Nhiều bất cập ở tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Kiên Giang

(Dân trí) - Tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh - Kiên Giang được đưa vào khai thác nhằm giảm áp lực cho đường bộ và kết nối các phương thức vận tải, tuy nhiên sau 1 năm mở tuyến đã có một số bất cập về thủ tục tàu ra vào cảng biển và chứng chỉ điều khiển phương tiện đi ven biển.

Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai tuyến vận tải biển của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hôm nay (26/10), đã đánh giá những hiệu quả bước đầu trên tuyến ven biển từ Quảng Ninh - Quảng Bình - Bình Thuận - Kiên Giang.

Theo đó, Cảng vụ Đường thủy nội địa và Cảng vụ Hàng hải đã làm thủ tục cho 6.346 lượt phương tiện mang cấp VR-SB vào/rời cảng, bến thủy nội địa, cảng biển với hơn 6 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển. Các mặt hàng chủ yếu được vận chuyển trên tuyến ven biển gồm than, xỉ than, đá, đất, sắt, phân bón, xi măng, quặng, dầu FO…

Sau 1 năm mở tuyến vận tải ven biển đã xảy ra 5 vụ tai nạn và sự cố liên quan đến phương tiện VRR-SB trong quá trình hoạt động trên tuyến, trong đó có 1 trường hợp tàu bị đắm, 2 trường hợp tàu mắc cạn và 2 trường hợp tàu gặp sự cố. Nguyên nhân của tình hình trên là do gặp thời tiết xấu, phương tiện hoạt động không đúng tuyến luồng được công bố.

Vận tải biển đang được đẩy mạnh để giảm tải cho đường bộ (ảnh: Tùng Nguyên)
Vận tải biển đang được đẩy mạnh để giảm tải cho đường bộ (ảnh: Tùng Nguyên)

Mục tiêu Bộ GTVT mở tuyến vận tải ven biển là nhằm tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có, nhằm giảm áp lực cho đường bộ và kết nối hài hòa các phương thức vận tải. Tuy nhiên, khi hoạt động trên tuyến ven biển, tàu VR-SB được miễn thông báo và xác báo tàu đến cảng, không phải nộp bản khai chung nên công tác tìm kiếm cứu nạn đối với tàu VR-SB gặp nhiều khó khăn do thiếu thông tin liên lạc với tàu, chủ tàu, dẫn đến thiếu thông tin để điều động, hướng dẫn tàu thuyền ra vào luồng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn hàng hải.

Liên quan đến vấn đề phí quản lý, theo Bộ GTVT, để có cơ sở thực hiện việc tính các loại phí, lệ phí thì người làm thủ tục khai báo một số thông tin cần thiết để làm căn cứ quản lý và thực hiện việc tính phí, lệ phí hàng hải như thời gian đến vùng neo, tổng dung tích… thì thông tin trên giấy phép rời cảng là chưa đủ căn cứ để thực hiện việc tính phí.

Một vấn đề khó khăn khác cũng được đề cập là thuyền viên, bằng cấp và chứng chỉ chuyên môn. Trong đó, các thuyền viên tàu VR-SB chưa chú trọng học tập lấy chứng chỉ điều khiển phương tiện đi biển, chủ tàu cũng chưa thực sự quan tâm bố trí thuyền viên đáp ứng đủ các yêu cầu trong mỗi ca làm việc trên tàu, dẫn đến khi triển khai vấn đề định biên an toàn tối thiểu đối với tuyền viên trên phương tiện hoạt động đã có những khó khăn, lúng túng.

Ngoài ra, hiện nay hệ thống hạ tầng kết nối, tuyến luồng còn hạn chế, quy mô đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu vận tải. Tình trạng một số cửa sông khan cạn, chưa được đầu tư nạo vét, bố trí phao tiêu, báo hiệu hướng dẫn luồng lạch ảnh hưởng tới công tác đảm bảo an toàn và năng lực vận chuyển của các phương tiện.

Bộ GTVT cho biết, để khắc phục các khó khăn, tháng 9 vừa qua đã ban hành Thông tư 54/2015/TT-BGTVT quy định thủ tục điện tử cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào/rời cảng biển. Bộ này cũng đã ban hành Thông tư 47/2015/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 1/1/2016,  quy định phạm vi, trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa.

C.N.Q