Chàng trai đất Việt rạng danh ở New Zealand

Những ngày cuối cùng của năm 2005, hình ảnh một chàng trai gốc Việt nổi danh trong lĩnh vực công nghệ thông tin luôn được đăng tải trên các mặt báo New Zealand.

Đó là Mitchell Phạm, 34 tuổi, Giám đốc Công ty Phát triển phần mềm máy tính Augen.

Anh sinh ra tại Việt Nam, trong một gia đình cả bố mẹ và mấy anh chị em đều là kỹ sư. Năm 12 tuổi, Mitchell Phạm theo gia đình sang định cư ở New Zealand.

Năm 1993, anh tốt nghiệp Đại học Auckland chuyên ngành công nghệ thông tin, từ đó Michell Phạm bắt đầu hoàn thiện ước mơ công nghệ thông tin của mình. Anh nhận mình là một người lao động cần mẫn. Kinh nghiệm thành công của anh là nếu muốn làm được một việc gì đó, điều cần thiết nhất là phải biết cách hòa nhập.

Năm 1993, anh cùng với hai người bạn của mình đến từ Hàn Quốc và Đức đã thành lập nên Công ty Phát triển phần mềm máy tính Augen với những ý tưởng ban đầu là phát triển phần mềm đem vào giảng dạy trực tuyến tại các trường học.

Sau nhiều lần thử nghiệm, đến kỳ thi cuối năm học 1993, nhóm mới có khách hàng đầu tiên là Tập đoàn Douglas - một trong những tập đoàn dược phẩm lớn nhất của Australia. Đó là những bước đi đánh dấu sự thành công đầu tiên của Mitchell Phạm.

Năm 2000, các thành viên bắt đầu tách ra hoạt động độc lập. Mitchell ở lại duy trì mọi hoạt động của công ty Augen. Những khách hàng "nặng ký" của công ty bây giờ là ngân hàng ASB, AMP, Quỹ quản lý nhân lực Bỉ, Tập đoàn thép Fletcher, Tập đoàn bán lẻ Pacific, Công ty Bảo hiểm NZI.

Ngoài ra Augen còn là đối tác quan trọng của Hãng an ninh mạng Internet Entrisentri và Hãng đào tạo nhân lực Optimal-Portal.

Hiện nay dưới sự quản lý của Mitchell Phạm, công ty có 20 nhân viên đang bước những bước tiến vào thị trường Australia. Mục tiêu mà Mitchell Phạm đề ra là trong vòng năm năm nữa, 50% doanh thu của công ty sẽ thu từ thị trường Australia.

Lần trở về quê hương đầu tiên sau 14 năm sống ở New Zealand, anh nhận ra rằng Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia châu Á có nhiều cơ hội nhất để phát triển tất cả các lĩnh vực công nghiệp, chứ không chỉ riêng công nghệ thông tin.

Cuối tháng 11 vừa qua, Augen đã mở văn phòng đại diện đầu tiên tại TPHCM. Văn phòng mới chỉ có bốn nhân viên nhưng Mitchell Phạm hy vọng rằng đội ngũ nhân viên của Augen sẽ tăng lên con số 200 (với 20% là người New Zealand còn 80% là người Việt Nam) trong vòng ba - năm năm tới.

Anh nói rằng: "Hiện nay công nghệ thông tin chưa thực sự phát triển, là một người con của đất Việt tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để làm giàu lĩnh vực này cho nước nhà".

Theo Nông Thôn Ngày Nay