Nghịch lý của ĐH và ĐH “chữ to”

(Dân trí) - Tại một cuộc tuyển dụng nhân sự cho một tập đoàn lớn, rất nhiều ứng cử viên là sinh viên vừa tốt nghiệp đã không thể trả lời được câu hỏi: “Bí thư thành uỷ TPHCM hiện là ai?”

Và trong một chương trình “Ai là triệu phú” được phát sóng cách đây ít lâu, với câu hỏi về kiến thức khoa học cơ bản và hết sức đời thường, người dự thi là một sinh viên ĐH khi được hỏi: “Bộ phận nào của cơ thể con người chỉ có ở trẻ em mà không có ở người lớn?” đã không thể trả lời vì không thể biết “thóp” của trẻ em là bộ phận nào!

 

Được biết, đây là một sinh viên giỏi từng là học sinh giỏi và là lớp trưởng suốt các năm phổ thông. 

 

Nhiều người khi chứng kiến đã phải thốt lên: Sự hiểu biết của sinh viên ĐH là thế ư và họ làm sao “vào đời” được khi kiến thức mông lung và xa rời thực tế như vậy?

 

Quay trở về với những cấp học dưới thì sao? Vào thời điểm cuối năm 2005, trường tiểu học Thành Công A (Hà Nội) có thực hiện khảo sát 80 học sinh hai lớp 1 dưới hình thức cho làm một bài kiểm tra Toán, bao gồm những kiến thức mà học sinh chưa được học ở lớp. Thật ngạc nhiên khi một lớp có tới 80% học sinh được điểm 10 tuyệt đối, lớp còn lại hơn 90% các em đều làm được hết tất cả các câu hỏi.

 

Hiệu trưởng của trường tiểu học trên cho biết: Các cháu học sinh khi được hỏi vì sao cô giáo chưa dạy mà các con lại làm được bài nhiều? thì học sinh đã trả lời rằng đã được học ở nhà do bố, mẹ, anh chị hoặc gia sư dạy trước.

 

Điều này, nếu giáo viên không biết thì dễ ngộ nhận rằng học sinh lớp mình giỏi nên càng dạy nhanh hơn, cao hơn mà quên mất có những học sinh không được học ở nhà trước. Sự tích cực của phụ huynh trong việc ép con cái học tập đã dẫn đến sự ngộ nhận này của cô giáo và hậu quả là hầu hết học sinh phổ thông đang phải học trong một áp lực rất lớn.

 

Nhưng, cũng theo cô hiệu trưởng này thì khi thực hiện đánh giá về thực trạng việc học tập của học sinh có quá tải hay không, qua phiếu thăm dò của 858 cha mẹ học sinh thì chỉ có 22% ý kiến cho rằng con mình phải học tập vất vả quá. Trong khi đó có tới 52,8% (trong số gần 80 giáo viên của trường) cho rằng các em đang phải học tập quá vất vả.

 

Vấn đề được đặt ra là: Vì lo lắng và kỳ vọng vào việc con mình sẽ học giỏi hơn nữa nên giữa giáo viên và phụ huynh mới có hai đánh giá khác nhau như vậy?

 

Cái đích sự kỳ vọng, mục tiêu số một của phụ huynh chính là con em họ phải học thật giỏi để thi đỗ ĐH. Mục tiêu này phải được chuẩn bị từ lớp 1, con em họ phải giỏi từ lớp 1 rồi đến hết bậc Tiểu học, THCS và thi vào những “trường điểm” rồi tiếp tục học giỏi để thi vào ĐH.

 

Cô Bùi Thị Phương, giáo viên trường Tiểu học Thành Công A đã nhận xét: “Phụ huynh học sinh luôn quá kỳ vọng vào con em mình. Từ khi sinh ra đứa trẻ, từ cha, mẹ, ông, bà đều đã tưởng tượng ra đứa trẻ ấy sau này sẽ phải giỏi giang, hoàn hảo, không nhất thì nhì, chứ không thể ba.

 

Tất cả gánh nặng ấy đều đặt lên vai đứa trẻ nên lớp 1, 2, 3 cũng phải học nhiều như lớp 4,5; lớp 4,5 lại phải học nhiều như lớp 8,9. Thứ 7, chủ nhật người lớn được nghỉ, riêng trẻ em vẫn phải học. Ngày học, đêm học, học nhiều đến nỗi nhiều em không biết mình vừa được học cái gì”.

 

Rõ ràng, “không khí” chung ở bậc phổ thông là học trò luôn phải quay cuồng trong việc học. Nhưng lên ĐH thì sao?

 

Sau khi “thoát” được cuôc chen đua quyết liệt, loại hàng trăm nghìn người để đặt chân đến ngưỡng cửa ĐH, những chú “gà công nghiệp” của thời phổ thông gần như bị hụt hẫng vì không khí học tập ở đây.

 

Một không khí học tập mà theo nhận xét của TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là một không khí chỉ để đào tạo ra những “chuyên gia giết rồng” các loại! (“Giết rồng” là một thuật ngữ xuất phát từ tích “đồ long chi kỹ”, một tích cổ Trung Quốc mang tính ngụ ngôn: Có người bỏ ngàn vàng của nhà để đi học nhiều năm thuật giết rồng, nhưng học xong rồi không biết dùng cái thuật ấy để làm gì bởi vì có rồng đâu để mà... giết).

Học hành căng thẳng thời phổ thông với những kiến thức chưa cần biết mà đã phải cố biết. Đến khi lên đến bậc ĐH, cái cần biết, cần học thì lại không được dạy, được biết. Nghịch lý trong việc học từ bậc ĐH “chữ to” đến bậc ĐH có lẽ là như vậy!

M.M