“Người chết” đậu đại học: Làm sao đến trường?

Để tránh rắc rối khi làm thủ tục cho cậu con trai Huỳnh Văn Dư vào lớp 1, ông bố đành “lấy đại” giấy khai sinh của người anh là Huỳnh Văn Hóa cho Dư đi học. Suy nghĩ đơn giản đó đã dẫn đến những phiền toái sau này, khi Hóa mất đi sau một tai nạn, giờ Dư đỗ ĐH nhưng địa phương lại không thể chứng nhận cho em.

Mang tên người chết đi học

 

Chuyện nghe có vẻ như đùa, nhưng cho đến giờ này cậu học trò nhỏ ở cù lao Minh (ấp Hòa Lợi, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) ven dòng sông Cổ Chiên vẫn không biết sắp đến mình có được nhập học hay không, mặc dù Huỳnh Văn Hóa vừa trúng tuyển vào ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Trường ĐH Cần Thơ với 15 điểm.

 

Mọi chuyện chỉ vỡ lẽ khi Hóa lên UBND xã để xin xác nhận vào hồ sơ trúng tuyển, nhưng xã một mực từ chối vì Huỳnh Văn Hóa đã khai tử từ năm 2001. Huỳnh Văn Hóa trước mặt tôi thật ra là Huỳnh Văn Dư, sinh năm 1987.

 

Hồi tưởng lại chuyện ngày trước, Dư kể nghe thật buồn: “Nhà tôi có chín anh chị em, phần lớn đều không được đi học, giỏi lắm cũng chỉ biết mặt chữ rồi nghỉ. Hồi ba còn sống, nghe cha kể lại lúc ra làm giấy khai sinh (năm 1995) cho tôi sợ khai trễ bị làm khó dễ nên cha đã khai tôi sinh năm 1989 cho thuận lợi”.

 

Suy nghĩ giản đơn của người cha quanh năm quen việc nhà nông đã dẫn đến những phiền toái sau này. Khi Dư vừa đủ tuổi thật đi học, nhìn lại giấy khai sinh thì lại thấy thiếu tuổi: 3 tuổi làm sao đi học lớp 1? Thế là cha Dư liền lấy giấy khai sinh của người anh kế tên Huỳnh Văn Hóa (sinh năm 1984) làm thủ tục nhập học cho Huỳnh Văn Dư. Và từ đó khi đi học Dư mang luôn tên Hóa, tên người anh ruột mình.

 

Năm 1990, bất ngờ trong một lần đùa giỡn trên cây cầu gần nhà, Huỳnh Văn Hóa trượt chân ngã xuống sông, chết khi vừa lên sáu tuổi. Trong khi đó, Dư vẫn mang cái tên Hóa đi học bình thường, xem như không có chuyện gì xảy ra. Thậm chí, gia đình cũng quên cả chuyện đi làm giấy báo tử cho Hóa.

 

Chuyện gì đến cũng đến. Năm 2001 bà Lê Thị Sứ (mẹ Dư) không khỏi bất ngờ khi nhận được giấy gọi thi hành nghĩa vụ quân sự đối với Huỳnh Văn Hóa khi người đã mất vừa tròn 18 tuổi. Tất tả bà chạy ra UBND phường xin khai tử cho con mà quên mất thằng út nhà mình vẫn đang đều đặn đến trường mang theo cái tên của người đã chết.

 

Rắc rối và bế tắc!

 

Cô chủ nhiệm Trần Thị Thu Trang, giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), kể: “Thật ra trong một lần họp hội đồng của trường, tôi cũng nghe nói về chuyện của Hóa, chỉ nghe thoáng thôi. Sau đó tôi có hỏi Hóa sao khi em nghỉ học không làm lại giấy tờ (khi vừa học xong lớp 10 Hóa phải nghỉ học hai năm vì bị chứng bệnh đau đầu hành hạ, sau đó Hóa được Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận vào học lại - PV), thì Hóa nói rằng: “Không có hướng cô ơi, người ta cứ chỉ vòng vòng”.

 

Thương tình, cô Trang lại tất tả đi gõ cửa khắp nơi để giúp đứa học trò nghèo: “Tôi đến UBND huyện Long Hồ, bên huyện người ta tính thu hồi giấy báo tử lại, làm cho nó... sống lại, nhưng bên tư pháp nói không được. Lẽ nào Huỳnh Văn Dư với năm sinh 1989 lại đi học lớp 1 từ năm lên ba tuổi? Trong khi đó còn học bạ, văn bằng chứng chỉ trong suốt 12 năm học nữa...”, cô Trang thở dài...

 

Trao đổi với chúng tôi, trưởng Công an xã Hòa Ninh Trương Thanh Toàn kể: “Nhà tui gần đó chứ đâu. Bọn tui cũng muốn giúp lắm nhưng làm không được, không có chỉ đạo ở trên xuống thì làm sao? Chẳng thà hồi đó đừng khai tử còn uyển chuyển được”. Nói xong, anh Toàn cũng bày tỏ mong muốn: “Mấy anh ráng làm gì giúp nó được thì giúp, thằng đó học giỏi lắm!”.

 

Đưa chúng tôi ra thăm mộ của anh mình, nấm mộ bây giờ đã bằng phẳng, không bia đá, Dư buồn buồn: “Lớn rồi mà nhìn mẹ cứ đi bán hàng rong buồn lắm! Quanh quẩn bên vườn nhãn, nhãn được giá thì không nói làm gì, mấy năm nay rớt giá thê thảm, có khi chỉ còn 900 đồng/kg. Bốn công đất chia đều cho anh em, người khá còn có chiếc ghe buôn bán qua ngày, còn không thì đi bán vé số. Anh nhìn kia, nhãn bị ngộ độc hết rồi, đọt nó vàng ươm, mai mốt nó chết vàng rực trời, chắc tôi phải nghỉ học quá!”.

 

Nhưng rồi Dư lại hi vọng: “Tôi ước gì được lấy cái tên Huỳnh Văn Hóa để được đi học tiếp. Học ngành này mai mốt còn về quê gần mẹ gần cha, vả lại mình cũng là nhà nông”...

 

Theo Nguyễn Phan
Tuổi Trẻ