Biên đạo múa Lê Minh Thùy tiếp tục khẳng định tên tuổi với Cát Bà Xanh 2016
Trước và trong giờ diễn, nếu ai để ý, sẽ thấy biên đạo múa Minh Thùy đeo bộ đàm đi đi lại lại cạnh cánh gà vừa tranh thủ kéo khóa váy áo cho diễn viên, vừa hỗ trợ đạo cụ lên sân khấu, vừa nhắc nhở ekip ở hai bên cánh gà hỗ trợ nhắc nhở diễn viên và chuẩn bị đạo cụ liên tục.
Là biên đạo múa nổi tiếng tại Hà Nội, được biết đến là Giảng viên Dân gian dân tộc Việt góp phần đưa múa Dân gian tới bạn bè quốc tế; vừa qua, cô đã cùng biên đạo Mạnh Hà & ekip trợ lý đến từ Trung tâm Múa & Biên đạo của mình biên đạo, biểu diễn thành công chương trình nghệ thuật Cát Bà Xanh 2016 tại Huyện Cát Hải tỉnh Hải Phòng. Tham gia chương trình có các nghệ sĩ: NSUT Việt Hoàn, Sao Mai Thu Hà, Thu Trang, Ca sĩ Hà Minh Tiến, Sao Mai Lê Việt Anh, Vũ đoàn Hà Nội, đoàn kịch Hải Phòng…
Cô cho biết, mình chỉ nhận được lời mời từ BTC và kịch bản chi tiết chương trình trước 02 tuần diễn ra sự kiện. Ban đầu cô do dự và băn khoăn vì nhận thấy khối lượng bài vở lớn, gồm 14 tác phẩm độc lập – múa minh họa liên tục kéo dài trong ba chương…Tuy nhiên, được sự ủng hộ của ekip biên đạo và trợ lý nghệ thuật của mình; sự tham gia nhiệt tình của Vũ đoàn Hà Nội, cô đã yên tâm nhận lời.
“Mình từng biên cho một số chương trình nghệ thuật; một số live show nhưng đa phần là tiết mục độc lập hoặc múa ít. Chủ yếu là ca sĩ hát. Tuy nhiên chương trình này múa chủ đạo cùng hát, các bài các chương liên kết với nhau và đòi hỏi sự trình diễn ăn khớp – mềm mại. Các nghệ sĩ phải diễn ăn ý với nhau, từ khâu kịch tới ca sĩ – diễn viên múa. Vì thế, mỗi bài múa mình lại chọn một số thủ thuật biên đạo riêng về tuyến, tạo hình, hình ảnh. Mỗi bài phải đi theo một trọng tâm và thông điệp nhất định. Phải làm nổi bật được hình ảnh đặc trưng của bài.”
Sau khi đã xây dựng kịch bản múa xuyên suốt, biên đạo múa Lê Minh Thùy bắt tay vào chọn diễn viên phù hợp với từng bài. Giống như phim ảnh, chọn diễn viên phù hợp từ ngoại hình tới diễn xuất thì múa cũng vậy. Không phải ai cũng giống ai, và ai đóng solist, duo, múa bài này bài kia đều được. Cô khá khó tính trong việc chọn diễn viên vào tạo hình và những vai đặc biệt.
Lịch tập không có nhiều, nên lịch làm việc giữa biên đạo và diễn viên rất khắt khe. Hầu như buổi tập nào cũng phải làm việc tới khuya. Có hôm, đến gần 12h đêm mới nghỉ. Lúc đó, biên đạo với diễn viên mới đi ăn tối!.
Sau một tuần làm việc căng thẳng, cùng biên đạo Mạnh Hà biên 14 bài, bản thân biên đạo Minh Thùy cảm thấy như vắt kiệt suy tư và cảm xúc của chính mình. “Một số bài chỉ đạt được ở góc độ sân khấu và hiệu ứng. Bên cạnh đó, đa phần là những bài mình thấy hài lòng vì thực sự cảm được cảm xúc của bài. Chẳng hạn như tác phẩm Nơi Anh gặp Em – sau khi biên bài, cả mình và các em diễn viên đều rất buồn. Buồn đến mấy ngày chưa hết. Mình xây dựng hình ảnh các cô gái trong sáng trong tà áo dài tắng tinh khôi cứ đi đi lại lại trên sân khấu tìm lại ngày xưa kỷ niệm. Tìm mãi trong thương nhớ, trong vô vọng! tình yêu ngày nào giờ chỉ còn là kỷ niệm mà thôi!...Chương trình xong các em vẫn buồn khi múa bài này. Lỗi là ở mình mất rồi!” – Biên đạo Minh Thùy cười chia sẻ.
Sau mỗi bài dựng xong, biên đạo lại ngồi làm việc với ekip Trang phục biểu diễn & đạo cụ. Để có hàng trăm bộ trang phục & đạo cụ cho chương trình, biên đạo Lê Minh Thùy đã chọn Trang phục biểu diễn & Áo dài 59 Huỳnh Thúc Kháng. Một số mẫu yêu cầu cửa hàng phải may mới. Một số đạo cụ cũng yêu cầu được thiết kế riêng.
Để chương trình thành công, trước đêm diễn ra chương trình; biên đạo và diễn viên tập liên tục 3 ca trong một ngày trên sân khấu. Vừa phải ghép với đội kịch, vừa phải ghép với học sinh. Lại ghép luôn với phần âm nhạc, âm thanh, ánh sáng và cả các công nghệ - hiệu ứng được sử dụng trong một số bài.
Biên đạo Lê Minh Thùy khá cẩn thận tỉ mỉ, trước giờ diễn, chị phải đi hai bên cánh gà sân khấu để kiểm tra lại phần đạo cụ của diễn viên, nơi thay đồ của diễn viên dù đã có ekip lo việc đó rồi. Chị cũng không quên nhắc nhở các diễn viên về bài vở để khi lên diễn không quên những phần quan trọng cần lưu ý.
Trước và trong giờ diễn, nếu ai để ý, sẽ thấy biên đạo múa Minh Thùy đeo bộ đàm đi đi lại lại cạnh cánh gà vừa tranh thủ kéo khóa váy áo cho diễn viên, vừa hỗ trợ đạo cụ lên sân khấu, vừa nhắc nhở ekip ở hai bên cánh gà hỗ trợ nhắc nhở diễn viên và chuẩn bị đạo cụ liên tục. Thỉnh thoảng thấy chị cau mày, lúc thì mỉm cười tự hào về diễn viên của mình, lúc thì ngân ngấn nước mắt vì xúc động; khi lại đưa tay ra hiệu cho diễn viên di chuyển trên sân khấu. Không khí diễn ra thật chuyên nghiệp và khẩn trương.
Chương trình nghệ thuật khép lại trong sự nuối tiếc của khán giả. Lãnh đạo tỉnh Hải Phòng, huyện Cát Hải và Hội đồng nghệ thuật cũng như nhân dân đánh giá cao chương trình. Diễn viên nhảy lên vui sướng khi chương trình thành công không quên chạy ào ra chúc mừng biên đạo.
Lúc đó, biên đạo múa Lê Minh Thùy và cả biên đạo múa Mạnh Hà đứng tại chỗ, nhìn các em diễn viên nhảy múa trên sân khấu mà cảm thấy xúc động vô cùng.
“ Mình chứng kiến sự nỗ lực tập luyện vất vả của các em nên khi chương trình diễn ra thành công, thấy cảm động và tự hào lắm. Biên đạo một bài đã lo rồi chứ đừng nói cả chương trình nghệ thuật lớn thế này. Áp lực vô cùng!. Mình vì chương trình này đã mất bao đêm trằn trọc không ngủ được. Nhiều khi cảm thấy vô dụng. Trong suốt trước và trong chương trình lo lắng không yên. Chỉ ước gì nốt nhạc cuối cùng của chương trình được ngân lên và mình hết phải trăn trở nữa. Nhưng khi âm thanh cuối cùng ngân lên thì bản thân lại có nhiều cảm xúc khó tả, vừa vui sướng tự hào, lại có chút gì đó tiếc nuối.
Cho đến giờ, các bài hát về Hải Phòng và Cát Bà cứ văng vẳng trong đầu mình. Thỉnh thoảng tự dưng mình lại hát vài câu!...”.
Bài: Phương Mai
Ảnh: Tống Thành Dũng