Cảnh sát giao thông dạy đạo đức cho người học lái xe

(Dân trí) - Tại các khóa đào tạo lái xe ở Đà Nẵng, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ đứng lớp dạy đạo đức, văn hóa giao thông và hậu quả của việc thiếu đạo đức, văn hóa giao thông cho người học.

Đây là việc làm được Cảnh sát giao thông (CSGT) Đà Nẵng thực hiện từ đầu năm 2016 đến nay tại 8 Trung tâm đào tạo lái xe cơ giới trên địa bàn.

Việc giảng dạy có sự phối hợp với Ban An toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải TP Đà Nẵng và có sự đồng ý về chủ trương của UBND TP Đà Nẵng.

Cảnh sát giao thông Đà Nẵng đứng lớp dạy đạo đức cho người học lái xe
Cảnh sát giao thông Đà Nẵng đứng lớp dạy đạo đức cho người học lái xe

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước có CSGT dạy đạo đức, văn hóa giao thông trong các khóa học lái xe.

Thiếu tá Thái Anh Tuấn, Phó đội trưởng Đội tuyên truyền và điều tra xử lý giao thông (Cảnh sát giao thông Đà Nẵng) - cho hay, đến nay Đà Nẵng đã có khoảng 7.000 tài xế trải qua các khóa học có cảnh sát giao thông giảng dạy.

Theo ông Tuấn, Phòng CSGT Đà Nẵng có 3 người được giao nhiệm vụ đứng lớp giảng dạy về vấn đề này. Các cán bộ này sẽ được cử đến các lớp học trước thời điểm học viên học lái xe tốt nghiệp dựa vào lịch học và lịch thi bằng lái do các Trung tâm đào tạo lái xe gửi tới.

“Thông điệp mà CSGT Đà Nẵng hướng đến là người điều khiển phương tiện cần có đạo đức, văn hóa giao thông”, ông Tuấn cho biết.

Ông Tuấn lấy ví dụ, khi lưu thông trên đường gặp đèn đỏ, tất cả mọi người đều dừng nhưng người vượt lên thì người ta sẽ gọi người đó là thiếu văn hóa.

Những ví dụ, minh chứng đó giúp cho học viên thấy được hậu quả của việc thiếu đạo đức, thiếu văn hóa giao thông.

Thông điệp mà CSGT Đà Nẵng hướng đến là người điều khiển phương tiện cần có đạo đức, văn hóa giao thông
Thông điệp mà CSGT Đà Nẵng hướng đến là người điều khiển phương tiện cần có đạo đức, văn hóa giao thông

Cũng theo Phòng CSGT Đà Nẵng, đã có 7.000 người hoàn thành khóa học thi lấy bằng lái. Tuy nhiên, hiệu quả của khóa học như thế nào thì đơn vị này không nắm được.

“Hiệu quả như thế nào phụ thuộc nhiều vào người truyền đạt. Giảng lôi cuốn, hấp dẫn người dân mới có hứng nghe”, ông Tuấn nói.

Ông Lê Thanh Hùng, quyền Giám đốc Trung tâm đào tạo, dạy nghề 579 (Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng) - cho hay, không cảm thấy phiền khi có CSGT dạy về đạo đức hay văn hóa giao thông. Ông Hùng đánh giá các tài xế cảm thấy gần gũi khi có CSGT trực tiếp giảng dạy.

Một số học viên đang theo học khóa lái xe tại Trung tâm 579 cho biết họ sốc với những hình ảnh, clip về các vụ tai nạn mà giảng viên là CSGT đưa ra làm dẫn chứng. Từ những vụ tai nạn đó, họ cảm thấy phải thực hiện nghiêm chỉnh luật giao thông đường bộ khi lưu thông trên đường.

Khánh Hồng