Việt Nam đang thực hiện tốt đầu tư cho cơ sở hạ tầng

Vừa qua Trung tâm Cơ sở hạ tầng toàn cầu (GI Hub) thuộc Nhóm các nền kinh tế lớn G20 đã tiến hành nghiên cứu và phát hành báo cáo Viễn cảnh cơ sở hạ tầng toàn cầu. Trên cơ sở những dữ liệu đáng tin cậy, bằng công cụ phân tích khoa học, báo cáo đã đưa ra những dự đoán về viễn cảnh của cơ sở hạ tầng của thế giới từ nay đến năm 2040.

Dân trí đã có cuộc phỏng vấn với ông Chris Heathcote, Giám đốc Điều hành GI Hub về kết quả và ý nghĩa của báo cáo này.

- Thưa ông, xin ông chia sẻ rõ hơn về báo cáo Viễn cảnh cơ sở hạ tầng toàn cầu của GI Hub và mục đích của báo cáo này?

- “Viễn cảnh cơ sở hạ tầng toàn cầu” là một báo cáo phân tích toàn diện và dự báo các nhu cầu chi tiêu cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới từ nay đến năm 2040. Lần đầu tiên trong lịch sử các Chính phủ và khối ngành cơ sở hạ tầng có thể tiếp cận dữ liệu của 50 quốc gia và 7 lĩnh vực, và biết được nhu cầu chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trong vòng 25 năm tới. Bên cạnh đó, báo cáo còn chỉ ra khoảng cách chi tiêu đến năm 2040 – khoảng cách giữa nhu cầu đầu tư và xu hướng đầu tư hiện tại.

Ông Chris Heathcote, Giám đốc Điều hành GI Hub
Ông Chris Heathcote, Giám đốc Điều hành GI Hub

- Báo cáo đã được lập như thế nào? Mất bao nhiêu thời gian và làm thế nào để thực hiện các nghiên cứu và khảo sát?

Báo cáo Viễn cảnh được xây dựng nhờ vào nỗ lực hợp tác trong hơn 1 năm giữa Trung tâm Hạ tầng Toàn cầu và đơn vị tư vấn Oxford Economics. Chúng tôi đã tạo ra một cơ sở dữ liệu quan trọng về lịch sử đầu tư cơ sở hạ tầng cho từng ngành cho 50 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Cơ sở dữ liệu đến từ các kho lưu trữ dữ liệu quốc gia và trải rộng từ các nguồn như Ngân hàng Thế giới, InfraLatAm, OECD và các cơ quan khác.

Chúng tôi áp dụng cách tiếp cận thống kê chi tiết, từ trên xuống dưới, sử dụng 7 mô hình kinh tế lượng để tạo ra 350 dự báo về 50 quốc gia và 7 lĩnh vực. Những nghiên cứu này xem xét các vấn đề chi tiêu trong quá khứ, các đặc điểm kinh tế và nhân khẩu học cụ thể của các quốc gia và chất lượng cơ sở hạ tầng hiện hành.

Những phát hiện đáng chú ý của báo cáo này là gì thưa ông?

Theo như nghiên cứu của chúng tôi, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu cho tới năm 2040 cần đạt mức 94 nghìn tỷ USD nhằm đáp ứng đủ cơ sở hạ tầng. Khối ngành đường bộ và điện năng đòi hỏi kinh phí lớn nhất do xu hướng đô thị hóa đang gia tăng trên toàn thế giới. Châu Á là nơi có nhu cầu cơ sở hạ tầng lớn nhất thế giới, ở mức 52 nghìn tỷ đô la Mỹ cho tới năm 2040.

Đây là thách thức lớn không chỉ đối với các nền kinh tế mới nổi đang cần xây hạ tầng mới, mà còn đối với những quốc gia đã phát triển hiện đang sở hữu những hệ thống hạ tầng xuống cấp cần được thay thế. Hoa Kỳ là quốc gia sẽ có mức thiếu hụt chi tiêu cho hạ tầng cao nhất, ở mức 3,8 nghìn tỷ đô la Mỹ, trong khi đó, Trung Quốc có nhu cầu phát triển hạ tầng lớn nhất, đạt 28 nghìn tỷ - chiếm tới 30% tổng nhu cầu đầu tư hạ tầng toàn cầu.

Ngoài ra, để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (LHQ) về cung cấp điện năng và nước sạch, sẽ cần thêm 3,5 nghìn tỷ đô la Mỹ so với mức hiện tại để lấp đầy khoảng cách trong đầu tư hạ tầng, nâng tổng mức giá trị đầu tư lên 97 nghìn tỷ đô la Mỹ.

Nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ 2016-2040 tại các nước châu Á (trừ Trung Quốc) – Đơn vị: tỷ đô la Mỹ.
Nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ 2016-2040 tại các nước châu Á (trừ Trung Quốc) – Đơn vị: tỷ đô la Mỹ.

Ông có vừa nhắc tới các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. Vậy thì báo cáo Viễn cảnh cơ sở hạ tầng toàn cầu có ý nghĩa như thế nào đối với các mục tiêu này?

Báo cáo này giúp chúng ta phân tích và theo dõi các hoạt động cốt lõi đã tương hợp với các mục tiêu phát triển bền vững LHQ hay chưa. Trong năm 2015, LHQ đã thông qua một loạt các mục tiêu này cần đạt được vào năm 2030, bao gồm hành động về biến đổi khí hậu, các thành phố bền vững, 100% nước sạch, vệ sinh và điện năng. Báo cáo này thực sự đáng quan tâm và nên được coi là một hồi chuông cảnh tỉnh toàn cầu.

Ông đánh giá như thế nào về nhu cầu đầu tư hạ tầng ở Việt Nam?

Theo tính toán của chúng tôi, nhu cầu đầu tư vào hạ tầng của Việt Nam là 605 tỷ USD giai đoạn 2016 -2040. Xét tỷ lệ đầu tư vào hạ tầng trên GDP thì nhu cầu đầu tư vào hạ tầng của Việt Nam chiếm 5,87%, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ hai tại châu Á sau Trung Quốc. Việt Nam được dự đoán sẽ đáp ứng được 83% tổng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng. Khoảng trống lớn nhất nằm ở khối ngành đường bộ với nhu cầu vốn đầu tư tăng thêm tới 70% để có thể đáp ứng các nhu cầu dự đoán.

Thưa ông, báo cáo này sẽ giúp ích gì cho các chính phủ trong việc đảm bảo đầu tư đúng cho cơ sở hạ tầng? Trong trường hợp Việt Nam, ông có lời khuyên cụ thể nào cho chính phủ Việt Nam?

Chúng tôi đã chia sẻ báo cáo Viễn cảnh với các chính phủ ở 50 quốc gia. Có rất nhiều sáng kiến có thể được thực hiện và chúng áp dụng bình đẳng cho tất cả các nước. Điều này bao gồm cơ chế quản trị và ra quyết định rõ ràng cho đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng các quy trình lập kế hoạch đủ mạnh để đảm bảo phát triển đúng cơ sở hạ tầng, ở đúng vị trí, đúng lúc, và tuyển dụng những người có chuyên môn phù hợp.

Dựa trên phân tích của chúng tôi, liên quan đến quy hoạch hạ tầng và quy trình mua sắm thì Việt Nam là quốc gia thực hiện tốt hơn so với mức trung bình của các nước mới nổi. Nhưng cũng giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cần làm nhiều hơn đối với quy trình cấp giấy phép và môi trường quy phạm pháp luật.

Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn và hy vọng báo cáo Viễn cảnh sẽ là công cụ đắc lực cho các chính phủ trên toàn cầu trong việc hoạch định đầu tư cơ sở hạ tầng cho tương lai!

Minh Khuê