CEO Bio Spring: Từ bỏ phố Wall vì ở Việt Nam quá nhiều việc để làm nhưng quá ít người làm

Những mẩu chuyện về Huỳnh Minh Việt – chàng SV làm rạng danh VN năm 2005 khi góp mặt trong danh sách 50 SV xuất sắc tham gia chương trình Lãnh đạo Toàn Cầu của quỹ Goldman Sachs vẫn được giới du học sinh Việt Nam truyền tụng như tấm gương mẫu mực, câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Dẫu từ trước đến nay, Huỳnh Minh Việt vẫn luôn khiên tốn nhận rằng quá trình đi du học từ Singapore, sang Stanford rồi đến Harvard mà “không tốn 1 xu” nào của mình chỉ là may mắn, vậy thì những thành công trên con đường theo đuổi học vấn và khát vọng “đền ơn nối tiếp” của anh phải được kết trái từ những đam mê và một tinh thần cầu tiến hiếm thấy.

 

Anh được biết đến nhiều hơn qua việc tự tay viết kế hoạch và tổ chức dự án Vietnam Medical Project - đưa các bác sĩ  nước ngoài sang Việt Nam chữa bệnh từ thiện, đóng góp xây dựng VietAbroader từ những ngày đầu tiên năm 2004,  sáng lập viên kiêm Chủ nhiệm Tổ chức các nhà lãnh đạo tương lai Đông Nam Á (SEALNet),  … cùng rất nhiều các hoạt động, giải thưởng lớn khác và gần đây nhất là trở thành CEO của BioSpring, công ty đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam nghiên cứu và sản xuất bào tử bền nhiệt thế hệ mới bacillus phục vụ cho dược phẩm, thực phẩm và chăn nuôi, đem lại một cuộc cách mạng về chăn nuôi sạch cho bà con nông dân tại Việt Nam.
 
CEO Bio Spring: Từ bỏ phố Wall vì ở Việt Nam quá nhiều việc để làm nhưng quá ít người làm

 

Dường như mọi thứ đến với anh dễ dàng hơn những học sinh khác rất nhiều, ví như thi quốc gia rồi nhận học bổng toàn phần của chính phủ Singapore, sau đó lại tiếp tục nhận học bổng toàn phần của Stanford, có thật sự là mọi thứ đơn giản như vậy hay do anh không thích nói về khó khăn và thất bại của mình?

 

Huỳnh Minh Việt: Tôi bắt đầu biết đến học bổng Singapore nhờ đoạt giải khuyến khích quốc gia môn Toán. Khi đó tôi vẫn đang học cấp 2 trường làng, mỗi tỉnh được chọn ra hai học sinh xuất sắc nhất về Toán và Anh Văn để lên Hà Nội thi, và tôi là một trong hai thí sinh được chọn. Vào thời điểm đó tiếng Anh của tôi không giỏi, cũng không có internet để tra cứu như bây giờ nên khi cùng với bố ra Hà Nội, lúc về 2 bố con vừa đi với nhau vừa buồn vì nghĩ rằng có có hội được ra nước ngoài như vậy nhưng mình đã bỏ lỡ mất. Bố mẹ tôi đều là nông dân, sẽ không bao giờ có tiền cho con đi du học được. Cuối cùng thực sự là bất ngờ khi biết tin tôi đã được chọn.

 

Khi sắp kết thúc chương trình học tại Singapore có vài người bạn giới thiệu về học bổng của Stanford. Lúc đó tôi hoàn toàn không hiểu tại sao lại có những học bổng quá lớn và không đi kèm bất cứ một điều kiện ràng buộc gì như vậy. Sau này tìm hiểu ra, đó là nguồn quỹ từ “endowment”, một cách để lứa sinh viên thành công của các trường đại học lớn đóng góp lại cho trường và họ đầu tư rất nhân văn như một cách để marketing cho chính trường đại học của mình. Giờ nhìn lại thì cũng có những lúc rất khó khăn nhưng trên hết vẫn là sự may mắn, may mắn không phải dễ có được và tôi đã tận dụng nó một cách tốt nhất có thể.

 

Tại sao anh lại từ chối cơ hội ở lại Mỹ để về Việt Nam khởi nghiệp? Nhất là điều gì đã đưa anh từ những vị trí rất đáng ngưỡng mộ ở các tập đoàn tài chính hành đầu thế giới đến với BioSpring?

 

Thế hệ của tôi thật may mắn vì việc làm sao để đủ ăn đủ mặc không phải là điều khó nữa.  Sau 3 năm làm việc cho Morgan Stanley tôi luôn trăn trở về việc mình sẽ trở thành người như thế nào nếu tiếp tục làm việc tại đây. Tại Mỹ mọi thứ đều được chuẩn hóa nên mình chỉ là một móc xích nhỏ trong một cỗ máy cực ký lớn và chuyên nghiệp, trong khi ở VN các cỗ máy đồ sộ chưa có nhiều và có quá nhiều việc để làm nhưng có quá ít người làm.

 

So sánh 2 chỗ: 1 chỗ nếu không có mình cũng có hàng ngàn người khác làm còn về Việt Nam, nếu mình không làm thì không ai làm, nên tôi quyết định về nước. Tôi muốn làm công việc mà 5 năm, 10 năm, 20 năm sau có cái để khoe với vợ con và gia đình, để tự hào với các thế hệ sau và đó là lý do tôi nhận lời làm tổng giám đốc Bio Spring.  Bố mẹ tôi hiện vẫn làm nông dân, vẫn sống ở Quảng Nam. Nói gì thì nói, khi bạn đã có cơ hội để giúp đỡ người khác, bạn phải dang tay cho chính những người thân thiết với mình đầu tiên, rồi mới nói đến xã hội. Bào tử bền nhiệt thế hệ mới bacillus là thứ mà người nông dân như bố mẹ mình cần, nó giúp ích rất lớn cho việc chăn nuôi và sẽ làm nên một cuộc cách mạng với ngành nông nghiệp Việt Nam. Vậy thì tại sao không làm?

 

Tham gia giảng dạy tại trường đại học quốc gia Tp.Hồ Chí Minh và có nhiều buổi chia sẻ kinh nghiệm cùng sinh viên Ngoại Thương và AIESEC Vietnam, anh hẳn là cũng ý thức được việc chọn ngành nghề khi còn ngồi trên ghế giảng đường là rất quan trọng đối với sinh viên, vậy thì bản thân anh có kinh nghiệm gì để truyền lại cho các em học sinh, sinh viên bây giờ?

 

Chúng ta vẫn bị gò bó vào lối suy nghĩ rập khuôn, chính tôi trước đây cũng vậy, vì học giỏi toán, lại đi thi quốc gia môn toán rồi được học bổng đầu tiên cũng là nhờ môn toán nên tôi vẫn luôn nghĩ trong đầu là mình phải học gì liên quan đến nó. Chính vì thế nên ban đầu tôi chỉ chọn các ngành liên quan đến kỹ thuật. May mắn là khác với ở Việt Nam, tại Mỹ bạn có thể được đổi ngành và thậm chí là trường học, sau 1 năm học kỹ thuật thì tôi cảm thấy không hợp nên chuyển sang học kinh tế.

 

Đối với các bạn sinh viên ở Việt Nam, tôi có một lời khuyên là phải năng động hơn và chủ động hơn trong việc tìm hiểu về ngành nghề mình sẽ theo đuổi vì các bạn không có cơ hội đó. Muốn trở thành bác sỹ, hãy chủ động hẹn gặp bác sỹ để hỏi người ta nghề đó thực tế là như thế nào, cần những tố chất gì, khó khăn gì... Nhiều bạn cảm thấy ngại nhưng hãy luôn nhớ rằng nếu bạn lịch sự, tỏ ra đam mê và thực sự nghiêm túc, không một ai từ chối bạn lần thứ 3 cho một cuộc nói chuyện ngắn chỉ 15 phút.

 

Lúc còn học đại học, các bạn hãy chủ động đi thực tập, dù là không công. Nhiều bạn sinh viên bây giờ vẫn rất ngây ngô về chính ngành nghề mình đang theo học, vậy thì hãy ra ngoài đi, hãy thử trải nghiệm và thu lấy kinh nghiệm trước khi ra trường. Điều đó không chỉ tốt cho bản thân bạn mà cũng rất có lợi cho kế hoạch xin việc ngay sau khi tốt nghiệp.

 

Tại doanh nghiệp của mình, anh sẵn sàng trao cơ hội làm việc cho sinh viên mới ra trường chứ? Và nếu có thì anh tìm kiếm những tố chất gì ở họ?

 

Tất nhiên là có rồi (cười). Các em sinh viên mới ra trường nhưng thực sự có khả năng sẽ được chào đón. Khả năng này không thể hiện qua tên tuổi của trường đại học các em theo học, du học hay tốt nghiệp từ một trường trong nước vì cái đó không nói lên điều gì cả. Điều này cũng không có nghĩa là các em không cần cố gắng khi ngồi trên ghế giảng đường.

 

Ở vị trí tuyển dụng, tôi sẽ vẫn nhìn vào bảng điểm và các hoạt động ngoại khóa như một cách để đánh giá tính kỷ luật của từng em. Thực tế cho thấy các em càng có tính kỷ luật cao và biết sắp xếp công việc, cuộc sống một cách khoa học thường có kết quả học tập tốt hơn và đó là những tố chất hàng đầu của một người nhân viên tốt. 

 

Được biết anh sẽ tham gia vào buổi giao lưu trực tuyến với các em học sinh, sinh viên do Quỹ học bổng NDH tổ chức cùng một số vị lãnh đạo có tên tuổi trong ngành tài chính. Anh có thể nói rõ hơn về mục đích và kỳ vọng của anh khi tham gia chương trình này không?

 

Buổi giao lưu trực tuyến sẽ diễn ra lúc 14h, thứ 6 ngày 14/11 sắp tới đây trên trang điện tử NDH. Cùng tham gia với mình có anh Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty CPCK Sài Gòn, một nhân vật có khá nhiều đóng góp và ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán và ngành nông nghiệp Việt Nam. Ngoài ra còn có đại diện của Quỹ học bổng NDH cùng tham gia giải đáp thắc mắc liên quan đến học bổng rất thiết thực cho các em sinh viên này.

 

Xin cảm ơn anh!

 

K.M