Hà Nội:

Hành khách “than khổ” vì phải vào quầy mua vé xe

(Dân trí) - Mới đây, bến xe Gia Lâm (Hà Nội) ra quy định tất cả hành khách muốn đi lại bằng xe khách phải vào quầy mua vé mới được ra bãi đón xe. Quy định này giúp việc kinh doanh vận chuyển hành khách diễn ra lành mạnh nhưng nhiều hành khách thấy phiền phức.

Theo phản ánh của một số hành khách thường xuyên đi lại bằng xe khách tại bến xe Gia Lâm (Hà Nội), khoảng 1 tuần trở lại đây, bến xe này quy định tất cả hành khách phải vào quầy mua vé mới được ra bãi phía sau bến này đón xe.

Em Nguyễn Ngọc Uyên, quê Hải Dương, sinh viên năm 2 trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cho biết: “Em khá bất ngờ, vì từ trước đến giờ em về quê là cứ ra thẳng xe ở bãi sau đón, sau đó đi dọc đường nhà xe mới thu tiền. Giờ bến xe qui định phải vào quầy mua vé mới cho ra đón xe. Em thường về cuối tuần, nên rất đông, em đợi khá lâu mới mua được vé. Bến xe qui định như này là bắt bọn em phải chờ 2 lần như: chờ mua vé, ra xe lại chờ đợi xe chạy rất mất thời gian”.

Anh Nguyễn Văn Mạnh (28 tuổi, ở Đông Hưng – Thái Bình) phản ánh: “Bình thường tôi căn thời gian nhà xe tôi đi quen mấy giờ chạy, tôi ra thẳng xe là lên được luôn. Nhưng bây giờ lại phải qua công đoạn vào quầy mua vé nên rất mất thời gian, tôi mong muốn bến xe có biện pháp nào đó, hay phải bố trí quầy bán vé nhiều lên để đẩy nhanh tiến độ hơn nữa”.

Hành khách có vé mới được đi ra đón xe

Hành khách có vé mới được đi ra đón xe

Hành khách sốt ruột vì phải chờ đợi mua vé tại quầy.

Hành khách sốt ruột vì phải chờ đợi mua vé tại quầy.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đức Vui – PGĐ Bến xe Gia Lâm cho biết, việc qui định hành khách phải vào quầy mua vé để đi lại bằng xe khách tại các bến đã có từ lâu. Nhưng thời gian vừa qua các bến thực hiện việc này vẫn còn hạn chế, mà xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, việc in và bán vé chặng rất khó, vì nhiều địa phương chưa xây dựng được các trạm dừng đỗ dọc đường, nên cơ chế làm vé chặng chưa có căn cứ thực tế.

Mới đây, một số địa phương đã xây dựng được nhiều điểm dừng đỗ trên các tuyến đường, nên việc in và bán vé chặng mới triển khai được. Đồng thời bến xe cũng thúc giục các doanh nghiệp vận tải phải làm báo cáo với Sở GTVT, Sở Tài chính, Cục Thuế địa phương để đề suất làm vé tuyến, vé chặng gửi về các bến xe.

Ông Vui cho biết: “Chúng tôi ra qui định tất cả hành khách đi lại bằng xe khách tại bến xe Gia Lâm bắt buộc phải vào quầy mua vé mới được ra bãi sau đón xe bắt đầu từ ngày 1/11. Trước khi ra qui định này, chúng tôi đã tiến hành họp với các doanh nghiệp vận tải trước 30 ngày. Tất cả họ đều đồng ý và cho rằng làm như vậy là văn minh, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh. Chúng tôi còn tiến hành họp để phối hợp với Công an quận Long Biên, đội CSGT số 5, Công an hình sự Thành phố và các lực lượng chức năng khác để đề phòng có những đối tượng chống đối trong bến là xử lý ngay. Hơn nữa, nhiều khả năng sẽ có nhóm hành khách không đợi mua vé mà ra ngoài đường đón xe thì lực lượng trên cũng tiến hành xử lý”.

Hành khách sốt ruột vì phải chờ đợi mua vé tại quầy.

Nhân viên của bến xe có trách nhiệm hướng dẫn, tư vấn cho hành khách mua vé xe nào đi thuận lợi và số tiền hợp lý nhất

Khi phóng viên đề cập đến việc hành khách phàn nàn là phải chờ khá lâu mới mua được vé tại quầy, ông Vui giải thích: Trước đây hành khách đã quen với việc ra thẳng xe và đi dọc đường mới trả tiền, nên việc chậm thêm đôi chút thời gian vào quầy mua vé khiến nhiều người chưa quen và tỏ thái độ khó chịu. Việc chậm này chỉ diễn ra trong những ngày cuối tuần, nhưng cũng không để hành khách phải đợi quá lâu. Hiện tại, bến xe Gia Lâm cũng đã tăng thêm quầy bán xe từ 7 lên 10 quầy. Ngày nào lượng hành khách đông, bến xe phải bố trí người làm việc 2 ca.

Ông Vui cho biết thêm, khi triển khai qui định này, thời gian đầu có thể chưa thực sự khoa học trong khâu bán vé, nhưng rồi sẽ điều chỉnh dần để tạo điều kiện nhanh chóng nhất cho hành khách.

“Nhân viên bán vé cũng được đào tạo kỹ càng, phải bán vé linh hoạt. Xe nào cùng tuyến mà có giờ chạy trước thì bán vé trước cho xe đó, sau đó mới bán vé cho xe kia. Chứ bán lộn xộn, khách ra đó lại ngồi chờ mất thời gian, làm như này khách cầm vé lên xe là chỉ một lúc xe chạy. Đối với vé chặng có hơi phức tạp 1 chút, nhưng tinh thần là ưu tiên bán vé cho xe chạy cố định tuyến đó. Tôi lấy ví dụ: Xe chạy tuyến Gia Lâm – Thái Bình, xe này đi qua các điểm như TP Hải Dương, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) chẳng hạn. Khi hành khách có nhu cầu đi TP Hải Dương, nhân viên bán vé phải rà soát xem giờ đó còn xe chạy tuyến cố định Gia Lâm – Hải Dương không, nếu còn thì phải bán vé cho tuyến này, còn nếu không còn mới bán vé sang tuyến Gia Lâm – Thái Bình. Vì mục đích là giải quyết cho khách đi nhanh nhất” – ông Vui nói.

Ông Vui thông tin thêm, việc qui định như này đem lại rất nhiều mặt lợi: Bến xe sẽ không bị thất thoát nguồn thu từ các doanh nghiệp vận tải, nhà nước không bị thất thoát thuế vì kiểm soát được lượng hành khách qua bến rất chính xác; hành khách được bảo đảm quyền lợi như được ngồi đúng số xe số ghế, không bị chặt chém vé và được bảo hiểm khi có tai nạn xảy ra; bến xe sẽ không còn tình trạng chèo kéo, tranh giành khách…

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm