Sách giáo khoa phải khẳng định bản sắc, nâng cao đạo đức và chất nhân văn

(Dân trí) - Đó là chia sẻ của GS.TS Min Hyun Sik - Viện trưởng viện Ngôn ngữ quốc gia, ĐH Quốc gia Seoul trong buổi hội thảo với các chuyên gia sách giáo khoa Hàn - Việt chủ đề “Tìm hiểu thực trạng sách giáo khoa Hàn - Việt” được tổ chức tại ĐH Sư phạm TPHCM ngày 22/12.

Sách giáo khoa (SGK) quốc ngữ đóng góp vào trong chương trình giáo dục đào tạo của Hàn Quốc ở 3 vai trò quan trọng là khẳng định vào sự hình thành bản sắc dân tộc; nâng cao tính đạo đức, đồng thời đầy tính nhân văn, nhân bản. “Tôi nghĩ SGKcủa Việt Nam cũng mang những điểm như vậy”, GS.TS. Min Hyun Sik nói.

 

Sách giáo khoa phải khẳng định bản sắc, nâng cao đạo đức và chất nhân văn
Các chuyên gia của ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) chia sẻ về chương trình và SGK phổ thông của Hàn Quốc với các chuyên gia của ĐH Sư phạm TPHCM.

Tại hội thảo, các chuyên gia ở hai lĩnh vực đào tạo về ngữ văn và địa lý của ĐH Sư phạm TPHCM và ĐH Seoul cũng trao đổi kinh nghiệm góp phần cho việc xây dựng chương trình và SGK ngày càng tốt hơn.
 
TS Nguyễn Văn Luyện - Phó trưởng khoa Địa lý, ĐH Sư phạm TPHCM cho biết “Việt Nam đã có đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam từ sau năm 2015. Đổi mới toàn diện bao gồm nội dung chương trình và SGK. Sau khi được tiếp cận được với chương trình và SGK trường phổ thông Hàn Quốc đồng thời được tập huấn về việc đổi mới chương trình và SGK của Việt Nam sau năm 2015. “Dựa theo như dự án chương trình và SGK môn địa lý của Việt Nam so với chương trình của Hàn Quốc hiện nay tôi thấy có nhiều nét giống nhau. Chẳng hạn như chương trình địa lý của tiểu học và trung học cơ sở được tích hợp vào trong môn xã hội, còn cấp THPT có môn địa lý tương tự Hàn Quốc”.
 
Trong buổi giao lưu với đồng nghiệp của ĐH Seoul, TS Luyện thăc mắc chương trình và SGK môn địa lý cấp phổ thông của Hàn Quốc được xây dựng như thế nào, có dựa vào, tham khảo chương trình, sách của nước nào khác không? Ưu nhược điểm của SGK địa lý phổ thông của Hàn Quốc?..
 
GS.TS Ryu Jae Myong - trưởng khoa Địa lý, ĐH Quốc gia Seoul cho rằng ưu điểm thì SGK Địa lý của Hàn Quốc là được in đẹp, giấy đẹp và có nhiều tranh ảnh màu nhìn rất đẹp mắt. Nội dung thì nói về tình hình địa lý trên thế giới và của riêng Hàn Quốc sát với thực tế. Tuy vậy, ông cũng nhìn nhận khuyết điểm lớn nhất là thiếu tinh thần địa lý giúp các em học sinh thấy được tuy sống trong điều kiện địa lý khắc nghiệt nhưng vẫn phát huy sự sáng tạo để phát triển hơn đất nước của mình.
 
“Để làm điều đó thì cần nhiều thời lượng hơn. Tôi nghĩ, các giáo sư ở Việt Nam khi xây dựng chương trình và SGK môn Địa lý cũng cần chú ý đến điều này”, TS. Ryu chia sẻ.
 
TS. Ryu cũng nhìn nhận, hiện nay SGK Địa lý của Hàn Quốc cũng bị phê phán rằng có sự không cân bằng giữa nội dung địa lý tự nhiên và địa lý nhân văn, “nhiều người chỉ trích rằng nội dung để học sinh phải học thuộc bài quá nhiều mà ít liên hệ thực tế về con người của đất nước, vùng đất đó như thế nào”.
 

Cũng theo ông Ryu, “Hàn Quốc chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi Mỹ tuy nhiên 10 năm trở lại đây, chúng tôi cố gắng tham khảo và học theo chương trình đào tạo cũng như SGK của nước Anh. Ngoài ra, các giáo viên đều có thể tham gia góp ý xây dựng SGK và mỗi người đều có thể học tập những điểm hay của những nước khác”.

Lê Phương