Người gieo chữ Việt trên đất Séc:

Bơi trên biển chữ mênh mông (Kỳ II)

Từ cuộc sống sôi nổi với công tác cộng đồng, đi khắp nước Séc làm MC, tham gia các lễ hội..., kỹ sư Quyết Tiến lui về viết từ điển. Ông đã cùng với người anh, người bạn đồng hành của mình là Tiến sỹ Ivo Vaslijev bơi những sải đầu tiên trên biển chữ.

Bơi trên biển chữ mênh mông (Kỳ II)

Đại sứ Việt Nam tại CH Séc Trương Mạnh Sơn (thứ hai từ trái) dự chúc mừng Tiến sỹ Ivo Vasiljev và Kỹ sư Nguyễn Quyết Tiến.

Khi bắt tay vào việc, mối lo lắng đầu tiên của hai ông chính là vấn đề kinh phí. Chỉ riêng việc hạn chế, thậm chí là dừng các công việc mang lại nguồn thu chủ yếu thường ngày như dịch thuật, dạy học đã cần có sự thông cảm và hậu thuẫn rất lớn từ phía gia đình. Nhưng còn thù lao cho những người cộng tác thì sao?

Hai ông bắt đầu thăm dò một số nơi để xin tài trợ. Tuy nhiên, nhìn hai "lữ khách", người tuổi lục thập, người kia thất thập, với dự án khổng lồ như vậy, các “mạnh thường quân" chẳng mấy mặn mà. Họ quyết định sẽ tự mình làm tất cả.

Nông dân cần mẫn

Dù quyết tâm như vậy, nhưng trong lòng ông Tiến vẫn trăn trở: "Anh Ivo lấy tiền đâu để trang trải cuộc sống khi cũng phải dành 10 đến 12 giờ mỗi ngày như mình để viết?".

Nhưng chỉ ít lâu sau, ông biết sự lo lắng ấy là thừa, vì cũng như ông, ông Ivo Vasiljev tham gia công việc này không phải vì mục đích kinh tế hay danh tiếng, mà là một điều lớn lao hơn thế rất nhiều.

Thế là, hai ông tiến hành làm việc mà chẳng cần có thỏa thuận hay bất kì cam kết nào, chỉ có những cốc bia và cái bắt tay quyết tâm. Sau đấy, mỗi người một ngả, ai về nhà người ấy, làm việc trên máy tính cá nhân và thường xuyên trao đổi qua Internet.

Ông Tiến kể: "Một ngày của chúng tôi thường là: Buổi sáng: "Kính chào anh, chúc anh một buổi sáng đẹp, mời anh bừa luống này"; buổi chiều: "Chúc anh một buổi chiều đầy nắng ấm. Anh kiểm tra giúp luống này nhé. Bây giờ tôi đạp xe vào rừng làm "kiểm lâm"; buổi tối: "Hôm nay chúng ta đã hoàn thành xuất sắc một luống nữa rồi. Xin chúc anh ngủ ngon"...

Hai ông sử dụng các bộ Đại từ điển tiếng Séc chuẩn, tiếng Anh và nhiều từ điển khác để tham khảo. Công việc của ông Ivo là chọn ra những mục từ cần thiết, còn ông Tiến chia thành từng nhóm 45 mục từ, gọi là "các luống" và đặt tên là A01, A02...

Khi chắp bút giải nghĩa, tìm các ví dụ minh họa rồi dịch sang tiếng Việt cho các "luống" này, hai ông gọi là "cày". Làm xong, ông Tiến gửi cho ông Ivo "bừa" lại, bổ sung, chỉnh sửa kĩ càng. Sau đó, ông Ivo gửi ngược trở lại để ông Tiến "bừa" kĩ thêm một lần nữa. Cứ thế, các ông "bừa đi bừa lại từng luống" cho đến khi cả hai thật hài lòng mới thôi. Vì thế, có những mục từ có chi chít các "mật hiệu" TITITI... (viết tắt của Tiến-Ivo-Tiến-Ivo…) rồi mới được thay bằng một chữ "OK".

Cặp đôi trời sinh

Càng làm việc với nhau, đôi bạn Ivo - Tiến càng thấy tâm đầu ý hợp. Cả hai cùng trao đổi, bổ sung kiến thức lẫn nhau, bàn luận từng từ, từng nghĩa, bao giờ thật ưng ý mới thôi. Chẳng ai để ý xem người kia làm nhiều làm ít mà là tự giác hoàn toàn. Ai ốm đau hay bận công việc thì người kia vẫn cứ làm phần việc của mình rồi bàn luận, thống nhất sau. Công việc thú vị và trôi chảy đến mức ông Ivo phải thốt lên: "Trời đã sinh ra chúng ta để cùng làm từ điển".

Ông Tiến chia sẻ: "Hàng ngày, những luống cày bừa mới vẫn xuất hiện đều đặn trên cánh đồng ngôn ngữ mênh mông của chúng tôi. Mai sau, trên thửa ruộng này, những mầm non sẽ mọc lên, sẽ được các bàn tay của thế hệ trẻ vun trồng chăm sóc và thu hoạch. Chưa bao giờ một trong hai chúng tôi nản chí hay nghĩ đến bỏ cuộc. Việc ấy không thể xảy ra vì đã quá muộn để nghĩ đến nó. Những hiệp sĩ (già) đã yên vị trên lưng ngựa rồi".

Ở nhà ga tàu hỏa trung tâm Praha có một quán bia rất ngon mà hai ông thường gọi đùa là "văn phòng" của mình. Đó là điểm hẹn yêu thích trong những lần ông Ivo từ Ceské Budejovice (cách Praha khoảng 200km) về Thủ đô làm việc tại Đại học Tổng hợp Charles. Ở đấy, hai ông có một góc rất đẹp để ngồi trao đổi về câu từ, ngữ nghĩa, về kế hoạch làm từ điển trong tháng này, tháng sau...

Đường còn dài...

Những trang bản thảo càng ngày càng làm cho đôi bạn Việt - Séc ấy gắn bó với nhau hơn. Ông Tiến học được ở ông Ivo tính khoa học, quyết tâm đi đến chân lý cuối cùng. Viết, trao đổi, xóa đi, viết lại và chẳng bao giờ tự ái. Khi viết xong vần D thì bộ Đại từ điển đã được định hình tương đối rõ. Các ông quay lại xem xét kỹ lưỡng từng vần đã viết, nếu thấy chưa ưng ý thì xóa đi viết lại. Tháng 3/2014, hai ông đã hoàn thành hai tập đầu tiên với hơn 1.300 trang và dự kiến xuất bản bốn tập nữa.

Trên trang đầu của Tập 1, bộ Đại từ điển Việt - Séc, hai tác giả đã viết: "Công trình này được hình thành dựa trên chín chữ: “Nhân, Nghĩa, Tín, Trí, Dũng, Chỉ ư chí thiện”, tức là tấm lòng nhân ái, nặng nghĩa quê hương, tin nhau tuyệt đối, tận dụng tri thức, can đảm chấp nhận khó khăn, quyết tâm đạt bằng được chất lượng tối ưu mới thôi - đó là truyền thống văn hóa Việt Nam, là phương châm làm việc của chúng tôi".

Tháng 3/2014, Bách khoa tiểu sử danh nhân Who is Who - có truyền thống hơn 150 năm ở châu Âu - đã vinh danh hai ông như những danh nhân ở CH Séc. Nếu việc được ghi danh trong số 32.000 nhân vật nổi tiếng ở CH Séc là vinh dự lớn đối với một người Séc thì với một người Việt Nam, đó còn là sự tự hào đi cùng với trách nhiệm. Sau sự kiện này, Đại học Kenyatta ở Kenya đã mời TS. Ivo Vasiljev sang giới thiệu về phương pháp biên soạn từ điển, còn ông Tiến được Hội nhà văn Séc kết nạp là hội viên chính thức.

Chia sẻ về vinh dự này, ông Tiến cho biết: "Đi kèm với vinh danh chính là trách nhiệm. Tôi rất lo lắng vì sẽ không có đủ thời gian để tham gia các buổi giao lưu văn học nghệ thuật và các cuộc triển lãm, buổi bình sách với đồng nghiệp và bạn bè. Phương châm vẫn là "âm thầm nỗ lực, kiên trì nỗ lực, không ngừng nỗ lực". Con đường phía trước còn dài và chúng tôi sẽ hoàn thành bộ Đại từ điển này bằng bất cứ giá nào".

Theo Khánh Nguyễn
Thế giới & Việt Nam