Thành công đến từ hướng đi đúng đắn

Mới đây, sinh viên ĐH Thành Đô đã giành giải nhất cuộc thi “Lái xe sinh thái - Tiết kiệm nhiên liệu” do Honda Việt Nam tổ chức và giành vé đại diện cho sinh viên khối các trường đại học Việt Nam tham dự cuộc thi thế giới tổ chức ở Nhật Bản tháng 9/2012.

Nhân dịp này, TS. Ngô Xuân Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô đã có cuộc trao đổi về quá trình phát triển và hướng đi của nhà trường.
 
Vừa qua sinh viên ĐH Thành Đô đã tạo dấu ấn khi giành giải nhất cuộc thi “Lái xe sinh thái - Tiết kiệm nhiên liệu” do Honda Việt Nam tổ chức và giành vé đại diện cho sinh viên khối các trường đại học Việt Nam tham dự cuộc thi thế giới tổ chức tại Nhật Bản tháng 9/2012. Ông có thể giới thiệu đôi nét về trường?

TS. Ngô Xuân Hà: Trường Đại học Thành Đô được thành lập theo Quyết định số: 679/QĐ-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Công nghệ Thành Đô.

Ngay từ ngày đầu thành lập, các nhà sáng lập trường, đứng đầu là Nhà giáo nhân dân Ngô Xuân Độ, từng là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng công nghiệp Hà Nội nay là Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, đã xác định thành lập trường đào tạo nhân lực để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, Nhà trường đã xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đào tạo, tuyển các giảng viên có trình độ và phẩm chất đạo đức, đồng thời mời các nhà khoa học, các giảng viên từ các viện nghiên cứu, các trường đại học có danh tiếng về cộng tác.

Trên cơ sở đó nhà trường xây dựng các chương trình đào tạo dựa trên chương trình khung của Bộ GD-ĐT, tiếp nhận các chương trình tiên tiến của các trường đại học trong nước và ngoài nước và khảo sát từ yêu cầu sử dụng lao động của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận để thiết kế chương trình đào tạo phù hợp.

Nhà trường đầu tư xây dựng các điều kiện phục vụ giảng dạy như các phòng học lý thuyết, thực hành và gắn kết với các đơn vị sử dụng lao động nhằm đưa giảng viên, sinh viên tiếp cận với thực tế sản xuất để qua đó nhà trường kiểm nghiệm, điều chỉnh chương trình đào tạo, giảng viên sâu sát thực tế và sinh viên sẽ không còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thực tế công việc sau khi tốt nghiệp ra trường.

Hợp tác quốc tế trong đào tạo cũng được nhà trường đặc biệt quan tâm. Hàng năm nhà trường cử giảng viên đi học tập nâng cao trình độ tại các nước có nền giáo dục phát triển cao như: Mỹ, Đức, Australia, Nhật Bản và Trung Quốc và tiếp nhận các giảng viên nước ngoài có trình độ đến trực tiếp tham gia giảng dạy tại trường.

Nhà trường là thành viên của Hiệp hội cao đẳng cộng đồng Việt Nam qua đó tiếp nhận các dự án tài trợ giáo dục từ các nước Mỹ, Canada về thư viện, trao đổi giảng viên, sinh viên và các thiết bị thí nghiệm thực hành. Nhà trường đã ký hợp tác với Trường Nakanihon, Nhật Bản, trường nổi tiếng tại Nhật Bản và thế giới trong đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật ô tô để trao đổi giảng viên và sinh viên.

Năm 2011, thầy Phạm Trọng Phước - chỉ đạo viên đội TDU2 - ĐH Thành Đô đã sang thăm quan và trao đổi kinh nghiệm tại Nakanihon, Nhật Bản. Việc đội TDU2 - ĐH Thành Đô vừa giành vé đại diện cho sinh viên khối các trường đại học Việt Nam sang Nhật Bản dự thi cuộc thi thế giới “Lái xe sinh thái - Tiết kiệm nhiên liệu vào tháng 9/2012 giúp chúng tôi tự tin hơn để tiếp tục thực hiện mục tiêu mà nhà trường đã đề ra từ khi thành lập.

Ở Hà Nội có nhiều trường đào tạo khoa học kỹ thuật với cách thức và mục tiêu đào tạo khá phong phú. Trong xu hướng hội nhập hiện nay,,theo ông yếu tố nào quyết định đến chất lượng đầu ra của một trường đại học?

Theo tôi, chất lượng giáo dục đại học phải gắn liền với đội ngũ giảng viên. Đội ngũ giảng viên giỏi, tâm huyết với nghề quyết định chất lượng đào tạo.

Trong công tác giảng dạy, đội ngũ giảng viên luôn được định hướng chú trọng phương pháp dạy học tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin và không ngừng cải tiến phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm. Nhà trường thực hiện gắn kết việc đào tạo với doanh nghiệp để sinh viên khi tốt nghiệp sớm có được việc làm và đáp ứng được các yêu cầu của cơ sở sử dụng lao động,

Bên cạnh đó cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng đóng một vai trò rất quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Với sinh viên nếu học không đi đôi với hành sẽ rất bỡ ngỡ khi tiếp cận với thực tế công việc.

Vai trò của các đơn vị sử dụng lao động cũng rất quan trọng. Nếu đơn vị sử dụng lao động đồng hành cùng nhà trường trong suốt quá trình đào tạo thì chất lượng đào tạo sẽ tăng và chất lượng nguồn nhân lực sẽ đảm bảo. Đơn vị sẽ không phải bỏ chi phí để đào tạo lại khi tuyển dụng nhân sự.

Hợp tác quốc tế trong đào tạo đóng vai trò quan trọng trong việc cập nhật chương trình, xây dựng giáo trình tiến tới công nhận bằng cấp giữa hai Bộ GD-ĐT và hai trường để tạo điều kiện đưa giáo dục Việt Nam ra thế giới và giúp giảng viên và sinh viên có cơ hội rộng mở trong hội nhập quốc tế .

Xã hội thường có xu hướng thừa nhận các trường có bề dày lịch sử lâu năm mà ít để ý đến các trường mới thành lập, đặc biệt là ở hệ thống trường ngoài công lập. Quan điểm của ông về hiện tượng này như thế nào? Làm thế nào để các trường “non trẻ” có thể khẳng định được mình với xã hội?

Đó là xu hướng không phải chỉ ở ta mà nhiều nước cũng có cách nhìn nhận như vậy. Để có thể khẳng định mình với xã hội, tôi nghĩ rằng việc nâng cao chất lượng đào tạo là vấn đề sống còn của các trường ngoài công lập. Nhưng cần có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.

Việc nâng cao chất lượng đào tạo không chỉ là vấn đề riêng của từng trường. Khi xã hội và các cấp quản lý chưa thấy vai trò của các trường ngoài công lập trong hệ thống giáo dục để có chính sách đúng thì việc nâng cao chất lượng đào tạo vốn đã khó khăn lại càng khó khăn. Vả lại, hiệu quả việc nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường ngoài công lập gắn liền với công tác tuyển sinh nên một chính sách đúng cho tuyển sinh sẽ có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ sự biến đổi về chất trong công tác đào tạo. Việc nâng cao chất lượng đào tạo cũng nên được hiểu cụ thể là các chuẩn đào tạo mà các trường ngoài công lập phải vất vả để đáp ứng và đang cố gắng duy trì cho được.

Với cách hiểu này, việc nâng cao chất lượng đào tạo mang tính chiến lược phát triển nhiều hơn tính thực tế trong ngắn hạn. Bù đắp cho điều đó cần có sự hỗ trợ nhiều mặt hơn của toàn xã hội để các trường ngoài công lập cảm nhận được sự khích lệ trong phát triển.

Mùa tuyển sinh năm 2012, Trường ĐH Thành Đô sẽ có phương án nào cho thí sinh có nguyện vọng xét tuyển bổ sung vào trường? Ông có chia sẻ gì đối với những thí sinh đang có ý định tham gia xét tuyển vào trường?
 
Năm 2012, nhà trường có tổ chức thi tuyển các khối A, A1, B,C và D1 theo qui chế của Bộ GD-ĐT. Trường cũng dành chỉ tiêu cho thí sinh có nguyện vọng xét tuyển bổ sung vào các ngành nhà trường đang đào tạo. Ngày nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1 từ 21/8/2012 đến hết ngày 31/8/2012 (theo dấu bưu điện), ngày nhập học 12/9/2012.

Trường ĐH Thành Đô luôn quan tâm đến “sản phẩm đầu ra” của mình. Để có sản phẩm tốt thì việc đầu tiên phải có giảng viên tốt, có tâm và nhiệt tình với nghề, luôn phấn đấu để học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực giảng dạy; các giảng viên phải là người gắn kết với doanh nghiệp, là cầu nối để đưa sinh viên đến thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp….

Bên cạnh đó, Trường ĐH Thành Đô đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực với 14 ngành đại học, 15 ngành Cao đẳng và 5 ngành thuộc hệ Cao đẳng nghề. Điểm trúng tuyển của các thí sinh dự thi vào trường và điểm xét tuyển nguyện vọng đều bằng điểm sàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Vì vậy nếu các em đăng ký vào học tại ĐH Thành Đô, các em sẽ có nhiều lựa chọn để theo đúng chuyên ngành học mà các em và gia đình mong muốn.

Xin cảm ơn ông!