Hội trại sinh thái: 12 đại sứ - Một hành trình
Hội trại sinh thái Đại sứ môi trường Bayer diễn ra từ ngày 01 đến 07/08 vừa qua tại vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận) là một trải nghiệm khó quên của 12 Đại sứ môi trường Bayer 2011.
Trong một tuần, các đại sứ đã có cơ hội tham gia vào nhiều hoạt động thú vị như tìm hiểu văn hóa Chăm, nghiên cứu đa đạng sinh học biển, tìm hiểu vấn đề phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường bền vững và tham gia các hoạt động thiện nguyện xã hội.
Các Đại sứ môi trường Bayer 2011 trong hành trình về Ninh Thuận
Từ khắp ba miền đất nước, 12 đại sứ môi trường Bayer tập trung tại TP.HCM để khởi hành đến Ninh Thuận. Trước giờ lên đường, các bạn được chia thành 3 đội: Tiết kiệm điện, Tiết kiệm nước và Tiết kiệm giấy để tranh tài qua các trò chơi tập thể và bài học cộng đồng đầy hào hứng.
Sau một đêm lắc lư trên tàu, các bạn đón tia nắng đầu tiên trên đất Ninh Thuận tại cụm tháp Chàm Po Klong Garai hùng vĩ và đẹp nhất ở Việt Nam. Chưa kịp bỏ gì vào bụng, các bạn đã phải tải một khối kiến thức về văn hóa Chăm thông qua người hướng dẫn du lịch tại tháp và một nhiệm vụ khám phá phong tục, tập quán, lễ nghi, … của người Chăm với ngân sách là 100.000 đồng/người.
Theo quy định của Ban Tổ chức, với số tiền ấy, từng đội (gồm 9 người/đội) sẽ phải tìm đường đến làng gốm Bầu Trúc (cách Tháp Chàm khoảng 10 km), xin được ở và ăn trưa chung với một gia đình nghệ nhân làm gốm, tìm hiểu, học và làm một sản phẩm gốm theo công nghệ Chăm.
Quả là một nhiệm vụ không dễ dàng khả thi khi tất cả các bạn đại sứ lần đâu tiên đặt chân đến Ninh Thuận và chưa có một khái niệm nào về văn hóa Chăm ngoài một số kiến thức cơ bản về kỹ thuật xây tháp của người Chăm cổ.
Không chỉ học tập văn hóa, lịch sử qua những câu chuyện và hiện vật, các bạn còn được học từ thực tế cuộc sống khi tham gia sinh hoạt trong các gia đình người Chăm tại làng gốm Bàu Trúc. Tại đây, các bạn được học cách làm gốm và thỏa sức trổ tài sáng tạo những sản phẩm ngộ nghĩnh. Khoảng thời gian này cũng là mùa lễ hội Ramưwan – lễ hội truyền thống của dân tộc Chăm với các món chay dân dã và những bài kinh vang vọng khắp làng, một cơ hội hiếm có để các bạn tìm hiểu về văn hóa người Chăm.
Ngày hôm sau, cả đoàn trực chỉ đi vịnh Vĩnh Hy để tham gia bài học nghiên cứu về mối liên hệ giữa đa dạng sinh học biển và biến đổi khí hậu thông qua việc nghiên cứu các rạn san hô. Tại đây, các đại sứ cùng tìm hiểu điều kiện sống của cộng đồng san hô và tác hại của việc khai thác san hô bừa bãi dẫn đến hậu quả là “sa mạc hóa” khu vực biển nơi khai thác. Rời vịnh Vĩnh Hy để đến với những bài học về đa dạng sinh học biển tại bãi Hỏm, dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của chuyên gia đa dạng sinh học, được “thấy tận mắt, sờ tận tay” những sinh vật biển với nhiều hình dạng như cầu gai xanh, hải sâm, sao biển rắn, san hô não… đã làm mê mẩn các đại sứ.
Dự án Lớp học xanh được triển khai tại trường tiểu học Phước Đồng, huyện Ninh Phước
Ngày thứ 4, hành trình tiếp nối với các bài học rèn luyện về kỹ năng xã hội được lồng ghép các kiến thức về thiên nhiên tại một trong những bãi biển đẹp nhất và hiếm hoi nhất Ninh Thuận còn giữ nguyên vẻ hoang sơ vì sự vắng bóng của bàn chân sinh thái của con người. Đoàn đến biển Bình Tiên khi mặt trời đã lên lưng chừng núi. Cái nắng chói chan như thiêu cháy da thịt của Ninh Thuận làm bật lên các vẻ đẹp lộng lẫy, trong ngần của một bãi biển hoang sơ mà có thể chúng ta sẽ chẳng còn dịp gặp lại nữa trong vài ba năm trở lại đây khi từng xe ủi đang sang dần mặt bằng, chuẩn bị cho những resort mọc lên, phục vụ cho lợi ích kinh tế.
Những kiến thức về sinh vật, môi trường, phát triển kinh tế và các bài học thực tế đã thôi thúc các đại sứ đi tìm hướng phát triển kinh tế bền vững để môi trường sống của con người ngày càng được cải thiện. Bạn Chí Thành (Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh) cho biết: “Bài học lớn nhất về môi trường và phát triễn bền vững mà Thành học được đó là sự đa dạng sinh thái: trong một khu vực (rừng, biển...) có rất nhiều loài sống phụ thuộc lẫn nhau, nếu chúng ta phân cách khu vực đó ra một cách bừa bãi thì tổn thất sẽ rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống, quá trình sinh sản… của các loài.”
Ngày cuối cùng, trước khi rời Ninh Thuận bằng chuyến tàu khuya, các bạn đại sứ đã được đến và giao lưu tặng quà cùng trẻ em nghèo phường Bảo An (huyện Ninh Phước) và sơn sửa lớp học tại trường tiểu học Phước Đồng (xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước).
Dự án Lớp học xanh của đại sứ môi trường Bayer Nhan Kiết Lệ (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh) cũng được triển khai tại trường tiểu học Phước Đồng, huyện Ninh Phước. Những lớp học đơn sơ được điểm tô với đôi tay khéo léo và óc sáng tạo đã trở nên tươi tắn trong màu xanh dịu mát của cỏ cây. Từ những việc làm nhỏ bé này, các đại sứ môi trường Bayer đã khơi dậy tình yêu thiên nhiên của thế hệ măng non với mong muốn rằng những thế hệ mai sau sẽ chung tay góp phần phủ xanh trái đất này.
Hội trại sinh thái đã khép lại nhưng dư âm về những khoảnh khắc đáng nhớ vẫn còn thổn thức trong bao trái tim. Bạn Trần Huỳnh (Trường Đại học Ngoại thương Cơ sở 2 Tp. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Bản thân mình mang danh hiệu là một đại sứ, mình cảm thấy cần phải sống có trách nhiệm hơn nữa với môi trường, không chỉ bản thân mình mà còn nhân rộng ra cộng đồng xung quanh nữa, để mỗi người đều là một đại sứ.”
Từ những kết quả triển khai dự án và đánh giá của Ban tổ chức dành cho các Đại sứ môi trường Bayer 2011, hai sinh viên xuất sắc nhất sẽ tham gia vào chuyến du khảo Đức tổ chức vào tháng 10, 2011 là bạn Đào Thị Bích Vân với dự án “Xây dựng kênh truyền thông Radio Online để tuyên truyền kiến thức bảo vệ môi trường” và bạn Nguyễn Ngọc Huy Vũ với dự án “Hệ thống web xanh”. Chương trình Đại sứ môi trường Bayer được tổ chức hằng năm với sự phối hợp của tập đoàn Bayer (Đức) và Ủy ban Môi trường thuộc Liên Hiệp Quốc (UNEP) nhằm giúp cho giới trẻ nâng cao kiến thức và ý thức bảo vệ môi trường cũng như việc triển khai các chương trình hành động để cải thiện tình trạng môi trường tại cộng đồng của mình. |