ủng hộ rất nồng nhiệt. Lãng mạn hơn nữa, Kim Cương vô tình trở thành ông mối mát tay cho chuyện tình yêu của không ít những đôi lứa gặp và quen biết nhau ở chính quán này.

 

Kim Cương luôn tâm niệm kinh doanh không bao giờ là động cơ xuất phát, nó chỉ là hệ quả tất yếu của mục đích vị nghệ thuật thực sự. “Chính vì tôi đã chấp nhận cùng lắm là “chết” chứ không chịu từ bỏ tôn chỉ đích thực của mình, nếu có “chết”, tôi vẫn sẽ được “chết” với những ý nghĩa cao đẹp nhất của cuộc sống. Đấy là một sự đánh đổi bằng chính tinh thần của mình”.  Ở cái tuổi 28 của mình, Kim Cương đã có thể tự hào rằng “Tôi đã dám liều lĩnh, đã dám hi sinh, và tôi đã được đến đáp xứng đáng”.

 

Trang Đinh