Nhịn ăn để học chữ!

(Dân trí) - Thêm cái chữ sẽ bớt đi nghèo đói, thế nên, nhịn ăn để học chữ cũng là một cách làm kinh tế giỏi. Với tâm niệm đó, hầu hết bà con của huyện Nà Hang- một huyện vùng cao hẻo lánh nhất của thị xã Tuyên Quang đều cố cho con đến trường bằng được.

Nà Hang có 21 xã và 1 thị trấn thì 21/22 đơn vị thuộc diện đặc biệt khó khăn với tỷ lệ người dân tộc chiếm 91,4%. Chủ tịch UBND huyện Nà Hang tự hào cho hay, nơi nào có nhu cầu học là nơi đó có lớp.Chủ trương chung của huyện là nơi nào có nhu cầu học tập là ở đó có lớp, dù là lớp ghép, lớp cắm bản, chỉ 5-6 cháu cũng mở lớp mẫu giáo.

 

Thầy Nguyễn Kim Phoóng, hiệu trưởng trường Tiểu học Thượng Lâm (xã Thượng Lâm) cho biết, hiện xã có 11 lớp mẫu giáo dân nuôi, trẻ không được đến trường rất ít. Đến tuổi đi học, mỗi năm có từ 85-99% số cháu được đến trường. Hiện học sinh người dân tộc tại trường chiếm tỷ lệ 97%.

 

Sự nghiệp giáo dục của Nà Hang qủa đáng chú ý. Sau khi hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, xoá mù chữ, Nà Hang bắt tay ngay vào phổ cập THCS. Dù còn nghèo nhưng chỉ trong 3 năm 1998-2000, nhân dân đã góp công, vật liệu trị giá trên 2 tỷ đồng, cùng tấm lợp, xi măng tỉnh cấp làm mới 300 phòng học, nhà bán trú cho học sinh".

 

Ngay từ đầu năm 2001, huyện đã tiến hành rà soát lại trình độ văn hoá trong toàn huyện, trong đó tập trung vào độ tuổi từ 15 đến 18. Cán bộ cùng giáo viên xuống từng gia đình ở các thôn bản đối chiếu lời khai của cá nhân, gia đình, với giấy khai sinh và học bạ, từ đó lập danh sách cụ thể từng hộ gia đình, từng thôn, xã những người cần phải phổ cập và tổ chức vận động học viên tới lớp… Ngoài chế độ ưu đãi của tỉnh quy định, huyện đã vận động cán bộ ủng hộ 2 ngày lương để giúp các học viên có hoàn cảnh khó khăn 10 kg/tháng.

 

Hiện nay toàn huyện thường xuyên duy trì được 62 lớp bổ túc văn hoá THCS với hơn 2.000 học viên, trong đó 1.784 học viên trong độ tuổi 15-18. Theo Hiệu trưởng trường THPT Thượng Lâm Hoàng Văn Nha, tỷ lệ học sinh đến trường của xã khá cao. Xã có 8.400 dân thì riêng trường THPT đã có 1.300 học sinh, chưa kể 6 lớp bổ túc THPT với 297 học sinh, trong đó có hàng trăm em vừa tốt nghiệp hệ bổ túc văn THCS đăng ký nhập học.

 

Đội ngũ giáo viên ở đây đều tâm huyết với nghề như thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Tình, thầy giáo Hoàng Văn Lương mới 25 tuổi, dân tộc Tày, trước học trường dân tộc nội trú, được tỉnh cho đi cử tuyển ở Đại học sư phạm Hà Nội 2, bây giờ về trường dạy môn sinh. Thầy Lương tâm sự: "Lượng kiến thức tuy không đầy đủ như các bạn chính quy nhưng tôi sẽ cố gắng tự bồi dưỡng và học tập thêm. Tôi mong muốn ở lại quê để dạy đúng tiếng dân tộc mình. Vì tôi có thể nói được tiếng phổ thông và tiếng một số dân tộc nên có thể kết hợp để giảng bài". Với mức thu nhập khoảng 800.000 đồng/tháng, thầy cô giáo ở đây đều an tâm công tác.

 

20/22 xã, thị trấn của huyện với trên 70% người trong độ tổi 15-18 tốt nghiệp THCS, kết quả này Nà Hang đã đạt tiêu chuẩn hoàn thành phổ cập THCS. Trong đó có nhiều xã tỷ lệ cao như Côn Lôn 88%, Khau Tinh 83%, Phúc Yên 79%... đã khẳng định sự tận tình của đội ngũ giáo viên, trách nhiệm của gia đình, xã hội và tinh thần hiếu học vượt khó của con em dân tộc huyện vùng cao Nà Hang.

 

 

Mai Minh- Hồng Hạnh