Nhìn lại quá trình chinh phục vũ trụ của SpaceX
(Dân trí) - Ra đời từ năm 2002, SpaceX đã phát triển nhiều nguyên mẫu tên lửa đẩy khác nhau trước khi đạt được thành công như hiện nay.
SpaceX được ra đời vào năm 2002, là “bước chân” đầu tiên trong tham vọng chinh phục vũ trụ và đưa người lên sao Hỏa của nhà sáng lập Elon Musk. Giờ đây, công ty này đã ở một tầm cao khác so với những doanh nghiệp khởi nghiệp về lĩnh vực vũ trụ.
Công ty có trụ sở tại Hawthorne, California này thường xuyên tái sử dụng các tên lửa đẩy, gửi hàng hóa và các phi hành gia đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) bằng tàu vũ trụ Dragon của mình. Không chỉ ISS, SpaceX đang phát triển các tên lửa đẩy và tàu vũ trụ để phóng lên mặt trăng và sao Hỏa.
Để có được thành công ngày hôm nay, SpaceX đã phát triển rất nhiều nguyên mẫu tên lửa đẩy và tàu vũ trụ khác nhau. Dưới đây là quá trình phát triển các loại tên lửa đẩy của SpaceX.
Falcon 1
Falcon 1 là tên lửa đầu tiên được sản xuất bởi SpaceX. Nó được phát triển để có thể có mang khối lượng lên tới 670kg lên quỹ đạo trái đất tầm thấp (ở độ cao 160km). Falcon 1 được sử dụng từ năm 2006 đến năm 2009.
Sau ba lần phóng thất bại, Falcon 1 đã đưa một mô hình tàu vũ trụ lên không gian vào ngày 29/9/2008. Vào lần phóng thứ năm và cũng là lần phóng cuối cùng của dòng tên lửa Falcon 1, nó đã đưa lên quỹ đạo RazakSAT, một vệ tinh quan sát Trái đất của Malaysia.
Falcon 1 cao 21m, được vận hành bởi một động cơ (biểu thị cho số “1” trong tên của nó), hoạt động bằng ôxy dạng lỏng và dầu hỏa dành riêng cho tên lửa.
Một điều khá thú vị đó là Elon Musk đã đặt tên của dòng tên lửa Falcon theo tên chiếc tàu nổi tiếng trong Star Wars: Millennium Falcon.
Phát triển Falcon 9
SpaceX nhận thấy cần một tên lửa hạng nặng tốt hơn chiếc Falcon 1 cũ. Công ty sau đó đã xem xét về việc phát triển một tên lửa tầm trung gọi là Falcon 5, nhưng quyết định bỏ qua Falcon 5 và bắt đầu chế tạo Falcon 9, sử dụng một cụm chín động cơ.
Falcon 9 là tên lửa 2 tầng cao 70m, rộng 3,7m, có thể mang theo khối lượng 13.150kg lên quỹ đạo tầm thấp của trái đất.
SpaceX lần đầu tiên công bố về kế hoạch phát triển Falcon 9 vào năm 2005 và tên lửa Falcon 9 lần đầu tiên vào ngày 7/6/2010 ở sân bay không quân Mũi Canaveral (bang Florida, Mỹ).
Tái sử dụng các tên lửa đẩy
Ngay từ khi bắt đầu phát triển Falcon 9, SpaceX đã quan tâm đến việc tái sử dụng các tên lửa đẩy cũ để tiết kiệm chi phí phóng. Tuy nhiên, những cuộc thử nghiệm đầu tiên của SpaceX đều không thành công. SpaceX đã cố gắng trong lần thứ nhất, lần thứ hai và lần thứ tám để điều khiển tên lửa đẩy trở về mặt đất, nhưng tất cả đều thất bại.
SpaceX cuối cùng đã điều khiển thành công được tên lửa đẩy ở lần phóng thử thứ 9 của Falcon 9 vào ngày 18/4/2014. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc tái sử dụng tên lửa.
Lần hạ cánh thành công đầu tiên của một tên lửa Falcon 9 là vào ngày 21/12/2015, tại một địa điểm hạ cánh có logo SpaceX nằm ở Sân bay không quân Mũi Canaveral ở Florida.
Ước mơ về Dragon
SpaceX có 18 tháng đầu tiên xây dựng tàu vũ trụ Dragon trong sự bí mật. Đến tháng 3/2006, công ty mới công bố về dự án Dragon với thế giới. Mục tiêu của SpaceX là phát triển một con tàu vũ trụ tư nhân có thể vận chuyển hàng hóa lên ISS.
Sau khi SpaceX đạt được nhiều thành quả khác nhau, tháng 12/2008, NASA cuối cùng đã chọn SpaceX là một trong những công ty cung cấp dịch vụ tiếp tế thương mại đến trạm vũ trụ ISS. Giá trị hợp đồng của SpaceX ở thời điểm đó tối thiểu là 1,6 tỷ USD, với các điều khoản để mở rộng lên thành 3,1 tỷ USD.
Những chuyến bay sớm của Dragon
Dragon đã thực hiện chuyến bay đầu tiên của mình từ Sân bay không quân Mũi Canaveral (Florida) vào ngày 8/12/2010 và đã diễn ra thành công tốt đẹp. Vào ngày 22/3/2012, SpaceX đã thực hiện một thử nghiệm quan trọng: kết nối tàu Dragon với Trạm Không gian Quốc tế ISS.
Sau khi phóng, Dragon đã tiếp cận được ISS vào ngày 25/3. Mặc dù gặp một số vấn đề, quá trình kết nối đã hoàn tất. Đó là cột mốc đáng nhớ và là lần đầu tiên một con tàu vũ trụ của tư nhân kết nối được với ISS.
Từ đó, SpaceX đã nâng cấp những con tàu Dragon của họ lên để mỗi tàu có thể tái sử dụng ít nhất 2 chuyến bay.
Grasshopper
Grasshopper là một nguyên mẫu tên lửa cao 100 tầng, được phóng ở sân bay của SpaceX nằm ở bang Texas.
Mặc dù Grasshopper không nhận được nhiều sự quan tâm từ truyền thông như các dự án khác, đây là chìa khóa để tiếp tục phát triển một phiên bản tái sử dụng của tên lửa Falcon 9 và được SpaceX sử dụng để nghiên cứu về phương án hạ cánh theo chiều thẳng đứng của các tên lửa đẩy.
Tên lửa Grasshopper thực hiện 8 chuyến bay thử từ năm 2011 đến năm 2013, với chuyến bay thử cuối cùng đưa Grasshopper lên độ cao 744m.
Dự án Grasshopper bây giờ đã được dừng lại để SpaceX có thể tập trung đến việc phát triển Falcon 9.
Phát triển tên lửa Falcon 9 tái sử dụng được
SpaceX đã đưa ra thông báo chính thức về mẫu tên lửa tái sử dụng được của Falcon 9 vào năm 2012. Đây là một phiên bản nâng cao của Falcon 9 cũ.
SpaceX thực hiện 4 chuyến bay thử nghiệm tại Khu McGregor từ tháng 4 đến tháng 8/2014, với độ cao tối đa của từng chuyến bay lên đến hơn 1000m.
Tên lửa trong chuyến bay thử cuối cùng, được phóng vào ngày 22/8/2014, đã phát nổ do một cảm biến đã gặp sự cố.
Khu hạ cánh dành cho tên lửa đầu tiên của SpaceX
Bức ảnh này biểu thị Khu hạ cánh 1, một khu hạ cánh dành cho các tên lửa Falcon 9 đời thứ nhất tại Sân bay Không quân Mũi Canaveral. Đây là nơi SpaceX đã điều khiển được một lần hạ cánh thành công của Falcon 9 vào ngày 21/12/2015. Lần hạ cánh này là cực kì tốt đẹp vì chuyến bay Falcon 9 trước đó, vào tháng 6/2015, kết thúc thảm khốc với một vụ nổ.
Hạ cánh ở mặt đất
Cuộc hạ cánh thành công đầu tiên của SpaceX tại Khu hạ cánh 1 vào 21/12/2015, được ca ngợi là một cột mốc trong việc tái sử dụng tên lửa. Tuy nhiên, công ty này vẫn đang tiếp tục cố gắng để cải tiến về lĩnh vực này.
Năm 2015 , SpaceX cũng cố gắng trong việc hạ cánh tên lửa Falcon 9 lên một tàu tự động không người lái trên biển. Với những lần hạ cánh đều thất bại, Elon Musk đã đăng các video và các bức ảnh lên trang Twitter cá nhân của ông để thừa nhận sai lầm của bản thân ông, và công ty này sẽ phải làm việc chăm chỉ để cải thiện những chuyến bay kế tiếp.
Lần đầu tiên hạ cánh thành công trên biển
Sự kiên trì của Musk và các nhân viên của ông cuối cùng đã được đền đáp khi một chiếc Falcon 9 đời thứ nhất đáp xuống êm ái một con tàu không người lái có tên “Of Course I Still Love You“ nằm ở giữa Đại Tây Dương vào ngày 8/4/2016 . Con tàu Dragon mà chiếc Falcon 9 này phóng lên cũng đạt một cột mốc mới khi đã vận chuyển thành công một mô-đun hàng hóa đến ISS.
Sự thành công của SpaceX với những chuyến hạ cánh của tên lửa đẩy xuống các tàu không người lái biển bắt đầu tăng chóng mặt kể từ chuyến bay năm 2016. Tỉ lệ thành công khi bay của Falcon 9 cũng rất cao khi lần gần nhất tên lửa này thất bại là vào tháng 9/2016, khi một tên lửa phát nổ ở khu phóng ngay trước khi cất cánh.
SpaceX còn có cả một con tàu thủy không người lái thứ hai tên là “Just Read the Instructions“, được sử dụng để đón những tên lửa đẩy hạ cánh xuống Thái Bình Dương sau khi phóng. Cả hai con tàu không người lái của SpaceX đều được đặt tên theo những con tàu hư cấu trong bộ truyện khoa học viễn tưởng của Iain M. Banks.
Elon Musk ghi tên mình vào lịch sử nhân loại
Vào khoảng 5:30 sáng 31/3/2017 (theo giờ Việt Nam) tại bãi phóng Pad 39A nằm trong trung tâm vũ trụ Kened, SpaceX đã thực hiện thành công một chuyến bay lịch sử, qua đó phóng lại tên lửa mang tên Falcon 9 đã qua sử dụng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại có một tên lửa vũ trụ được tái sử dụng và phóng trở lại vào không gian.
Việc phóng thành công tên lửa tái sử dụng của Elon Musk mở ra một cuộc cách mạng mới cho ngành hàng không vũ trụ, giúp giảm đáng kể chi phí để du hành vào vũ trụ.
Bằng việc phóng thành công tên lửa tái sử dụng, Elon Musk đã ghi tên mình vào lịch sử nhân loại.