Ngành công nghệ thông tin: Bất ngờ “rớt giá”

Đến thời điểm này, qua kiểm tra sơ bộ hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi vào ĐH, CĐ, THCN, diễn ra một bất ngờ thú vị: ngành Công nghệ thông tin (CNTT), vốn luôn nóng trong các kỳ tuyển sinh, có rất ít lượng hồ sơ nộp vào.

Mặc dù ngày 10/4 là hạn chót đăng ký hồ sơ dự thi của học sinh THPT nhưng theo Phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT TPHCM), phải đến khoảng 20/4, các trường mới có thể hoàn tất hồ sơ để gửi về cho Sở GD-ĐT.

 

Hiện nay, Sở GD-ĐT vẫn “du di” cho thí sinh vãng lai khoảng một ngày nữa cũng như kéo dài thời hạn đến 15/4 cho những thí sinh trót làm sai hồ sơ có thể sửa sai. Theo thống kê, số lượng hồ sơ thí sinh vãng lai nộp vào Đại học CNTT cho đến lúc này chỉ có… 22 bộ.

 

Kiểm tra sơ bộ hồ sơ từ một số trường THPT nộp về Sở GD-ĐT, số lượng hồ sơ nộp vào ngành CNTT của các trường vẫn rất hiếm hoi, chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với các ngành khác. Cụ thể tại trường THPT Phú Nhuận, cho đến lúc này, thí sinh nộp vào ngành CNTT như sau: 5/43 bộ hồ sơ (ĐH Bách khoa), 4/75 (ĐH Khoa học tự nhiên), 16 bộ hồ sơ nộp vào ĐH CNTT.

 

Thống kê sơ bộ tại trường THPT Marie Curie cũng cho thấy: Chỉ có 1 bộ hồ sơ nộp vào ngành CNTT của ĐH KHTN (ĐHQG TPHCM), 2/100 bộ hồ sơ nộp vào ĐH Hoa Sen.

 

Thí sinh nộp hồ sơ vào ĐH Mở và ĐH Ngoại ngữ - Tin học chủ yếu nộp vào các ngành như: Quản trị kinh doanh, kế toán, quản trị du lịch - khách sạn nhà hàng. Không có bất kỳ một bộ hồ sơ nào nộp vào ngành CNTT ở hai trường này. Một số trường khác như THPT Lê Quý Đôn, THPT chuyên Lê Hồng Phong… cũng “chịu chung số phận”.

 

Trong khi đó, đến cuối ngày 10/4, thống kê ngành CNTT tại văn phòng đại diện phía Nam Bộ GD-ĐT  cho biết: ĐH CNTT  có 24 bộ hồ sơ đăng ký dự thi, ĐH Bách khoa (10/59), ĐH Khoa học tự nhiên (4/52), ĐH Giao thông vận tải TPHCM (3/40), ĐH Mở (4/81).

 

Giải thích cho hiện tượng này, ông Hồ Quốc Cường - chuyên viên tuyển sinh văn phòng đại diện phía Nam Bộ GD-ĐT cho rằng, thị trường đang bão hòa.

 

Thí sinh năm nay đổ xô nộp đơn vào những ngành như kinh tế tài chính, ngân hàng, sinh học, công nghệ sinh học, môi trường do tác động của xã hội cũng là điều dễ hiểu. Nhất là, rất nhiều thí sinh nghĩ rằng: Muốn ra làm CNTT không nhất thiết học ĐH ngành CNTT.

 

Hiện nay, đã có khoảng 90% các trường trung cấp đều có ngành CNTT và có thể dễ dàng liên thông lên các hệ đào tạo cao hơn. Thêm vào đó, các công ty máy tính mở ra ngày càng nhiều với cách đào tạo vừa học vừa làm hết sức hiệu quả”.

 

GS.TSKH Hoàng Kiếm - Hiệu trưởng ĐH CNTT cũng tỏ ra khá bất ngờ trước việc này. Ông lý giải: Mùa tuyển sinh năm nay, hầu như các vùng đều có các trường ĐH tư thục. Các trường này đều tuyển sinh ngành CNTT. Các trường này sẽ hút một số lượng không nhỏ thí sinh nộp đơn vào.

 

Nhưng trước tình hình hồ sơ đăng ký dự thi như thế này, dự báo điểm chuẩn và tỉ lệ chọi vào ĐH CNTT sẽ thấp hơn năm trước rất nhiều.

 

Theo Đăng Khoa

Tiền Phong