Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu:

“Bội thu” từ phong trào “nuôi heo đất khuyến học”

(Dân trí) - Năm 2016, Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu được một mùa “bội thu” phong trào “nuôi heo đất tiết kiệm khuyến học”, góp phần phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở địa phương.

Hơn 28 tỷ đồng từ “nuôi heo đất khuyến học”

Hội Khuyến học (HKH) tỉnh Bạc Liêu vừa tổ chức tổng kết công tác khuyến học năm 2016 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2017.

Báo cáo tổng kết của HKH tỉnh Bạc Liêu cho thấy, một trong những hoạt động hiệu quả của tỉnh Hội trong năm qua là công tác vận động quỹ khuyến học và xã hội hóa giáo dục. Theo đó, các cấp Hội trong tỉnh đã vận động được trên 81 tỷ đồng (đạt 162,3% so với chỉ tiêu năm 2016 và tăng trên 10 tỷ đồng so với năm 2015) để chăm lo cho học sinh, sinh viên nghèo và hỗ trợ cho các địa phương trong việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục. Trong đó, riêng công tác xã hội hóa giáo dục đạt trên 41,6 tỷ đồng.

Trong khi đó, phong trào “nuôi heo đất tiết kiệm khuyến học” của HKH tỉnh Bạc Liêu được đánh giá là một phong trào có ý nghĩa và mỗi năm số tiền thu được đều tăng khá cao. Nếu như năm 2015 toàn tỉnh khui được 37.000 con heo đất (thu trên 12,5 tỷ đồng) thì năm 2016, các cấp Hội được một mùa “bội thu” từ phong trào này. Cụ thể, năm 2016 toàn tỉnh đã khui gần 55.000 con heo đất (tăng trên 17.000 con), thu tổng số tiền trên 28,1 tỷ đồng (tăng hơn 15 tỷ đồng).

Đặc biệt, HKH huyện Phước Long là đơn vị dẫn đầu phong trào “nuôi heo đất”, với gần 17.000 con heo đất, thu trên 12,6 tỷ đồng; tiếp đến là thị xã Giá Rai, với trên 14.000 con heo đất, đạt trên 6,8 tỷ đồng; huyện Đông Hải khui hơn 12.000 con, thu trên 2,8 tỷ đồng,…

Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu tổng kết phong trào khuyến học năm 2016 và triển khai công tác năm 2017.
Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu tổng kết phong trào khuyến học năm 2016 và triển khai công tác năm 2017.

Đối với các Sở, ngành tỉnh, đơn vị có phong trào “nuôi heo đất” sôi nổi nhất là Chi hội Khuyến học Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu. Năm 2016, Chi hội này đã khui 58 con heo đất, với số tiền gần 88 triệu đồng (so với năm 2015 tăng gần 30 triệu đồng).

Theo HKH tỉnh Bạc Liêu, năm qua, một số đơn vị như huyện Phước Long, thị xã Giá Rai, TP Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi,… đều vượt chỉ tiêu đề ra trong việc vận động quỹ, xã hội hóa giáo dục và nuôi heo đất; trong đó, huyện Phước Long đạt tỷ lệ đến 313%.

Cũng trong năm 2016, từ các nguồn vận động, các cấp Hội đã trao trên 8.400 suất học bổng cho các em học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn, với tổng trị giá trên 6,1 tỷ đồng (bình quân mỗi suất học bổng là 734.000 đồng).

Nhiều tập thể của các cấp Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu nhận bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trong năm 2016.
Nhiều tập thể của các cấp Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu nhận bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trong năm 2016.

Bà Nguyễn Thị Quế Phượng - Phó Chủ tịch HKH tỉnh Bạc Liêu, đánh giá: “Công tác vận động quỹ khuyến học, xã hội hóa giáo dục và nuôi heo đất tiết kiệm có những kết quả ngoài mong đợi, chứng tỏ công tác khuyến học đã tạo được lòng tin trong cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, tạo được sự sôi nổi phong trào, có thêm điều kiện hỗ trợ về cơ sở vật chất cho các trường và giúp cho học sinh, sinh viên nghèo có thêm điều kiện học tập”.

Phó Chủ tịch HKH tỉnh Bạc Liêu cho biết thêm, năm 2016, tỉnh Hội đã phát triển mới 58 Chi hội cơ quan, trường học; trên 56.000 Hội viên; công nhận thêm trên 35.000 Gia đình học tập; công nhận mới 162 Dòng họ học tập;… “Đạt được những con số này là nhờ sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy và các ngành có liên quan, cùng sự nỗ lực không ngừng của các cấp Hội vượt qua khó khăn để thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập. Bên cạnh đó, việc triển khai các văn bản của Bộ GD-ĐT, Hội Khuyến học Việt Nam đã nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên và nhân dân hiểu hơn ý nghĩa của công tác khuyến học khuyến tài, về phong trào học tập suốt đời và hiệu quả của việc xây dựng các mô hình học tập ở địa phương”, bà Nguyễn Thị Quế Phượng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, lãnh đạo HKH tỉnh Bạc Liêu cũng nhìn nhận, tuy phong trào khuyến học trong tỉnh đã có bước chuyển biến tốt, nhưng vẫn còn tình trạng không đồng đều ở các địa phương. Một số đơn vị công tác phát triển hội viên, gia đình học tập, dòng họ học tập, vận động quỹ khuyến học, nuôi heo đất tiết kiệm,… còn thấp, chưa thật sự làm nổi bật phong trào khuyến học, khuyến tài và sâu rộng trong nhân dân.

Một trong những tồn tại mà HKH tỉnh Bạc Liêu nêu ra là vấn đề thù lao và kinh phí hoạt động cho cán bộ làm công tác khuyến học ở cơ sở theo Quyết định 30/QĐ/2011/TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 2285/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bạc Liêu. Theo lãnh đạo HKH tỉnh Bạc Liêu, hiện nay, chỉ có 10/64 xã, phường, trị trấn trong tỉnh được hưởng chế độ thù lao. Đây là khó khăn, bức xúc của các cấp Hội trong nhiều năm qua nhưng chưa được giải quyết.

Các cấp Hội tỉnh Bạc Liêu cùng ký kết phong trào thu đua khuyến học trong năm 2017.
Các cấp Hội tỉnh Bạc Liêu cùng ký kết phong trào thu đua khuyến học trong năm 2017.

Đẩy mạnh “nuôi heo đất” vào trường THPT

Triển khai công tác trong năm 2017, lãnh đạo HKH tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh Hội sẽ tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ chính là xây dựng xã hội học tập, với chỉ tiêu phấn đấu số gia đình học tập được công nhân đạt 50% so với số hộ có ở địa phương; số cộng đồng học tập thuộc cấp xã quản lý đạt 40% so với số khóm, ấp ở địa phương;….

Một nhiệm vụ quan trọng mà các cấp Hội trong tỉnh thực hiện là tăng cường vận động, phát triển quỹ khuyến học, xã hội hóa giáo dục và nuôi heo đất tiết kiệm, với mục tiêu 7 huyện, thị, thành đạt trên 50 tỷ đồng; trong đó, mỗi địa phương từ 5-8 tỷ đồng.

Để đạt các mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Kiên Nhẫn- Chủ tịch HKH tỉnh Bạc Liêu, yêu cầu các địa phương vận động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho công tác giáo dục, giúp đỡ học sinh, sinh viên, giáo viên khó khăn, cũng như phát động phong trào hiến đất xây trường học; các cấp Hội cần phối hợp với các địa phương, các ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, phụ huynh học sinh tham gia “nuôi heo đất” tiết kiệm khuyến học.

“Đặc biệt, ở các trường THPT hiện nay vẫn chưa có phong trào nuôi heo đất tiết kiệm khuyến học. Do đó, các cấp Hội cần tham mưu, đề xuất, liên kết với ngành giáo dục để phát động, vận động các trường THPT nói riêng, các cơ sở giáo dục nói chung tham gia phong trào có ý nghĩa này, để tạo nguồn giúp đỡ nhiều hơn nữa các em học sinh, sinh viên còn khó khăn trong tỉnh”, Chủ tịch HKH tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo rõ.

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Kiên Nhẫn yêu cầu các cấp Hội đẩy mạnh phong trào nuôi heo đất tiết kiệm khuyến học trong các trường THPT.
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Kiên Nhẫn yêu cầu các cấp Hội đẩy mạnh phong trào "nuôi heo đất tiết kiệm khuyến học" trong các trường THPT.

Cũng theo HKH tỉnh Bạc Liêu, Trung ương HKH Việt Nam có chỉ đạo hướng đến cuối năm 2017 có 60% Trung tâm có giáo viên biệt phái, 100% Trung tâm học tập cộng đồng có cộng tác viên là giáo viên dạy nghề ngắn hạn để thực hiện việc dạy nghề cho lao động ở nông thôn. “Vấn đề này qua tham khảo với ngành giáo dục thì rất khó thực hiện. Đề nghị Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam có văn bản hướng dẫn và nêu giải pháp cụ thể để thực hện”, lãnh đạo HKH tỉnh Bạc Liêu kiến nghị thêm.

Huỳnh Hải