Khoa Y Tân Tạo: Càng chia sẻ nhiều, hiểu biết càng nhân lên

“Trong Y học, càng chia sẻ nhiều, hiểu biết càng nhân lên, thành công càng to lớn. Chúng tôi chia sẻ học thuật với tất cả đồng nghiệp những mong tạo ra một môi trường học tập với thật nhiều trải nghiệm thực tế quý giá và sự bổ sung kiến thức không giới hạn”.

Đó là những chia sẻ của GS. Thạch Nguyễn - Trưởng khoa Y Đại học Tân Tạo (TTU) khi chúng tôi đặt câu hỏi: Tại sao Khoa Y TTU sẵn sàng mở cửa đón các bạn sinh viên Y tại Hà Nội và các bác sĩ tại nhiều bệnh viện lớn của Sài Gòn cùng học tập, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lâm sàng với các GS-BS và sinh viên Hoa Kỳ?

Tiến sĩ Anh Dương thuyết trình về 3 ngày học cách khám bệnh tại ĐH Tân Tạo.
Tiến sĩ Anh Dương thuyết trình về 3 ngày học cách khám bệnh tại ĐH Tân Tạo.

Mười lăm ngày rộng đường Y học

Sinh viên và bác sĩ Việt Nam đến Mỹ thực tập hay tu nghiệp, vốn đã là chuyện “xưa như diễm”. Nhưng đưa đoàn bác sĩ và sinh viên Y khoa Mỹ đến Việt Nam vừa để khám - chữa bệnh thiện nguyện, vừa kết hợp giảng dạy và hướng dẫn lâm sàng thì không thể là chuyện thường. Nhất là khi, hành trình vượt trùng khơi đó có gần 100 con người.

Chia sẻ với chúng tôi về các thủ tục hành chính để xin được giấy phép cho đoàn bác sĩ thiện nguyện tới Long An giảng dạy và khám-chữa bệnh miễn phí trong 1 tuần, đại diện Ban GH TTU chỉ gói gọn trong 5 chữ “y như vượt trùng khơi”. Đáng mừng là cuối cùng mọi thủ tục đã hoàn tất.

Sáng ngày 26/6, đoàn bác sĩ thiện nguyện Hoa Kỳ sẽ có buổi gặp gỡ thân mật tại TTU rồi ngay sau đó, dành thời gian cho việc giảng dạy, trao đổi học thuật. 40 sinh viên Y Mỹ sẽ cùng học tập với 40 sinh viên Y Tân Tạo, gần chục sinh viên Y đến từ Hà Nội và bác sĩ trẻ đến từ các bệnh viện thành phố. Phái đoàn bác sĩ vốn đều là những giáo sư, bác sĩ nổi tiếng tại xứ sở cờ hoa sẽ phổ biến cho học viên những kiến thức y học tiên tiến nhất hiện nay và đi sâu vào cách khám bệnh cho bệnh nhân có vấn đề về Răng-Hàm-Mặt, nhãn khoa, phụ khoa và dược khoa. Chương trình huấn luyện cách khám bệnh kéo dài trong 3 ngày, hoàn toàn giảng dạy bằng tiếng Anh. Ngay sau đó, học viên có 11 ngày theo phụ các bác sĩ để học hỏi kinh nghiệm tại Bệnh viện đa khoa Tân Tạo.

GS Thạch Nguyễn chia sẻ, những buổi theo học bác sĩ thực tế cách khám- chữa bệnh như vậy vô cùng cần thiết và quý giá. Đó là cách học nhanh nhất. Cũng đồng thời là cách rèn Y đức tốt nhất vì học viên có dịp trò chuyện, thăm hỏi, lắng nghe những nỗi niềm, gia cảnh của bệnh nhân. Từ đó, mỗi phương pháp điều trị được lựa chọn, mỗi viên thuốc được kê đều là sự cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên điều kiện cơ lợi nhất cho bệnh nhân. Ông nhấn mạnh: “Muốn thành bác sĩ giỏi thì phải là bác sĩ mặt tươi. Nghĩa là phải luôn mỉm cười, ân cần, nhẹ nhàng, trìu mến và tận tâm với từng bệnh nhân như với người thân ruột thịt”.


Đoàn bác sĩ Hoa Kỳ đặt chân đến ĐH Tân Tạo sáng ngày 26/6/2017.

Đoàn bác sĩ Hoa Kỳ đặt chân đến ĐH Tân Tạo sáng ngày 26/6/2017.

Chia sẻ học thuật không phải là một sự mạo hiểm

Phạm Hồng Gia Nguyên, niềm tự hào của sinh viên Y TTU, hiện đang thực tập tại Mỹ khẳng định như vậy. Nguyên nghiệm ra điều này đã lâu. Những ngày rong ruổi trên con tàu bệnh viện USNS Mercy mang số hiệuT-AH-19 với vai trò phiên dịch ca bin cho đoàn bác sĩ thiện nguyện quốc tế, chứng kiến đôi vợ chồng già người Campuchia khóc khô nước mắt cầu xin sự cứu giúp y tế “trái tim em như bị bóp chặt lại, rất xót xa. Em quyết tâm trở thành bác sĩ để chữa bệnh, cứu người như cha em, như vị bác sĩ Hoa Kỳ đáng kính đang ngồi trước mặt em ân cần lắng nghe mọi nỗi niềm của người bệnh với tất cả từ tâm và kiên nhẫn. Dù thực lòng, họ cũng không hiểu gì nhiều. Nhưng em biết, trái tim họ cảm nhận được những điều không cần ngôn ngữ”. Nguyên hồi tưởng và khẳng định: “Các bác sĩ chia sẻ với bất cứ ai muốn tìm hiểu Y học mọi điều họ biết”. “

Đối với Y học, một cá nhân không mong tạo nên nhiều kỳ tích. Một vài kỳ tích cũng không thể làm thay đổi thế giới. Phải là số đông, sức mạnh tập thể, sự chuyển giao các thế hệ bác sĩ, phải có đủ bác sĩ giỏi cho mọi bệnh nhân trên toàn thế giới. “Hãy chia sẻ và cùng nhau hoàn thiện, đó mới là giá trị của ngành Y” - GS. Thạch Nguyễn nhấn mạnh.

TTU trao tặng “Của để dành”

Tập thể bác sỹ Hoa Kỳ chụp ảnh lưu niệm.
Tập thể bác sỹ Hoa Kỳ chụp ảnh lưu niệm.

“Của để dành” mang dấu ấn TTU chính là những khóa thực tập lâm sàng tại Mỹ và ngược lại. Với tầm ảnh hưởng và uy tín trên toàn thế giới, GS. Thạch Nguyễn đã kéo gần khoảng cách hai nửa bán cầu bằng những khóa thực tập lâm sàng vô cùng quý giá. Ông thông báo cho chúng tôi về việc có 2 sinh viên Y ở Hà Nội và 3 bác sĩ trẻ ở Sài Gòn xin vô lớp học ngày 26/6 nhưng từ chối nêu danh.

“Việc nêu tên họ không cần thiết. Điều quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh chính là quan điểm mở cửa học thuật. TTU học theo lối Mỹ và luôn muốn chia sẻ để tiến bộ hơn.

Chúng tôi dùng chính sự lan tỏa học thuật này làm nên dấu ấn riêng”. Vị giáo sư đáng kính bày tỏ việc trao tặng kiến thức là lẽ thường tình. Các giáo sư già có trách nhiệm hướng dẫn và huấn luyện thế hệ bác sĩ trẻ để họ tiếp tục sự nghiệp chung.

Minh Nguyễn